Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo tuyển người mẫu nhí
- Pháp luật
- 16:30 - 05/12/2022
Thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM tiếp nhận nhiều vụ việc nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phương thức của những người này là đăng tin trên mạng xã hội tuyển mẫu ảnh nhí, nhiều phụ huynh muốn con em được nhận làm người mẫu nên đã liên hệ với các trang này.
Thủ đoạn của đối tượng là thông qua mạng xã hội Facebook hoặc Zalo, Telegram…, nhóm lừa đảo sẽ kết bạn và mời tham gia ứng tuyển người mẫu nhí cho hãng thời trang. Sau khi cha hoặc mẹ “cắn câu”, chúng sẽ đưa vào một group chat để mời tham gia thử thách.
Thử thách là chuyển khoản để mua sản phẩm hàng hiệu, số tiền tăng dần. Thông thường, thử thách thứ 1, 2, chúng trả hoa hồng và tiền làm nhiệm vụ, nhưng khi số tiền chuyển tăng cao, chúng giở trò.
Nếu cú pháp hoặc số tiền chuyển khoản sai sẽ phải chuyển lại cho đúng. Nếu không kịp thời hạn quy định của chúng, phải nộp thêm tiền để được gia hạn, lúc đấy mới được ứng tuyển và hoàn tiền. Nếu không đáp ứng các quy định trên, sẽ bị mất tiền. Đến giai đoạn này, sợ mất tiền nên phụ huynh thường chuyển thêm tiền. Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu chuyển tiếp, vì không đúng cú pháp, cứ như vậy, số tiền tăng dần.
Tìm hiểu trên Facebook, phóng viên ghi nhận có rất nhiều Fanpage và group tuyển mẫu ảnh nhí như: Tuyển mẫu ảnh nhí Việt Nam, Người mẫu ảnh nhí, Người mẫu nhí, Tuyển mẫu ảnh nhí toàn quốc, Người mẫu ảnh nhí – diễn viên nhí – Idol Kiss…
Nội dung quảng cáo như: Chớp CV làm MẪU ẢNH tại gia thu nhập 7-15 triệu/tháng cho bé với mô tả là chụp mẫu các sản phẩm bộ sưu tập nhãn hàng đưa ra; không gian tự chọn, chủ động thời gian.
Có rất nhiều phụ huynh đăng hình ảnh con lên mạng để hỏi xem có đạt tiêu chuẩn không, cũng không ít người cho biết thông tin lừa đảo, nhưng phụ huynh không biết mà vô tư “sập bẫy”.
Các tài khoản này đề nghị nạn nhân làm cộng tác viên trên mạng, nội dung là chuyển tiền online vào các tài khoản ngân hàng do các nghi phạm chỉ định. Nếu hoàn thành các "nhiệm vụ" được giao sẽ được nhận tiền gốc và lãi theo cấp độ tăng dần. Đến khi nạn nhân không đủ số tiền để thực hiện "nhiệm vụ", các đối tượng sẽ khóa nhóm và chiếm đoạt toàn bộ số tiền. Có người bị lừa hàng chục đến cả trăm triệu đồng.
Công an TP khuyến cáo người dân cảnh giác, không tham gia, không gửi hình ảnh của con em phòng ngừa đối tượng xấu lợi dụng. Tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu không hợp pháp để tránh bị lừa đảo. Khi bị yêu cầu chuyển tiền thì báo ngay cho cơ quan công an để được tiếp nhận xử lý, phục vụ công tác điều tra.