THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:52

“Cánh cửa cuộc đời” luôn mở với ai biết vươn lên...

Vượt qua mặc cảm 

Sinh ra trong một gia đình có 9 anh chị em, chị Y Lợi bị khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ. Cuộc sống khó khăn, cả nhà chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng. Tất cả mọi gánh nặng đều đổ lên vai bố mẹ nên các anh chị em của chị đã phải gác lại chuyện học hành để phụ giúp gia đình. Chị cũng  học hết lớp 9 thì cũng nghỉ học, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, hơn nữa chị luôn thấy mặc cảm khi có nhiều ánh mắt ái ngại và thương hại dõi theo mình. Bên cạnh đó, bạn bè cũng dần xa lánh, khiến chị trở nên hụt hẫng, mặc cảm…

Hằng ngày thấy bố mẹ và anh chị em vất vả, lo lắng chăm sóc cho mình, điều đó khiến chị quyết tâm phải làm bằng được việc gì đó để không còn là gánh nặng cho gia đình và ổn định cuộc sống sau này. Xuất phát từ những suy nghĩ đó, năm 2005 chị xin học nghề may tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Đắk Hà, nhưng không đủ học viên để mở lớp, sau đó một thầy giáo xin cho chị đi học nghề Văn thư lưu trữ tại trung tâm dạy nghề Kon Tum.

Năm 2007, trở về địa phương với tấm bằng trung cấp nghề, nhưng để xin được việc làm đối với chị lại là một trở ngại lớn. Sau bao trăn trở, bên cạnh là sự động viên của gia đình và với lòng quyết tâm vươn lên của bản thân, chị đã mạnh dạn gửi hồ sơ xin việc làm tại UBND xã Ngọc Wang (Kon Tum) và may mắn đã đến với chị. Được sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo xã, chị được phân công làm việc tại văn phòng đảng ủy xã Ngọc Wang. Với sự nỗ lực của bản thân và lòng say mê với công việc, trong những năm qua chị luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Chị đã được tặng rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành, điều đó là động lực cho chị thêm cố gắng vượt mọi trở ngại trong cuộc sống.

Chị Y Lợi tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật và trẻ mồ côi lần thứ V.

Mặc dù đã có việc làm ổn định, nhưng chị vẫn muốn được tiếp tục học tập để nâng cao trình độ chuyên môn và sự hiểu biết của bản thân. Năm 2008 chị được đảng ủy, chính quyền cử đi học lớp Sơ cấp lý luận chính trị. Tháng 5/2010 chị được bầu vào đại biểu HĐND và đến 25/2/2011 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. “Là một người khuyết tật, tôi thật sự không dám tin vào điều đó, được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi rất cảm động, hạnh phúc và rất đỗi tự hào…”, chị Y Lợi chia sẻ..

Vỡ òa trong hạnh phúc

Dù có công việc ổn định, song chị vẫn luôn mặc cảm với số phận của mình, nên hạnh phúc riêng chị không dám nghĩ đến. Trong cuộc sống hằng ngày, những câu hỏi vô tình của bạn bè đồng nghiệp “Khi nào em lấy chồng vậy Lợi?” đã làm tim chị đau nhói.

“Người ta nói tình yêu không có khoảng cách”, quả thật không sai. Tôi gặp anh khi anh theo đoàn khuyết tật tỉnh Ninh Bình đi biểu diễn tại Kon Tum, bài hát “Tình cây và đất” được anh cất lên với giọng trầm ấm nghe sao da diết, khó quên. Qua những cuộc điện thoại, những dòng tin nhắn hỏi thăm thế rồi tôi và anh đã yêu nhau lúc nào không hay. Ông trời đã se duyên cho chúng tôi được đến với nhau, để rồi bù đắp cho nhau những thiếu thốn về tinh thần. Tôi không quên được cái ngày anh hỏi “Làm Vợ anh, em nhé?”, cảm giác trong tôi lúc đó thật khó tả, tim tôi đập liên hồi. Sau đó được sự đồng ý của cha mẹ hai bên, cái ngày tôi và anh quyết định về sống với nhau cũng đã đến. Để tiện cho công việc của tôi, cha mẹ anh đã đồng ý cho anh về ở rể. Biết hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn đối với đôi Vợ chồng khuyết tật như chúng tôi nên Liên đoàn Lao động huyện đã hỗ trợ xây dựng cho chúng tôi một căn nhà cấp 4 rộng 30m2 để ổn định cuộc sống”, chị Y Lợi tâm sự.

Cuộc sống của đôi vợ chồng khuyết tật với đồng lương ít ỏi, không có đất để sản xuất, anh chị phải đi mượn đất để trồng mỳ (sắn), hoa màu và mở thêm quán bán đồ ăn sáng ở nhà.

“Niềm hạnh phúc đến với chúng tôi thật bất ngờ khi một sinh linh bé nhỏ lớn dần trong bụng. Đến ngày sinh nở, do không đủ sức khỏe để sinh bình thường nên tôi phải trải qua một ca mổ đầy khó khăn. Khi nghe được tiếng khóc của con, mọi đau đớn trong tôi như vơi hẳn, tôi đã xúc động và dồn dập hỏi các bác sĩ “Bé có sao không? Bé có bị giống như bố mẹ không?”. Bác sĩ nói “Bé không sao, bình thường và rất xinh”. Không kìm được nước mắt, cả hai vợ chồng tôi đã khóc trong sự vỡ òa hạnh phúc. Con chính là động lực, niềm tin, hạnh phúc, tài sản lớn nhất đối với vợ chồng tôi”, chị Y Lợi xúc động kể lại. 

CÙ HÒA/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh