THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:56

Cao tốc Nha Trang – Buôn Ma Thuột: Thúc đẩy kinh tế vùng Duyên Hải Nam Trung bộ – Tây Nguyên

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 đầu tư khoảng 117,5 km, chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công; Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.

Về tiến độ thực hiện, Nghị quyết quy định quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2027.

Dự án thành phần 3 thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 48km, điểm đầu tại Km 69+500 thuộc địa bàn huyện Ea Kar, điểm cuối tại Km 117+500 thuộc địa bàn huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk, được đầu tư với quy mô 4 làn xe phân kỳ, mặt cắt ngang nền rộng 17m, tốc độ khai thác 80km/giờ, các yếu tố bình đồ, mặt cắt dọc thỏa mãn tốc độ thiết kế 100km/giờ. Riêng đối với làn dừng khẩn cấp được bố trí không liên tục với khoảng cách 4-5km một vị trí, bảo đảm an toàn khai thác, có tổng mức đầu tư là 6.485 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.588 tỷ đồng, chi phí xây dựng, quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khai thác và dự phòng phí là 4.897 tỷ đồng, được UBND tỉnh Đắk Lắk giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Lắk Lắk làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án, công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022.

Đơn vị tư vấn báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về vị trí xây dựng cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua tỉnh Đắk Lắk (Ảnh Hoàng Tuyết).

Đơn vị tư vấn báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về vị trí xây dựng cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đoạn qua tỉnh Đắk Lắk (Ảnh Hoàng Tuyết).

Theo chủ đầu tư dự án, về công tác chuẩn bị, đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Ban Chỉ đạo một số công trình, dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021-2025 (Ban Chỉ đạo 321). Đồng thời, Ban Chỉ đạo đã thành lập Tổ công tác trực thuộc để triển khai, thực hiện Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành Công văn số 7830/UBND-CN ngày 16/9/2022 về việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. Chủ đầu tư đã triển khai lập, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu bước chuẩn bị đầu tư dự án để triển khai thực hiện.

Ban Quản lý dự án đã tổ chức hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu và ký hợp đồng đối với các gói thầu tư vấn bước chuẩn bị đầu tư.

Hiện nay, các hạng mục công việc của dự án như: Công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới đường bộ đang được triển khai. Ngày 28/9, phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng đã được phê duyệt và đang triển khai khảo sát hiện trường…

Phó Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Phan Xuân Bách, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết: Đến thời điểm hiện nay, dự án chưa được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, tiến độ triển khai dự án vẫn bảo đảm theo kế hoạch của UBND tỉnh. Chủ đầu tư hiện đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác khảo sát, thiết kế và thỏa thuận với cơ quan liên quan để rút ngắn thời gian một số hạng mục; bảo đảm tiến độ chung của dự án và phấn đấu vượt tiến độ một số hạng mục công việc.

Theo số liệu báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phạm vi tuyến Dự án thành phần 3 thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 đi qua 3 huyện của tỉnh Đắk Lắk với chiều dài 48km có 407 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 313 hộ tái định cư. Cụ thể, huyện Cư Kuin có 4,4km với 146 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 109 hộ tái định cư. Huyện Krông Pắc có 32,2km với 206 hộ bị ảnh hưởng, trong đó 157 hộ tái định cư. Huyện Ea Kar có 11,4km với 55 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 47 hộ tái định cư…

Theo ông Phan Xuân Bách, dự án hiện đang trong giai đoạn triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, việc xác định diện tích thu hồi, giá trị đất và tài sản trên đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xác định chi phí giải phóng mặt bằng trong tổng mức đầu tư của dự án. Do đó, đề nghị UBND các huyện, Sở TN&MT tỉnh phối hợp trong quá trình xác định giá đất và tài sản trên đất trong phạm vi dự án để đơn vị tư vấn có cơ sở tính toán, bảo đảm kinh phí triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án.

Đồng thời, UBND các huyện cần chủ động tổ chức rà soát, xác định nhu cầu tái định cư của các hộ dân thuộc đối tượng tái định cư trong phạm vi tuyến cao tốc đi qua, các thành viên Tổ công tác và lãnh đạo UBND các huyện có tuyến cao tốc đi qua đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến việc tháo gỡ những khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là trong công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ thực hiện dự án.

Trung tâm Thành phố Buôn Ma Thuột(Ảnh Thế Hùng)

Trung tâm Thành phố Buôn Ma Thuột(Ảnh Thế Hùng)

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho rằng: Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với tỉnh Đắk Lắk mà cả khu vực Tây Nguyên. Vì vậy, đề nghị Ban Quản lý dự án thành phần 3 và các thành viên Tổ công tác, các ngành, các địa phương liên quan của tỉnh cần nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra, phấn đấu khởi công dự án đúng tiến độ, bảo đảm các mốc thời gian hoàn thành dự án theo chỉ đạo tại Nghị quyết 89/NQ-CP ngày 25/7/2022 của Chính phủ.

Theo đó, việc đầu tư Dự án nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực không gian phát triển vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Quyết định 17/2022 của Thủ tướng phân cấp vai trò chủ đầu tư 8 dự án đường cao tốc đầu tư công về UBND 14 tỉnh thành. Trong đó tiêu biểu như: Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (tổng mức đầu tư hơn 21,9 nghìn tỷ đồng), chia làm 3 dự án thành phần, phân cấp cho UBND tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa làm chủ đầu tư 2 đoạn, Bộ GTVT làm chủ đầu tư đoạn nối 2 tỉnh.

LÊ NHUẬN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh