Quyết liệt triển khai thi công đưa vào khai thác tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào cuối năm nay
- Y học 360
- 21:51 - 09/09/2022
- Miễn thu phí cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến hết tháng 9
- Hoàn thành giải phóng mặt bằng cao tốc Bến Lức-Long Thành trước 30/8
- Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn cắt đường dân sinh khi chưa hoàn thành đường thay thế
- Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư cao tốc Cam Lộ - La Sơn
- Thừa Thiên – Huế: Hơn 1.540 gia đình, tổ chức bị ảnh hưởng khi làm cao tốc Cam Lộ - La Sơn
- Thủ tướng phát lệnh khởi công dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn đi qua 2 tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế, có tổng chiều dài 98,3km (trong đó qua tỉnh Quảng Trị 37,3km, qua tỉnh Thừa Thiên Huế 61,0km), với tổng mức đầu tư 7.669,307 tỷ đồng. Dự án được khởi công ngày 16/9/2019 và dự kiến hoàn thành vào ngày 31/12/2022, với 11 gói thầu; quy mô giai đoạn 1 gồm 2 làn xe, rộng. 12m.
Theo báo cáo của Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư cao tốc Cam Lộ - La Sơn), tính đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án. Tuy nhiên vẫn còn 14 vị trí cột điện trung và cao thế phục vụ giai đoạn vận hành khai thác (không ảnh hưởng đến quá trình thi công) chưa hoàn thành xong, trong đó Thừa Thiên Huế có 13 vị trí, Quảng Trị 1 vị trí.
Về quá trình thi công, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, giá vật liệu xây dựng biến động tăng cao, song với sự quyết tâm cao, đến nay sản lượng của dự án đã đạt 5.375,30/5.712 tỷ đồng (tương đương 94,1% giá trị hợp đồng). Hiện tại khối lượng đã thực hiện các hạng mục chính ở nhiều gói thầu đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, vẫn còn một số gói thầu vẫn chậm hơn nhiều so với các gói thầu khác, đặc biệt là gói thầu số 5 và số 6.
Đại diện chủ đầu tư khẳng định, với khối lượng còn lại không nhiều (khoảng 6%), đơn vị sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, để đảm bảo hoàn thành tiến độ dự án trước ngày 31/10/2022.
Thời gian tới, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án từ mặt bằng cho đến nguồn vật liệu, đặc biệt là công tác phê duyệt thiết kế, dự toán các hạng mục bổ sung phát sinh để nhà thầu kịp thời triển khai thi công; đẩy mạnh công tác nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu, không để tồn đọng khối lượng đã thi công tại hiện trường để nhà thầu có dòng tiền xoay vòng thi công, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.
Chủ đầu tư cũng sẽ yêu cầu nhà thầu tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực, làm tăng ca, tăng kíp,…để bù lại khối lượng bị chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết. Đối với một số gói thầu mà đơn vị thi công yếu, chậm, chủ đầu tư đã đề nghị các đơn vị thi công có năng lực hơn hỗ trợ, chia sẻ công việc, với mục tiêu hoàn thành tiến độ dự án đã đề ra.
Chủ đầu tư sẽ thường xuyên kiểm tra, rà soát tiến độ nhàu thầu theo tuần, theo tháng để cảnh báo kịp thời đến lãnh đạo cao nhất của nhà thầu. Trường hợp đã có thư cảnh báo nhắc nhở đến lần thứ 3 nhưng tiến độ không tiến triển hoặc tiến triển chậm không đáp ứng được yêu cầu thì cắt chuyển. Đến nay, đã có 1 số nhà thầu phụ bị cắt chuyển khối lượng và yêu cầu nhà thầu chính thi công.
Đối với các vị trí còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư kiến nghị tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tránh khi dự án đưa vào khai thác gây mất an toàn cho lưới điện Quốc gia.
Mặt khác, theo chủ đầu tư, hiện nay giá vật liệu, nhiên liệu biến động mạnh gây ảnh hưởng đến dòng tiền của nhà thầu. Để đảm bảo tính đúng, đủ chi phí trượt giá cho nhà thầu, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh kiến nghị các địa phương rà soát công bố chỉ số giá đảm bảo sát với diễn biến thị trường và kịp thời để có cơ sở phê duyệt chi phí bù giá cho nhà thầu. Trường hợp cần thiết, kiến nghị Phó Thủ tướng cho phép Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao cho mỗi dự án 1 đơn vị tư vấn lập chỉ số giá riêng cho dự án cao tốc trên cơ sở đó Ban sẽ thoả thuận với địa phương làm cơ sở áp dụng cho dự án.
Phát biểu tại buổi làm việc, hầu hết các ý kiến đều nêu lên những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn. Tuy nhiên, đại diện các nhà thầu thi công đều cam kết hoàn thành tiến độ dự án đã đề ra.
Về phía 2 địa phương Quảng Trị và Thừa Thiên Huế cũng đưa ra cam kết nỗ lực hết mình để hoàn thành việc di dời, nắn chỉnh các vị trí cột điện còn vướng mắc, bảo đảm dự án đưa vào khai thác an toàn.
Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định, 31/12/2022 sẽ là thời điểm chốt để chính thức tuyên bố hoàn thành, đưa vào khai thác dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn. “Việc tuyên bố thông xe này chỉ thực hiện 1 lần, đồng nghĩa với việc 100% các hạng mục trên tuyến chính đã hoàn thành và đầy đủ các yếu tố đảm bảo an toàn giao thông, chứ không phải thông xe có điều kiện. Còn lại hệ thống đường gom sẽ tiếp tục hoàn thiện”, ông Thọ nhấn mạnh. Dù áp lực về thời gian, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị thi công phải đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu, những điểm nào chưa đạt cần kiểm tra, đánh giá kỹ và có giải pháp để khắc phục bảo đảm an toàn là trên hết.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao sự nỗ lực của các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan trong triển khai thi công dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn. Phó Thủ tướng đánh giá, đây là dự án đạt độ tốt nhất so với các dự án khác cả về tiến độ lẫn chất lượng.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng chia sẻ với những khó khăn của các đơn vị nhà thầu xây dựng gặp phải trong thời gian qua, nhất là giá xăng dầu, vật liệu xây dựng liên tục biến động tăng cao, gây ảnh hưởng đến khả năng triển khai dự án; khó khăn trong thanh quyết toán.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc hoàn thành các dự án thành phần để nối thông suốt toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Để đáp ứng tiến độ công việc, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị, địa phương cần chủ động hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, triển khai dự án theo nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT thành lập Tổ công tác để rà soát hồ sơ, hướng dẫn thủ tục cho các nhà thầu. Các đơn vị thi công phải giữ lời hứa về chất lượng cũng như tiến độ xây dựng, phải chịu trách nhiệm trước dân, trước lãnh đạo Chính phủ với lời hứa của mình; giữ được thương hiệu xây dựng đường cao tốc về chất lượng và tiến độ. Phó Thủ tướng yêu cầu không đổi chất lượng lấy tiến độ mà phải làm đến đâu chắc đến đó, phấn đấu hoàn thành tiến độ đề ra.
Phó Thủ tướng lưu ý, thời gian hoàn thành dự án đến ngày 30/10/2022 không còn xa, đề nghị các đơn vị phải tranh thủ từng ngày, tranh thủ hoàn thiện các hạng mục, thủ tục để quyết tâm đưa vào khai thác, khánh thành, thông xe trong tháng 11/2022. Phải xem đây là dự án mẫu để triển khai các dự án khác trên toàn tuyến.