CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:45

Nghị lực phi thường của đôi vợ chồng thương binh

 

Đi theo tiếng gọi của Tổ quốc

Về mảnh đất Kỳ Phong, hỏi thăm về trang trại của gia đình ông Hùng và bà Vân chúng tôi may mắn được vị chủ tịch xã dẫn đường. Từ đường quốc lộ 1A chạy về hướng tây nam của xã Kỳ Phong tầm 2km, có một trang trai tổng hợp rộng khoảng 7km2. Đó chính là trang trại của đôi Vợ chồng thương binh Nguyễn Viết Hùng và bà Thái Thị Vân.

Ông Hùng và bà Vân tâm sự về những năm tháng trong chiến trường

Những ngày này, hai ông bà đang cùng người làm đang tích cực làm đất, chuẩn bị trồng hơn 1000 cây ăn quả các  loại. Trong màu xanh áo lính, mặc dù tuổi đã cao, thế nhưng hai ông bà vẫn làm việc hăng say, không kể nắng mưa. Thấy khách đến chơi, hai ông bà nghỉ tay, mời chúng tôi vào nhà uống nước, trò chuyện.

Nhớ lại hồi ức về những năm tháng trên chiến trường, đôi mắt người cựu chiến binh Nguyễn Viết Hùng đỏ hoe, khóe mắt cay cay. Nhâm nhi ly trà nóng ông kể, năm 1966, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ tại đơn vị C22, rồi D44 trinh sát thuộc tỉnh đội Hà Tĩnh, sau đó chuyển vào đơn vị Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 chiến đấu tại Quảng Trị.

Những tháng ngày chiến đấu ở đây, ông chứng kiến hàng trăm đồng đội của mình lần lượt ngã xuống, riêng bản thân ông đã 3 lần bị thương khắp cơ thể. Hiện trong người ông vẫn còn 4 viên bi nằm lại, không thể lấy ra. “Những hôm trở trời mưa gió, vết thương lại dấy lên, đau nhức không thể chịu nói chú ạ. Nhưng dù sao tôi vẫn may mắn hơn các đồng đội của  tôi, các đồng chí ấy hi sinh khi còn quá trẻ, nhiều đồng chí nay không tìm được thi thể” – ông Hùng cho hay.

Hòa bình lập lại, ông chuyển về công tác tại Lâm trường huyện Kỳ Anh cho đến năm 1989 mới nghỉ hưu. Sau đó, ông cùng gia đình về sống tại xã Kỳ Phong và được nhân dân tín nhiệm giao làm Bí thư chi bộ thôn Trung Phong cho đến năm 2014.  Hiện nay ông là thương binh 4/4 với thương tật lên đến 35 %.

Còn bà  Thái Thị Vân, vợ ông là một cựu thanh niên xung phong, năm 1967 bà lên đường nhập ngũ tại đơn vị N53-535-P18 Tổng đội Thanh niên xung phong Hà Tĩnh, tham gia san lấp hố bom trên tuyến đường chiến lược 21, 22, 15A, ngã ba Đồng Lộc.

Năm 1972, khi đang làm nhiệm vụ tại Ngầm Vực (thuộc đường 21), bà Vân trúng bom bị thương, hiện là thương binh 4/4 (thương tật 21 %). Thống nhất đất nước, bà Vân về công tác tại Công ty Điện lực 3 Hà Tĩnh, năm 1986 nghỉ hưu và làm Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong xã Kỳ Phong cho đến nay.

Mối nên duyên vợ chồng của ông bà được bắt nguồn vào năm 1974, khi đó trong một lần về nghỉ phép ông Hùng gặp gỡ bà Vân, không lâu sau đó hai người lấy nhau.

Hai ông bà bên vườn gió trầm tiền tỷ của mình

Vươn lên làm kinh tế

Ông Hùng cho biết, mảnh đất làm trang trại của ông trước đây vốn là vùng hẻo lánh, đất trống đồi trọc khô cằn, bỏ hoang, nhiều hố bom mìn. Năm 1990, hai vợ chồng bàn bạc với nhau lên đây làm kinh tế.

Lúc mới lên, vợ chồng ông gặp không ít khó khăn, nhiều lần vợ chồng ông muốn buông xuôi, nhưng  rồi vì thương mấy đứa con đang tuổi ăn học, không làm sợ không có gì cho con ăn ông bà lại quyết tâm  làm tiếp. Ban đầu trang trại của 2 ông bà trồng chủ yếu các loại hoa màu như khoai sắn, bắp, chuối... năng suất thấp, chủ yếu là đủ ăn.

Nhiều năm sau đó, khi đã dày dạn kinh nghiệm, tích góp được ít vốn liếng, kết hợp với vay mượn, vợ chồng tôi tiếp tục đầu tư quy hoạch phát triển kinh tế lên quy mô lớn, có quy hoạch cụ thể. Ông dành 1,5 héc ta đào ao thả các loại cá thương phẩm như: chép, mè, gáy, trôi, rô phi; 3 héc ta  trồng cây lâu năm như keo, tràm, gió trầm, chè; diện tích còn lại ông dành để trồng cây ăn quả như cam chanh, vải thiều, ổi... Bên cạnh trồng trọt, ông bà còn kết hợp với chăn nuôi, nuôi 30 con trâu bò, hàng ngàn con gà các loại. Trong trang trại của ông  phải kể đến rừng gió trầm trên 1.000 gốc cây hơn 10 năm tuổi, cây nào cũng cao lớn, phát triển cành lá sum sê, hiện đã có người trả giá mua hơn 1 triệu đồng/cây nhưng gia đình chưa bán.

Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi, tính chịu thương chịu khó, đến nay hai ông bà đã trở thành triệu phú của vùng đất Kỳ Phong. Trang trại của ôn bà mỗi năm thu  về gần 300 triệu đồng, trong đó sản lượng cá có giá trị khoảng 110 triệu đồng/năm, trâu bò mỗi năm cũng thu về gần 100 triệu đồng, gà vịt mỗi năm cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Bên cạnh làm giàu cho bản thân, trang trại của gia đình ông hằng năm cũng tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương. “Cũng chính nhờ trang trại này mà cuộc sống của gia đình ngày càng khấm khá hơn, xây cất được nhà cửa, mua sắm phương tiện, thiết bị trong gia đình, ngoài ra còn có thêm điều kiện để chăm lo cho 4 đứa con ăn học đến nơi đến chốn” - ông Hùng phấn khởi.

Bốn người con của ông bà hiện nay đang sinh sống ở miền nam,  đã có công việc ổn định, thu nhập hàng tháng  đều trên 20 triệu đồng, và đều đã lập gia đình. “ Gia đình chị Vân và anh Hùng là gương làm kinh tế tiêu biểu trong xóm cũng như trong xã, mặc dù là thương binh 4/4 nhưng anh chị làm việc rất chăm chỉ, đáng để mọi người học hỏi”-  ông Nam, hàng xóm của ông bà chia sẻ.

Giờ đây, cuộc sống đã ổn định, các con đều đã trưởng thành, tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng hai ông bà vẫn chưa có ý định nghỉ ngơi. Các con  khuyên ông bà bán hết trang trại vào nam sống với con cháu, nhưng ông bà vẫn không chịu. Ông bà cho hay, vẫn muốn tiếp tục gắn bó với trang trại, bởi đây là thành quả mà mấy chục năm vất vả gây dựng nên. “Giờ không còn đặt nặng chuyện kinh tế nữa, làm để vui tuổi già, cho con cho cháu, ở không vậy cũng chán chú ạ”- bà Vân chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Tiến Thạch, Chủ tịch UBND xã  Kỳ Phong, nhận xét: “Ông Hùng và bà Vân là tấm gương điển hình xuất sắc về làm ăn kinh tế trang trại giỏi không chỉ ở xã mà còn cả toàn huyện Kỳ Anh. Ông bà là tấm gương cho người dân trong xóm cũng như  xã Kỳ Phong học tập, một tấm gương sáng về hình ảnh người lính bộ đội cụ Hồ”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh