Cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn và biện pháp phòng ngừa loại tội phạm lừa đảo
- Pháp luật
- 20:21 - 04/06/2022
1. Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản giả danh nhân viên cơ quan Tư pháp, cơ quan Công an
Các đối tượng sử dụng nhiều kịch bản khác nhau như: Giả làm nhân viên Bưu điện gọi điện thông báo nhận bưu phẩm; nhân viên viễn thông gọi điện thông báo nợ cước; cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn…
Chúng liên hệ với nạn nhân để khai thác thông tin cá nhân, sau đó, sử dụng các thông tin đó làm giả các lệnh bắt, khởi tố của cơ quan Công an để đe dọa nạn nhân (thường thông báo nạn nhân liên quan đến các đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, rửa tiền), yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra, sau đó chiếm đoạt hoặc yêu cầu nạn nhân tự đăng ký một tài khoản ngân hàng, chuyển tiền vào tài khoản đó, sau đó cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP cho các đối tượng, rồi chúng rút tiền trong tài khoản để chiếm đoạt.
2. Thủ đoạn lừa đảo tham gia vào ứng dụng trò chơi đổi thưởng, dụ dỗ đầu tư ngoại hối trên các sàn giao dịch giả
Các đối tượng đăng các bài quảng cáo, đường link trên các trang mạng xã hội với nội dung chia sẻ cách kiếm tiền dễ dàng thời gian rảnh rỗi để lôi kéo dụ dỗ người dân tò mò tìm hiểu, khi người dân bấm vào thì sẽ được các đối tượng tự xưng là điều phối viên, hướng dẫn viên đọc lệnh liên hệ và đưa vào các hội nhóm chat với nhiều tài khoản chat ảo (hầu hết các tài khoản trên các nhóm chat này là của các đối tượng) để hướng dẫn người dân tải các ứng dụng trò chơi trúng thưởng như: Max3d, Doji, Coin Base,... đăng ký tài khoản và tham gia nạp tiền đặt lệnh theo hướng dẫn viên đọc lệnh (lùa gà, tạo hiệu ứng đám đông).
Mục đích là đánh vào lòng tham của người chơi nên các đối tượng cho người chơi thắng những lần đầu với lượng tiền nhỏ và cho người chơi rút tiền lời để tạo lòng tin, sau đó các đối tượng dụ dỗ người chơi tham gia vào các lệnh với số tiền lớn, khi người chơi gửi yêu cầu rút tiền, đối tượng sẽ thông báo lỗi rút liền và yêu cầu nộp tiền đóng các khoản phí bảo hiểm khác nhau để được xử lý yêu cầu rút tiền… Cứ như thế, đối tượng vẽ ra và yêu cầu người vay phải nộp rất nhiều các khoản phí. Thực tế sau khi khách hàng nộp tiền xong sẽ không rút được bất kỳ khoản tiền nào.
3. Người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi bị các đối tượng dụ dỗ tham gia cộng tác viên bán hàng trên mạng
Các đối tượng nhắn tin hoặc sử dụng tài khoản mạng xã hội để đăng tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shoppe, Lazada, Tiki… Sau khi người có nhu cầu tìm việc làm liên hệ, các đối tượng yêu cầu họ phải thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu “hoa hồng”.
Đối với những đơn hàng đầu tiên có giá trị nhỏ, cộng tác viên sẽ được thanh toán nhanh chóng kèm “hoa hồng” như đã hứa để tạo lòng tin và đánh vào lòng tham vì việc kiếm tiền quá dễ dàng. Khi số tiền đặt đơn hàng của cộng tác viên ngày càng lớn, các đối tượng sẽ giở chiêu trò, thủ đoạn để chiếm đoạt
4. Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức mạo danh các công ty tài chính cho vay tiền trực tuyến
Thủ đoạn của các đối tượng là mời chào nạn nhân vay vốn với nhiều ưu đãi, thủ tục đơn giản không qua thẩm định, giải ngân trong vòng 15 phút, hạn mức cho vay lớn, lãi suất thấp… để thu hút khách hàng. Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cài đặt ứng dụng cho vay online để đăng ký hồ sơ khoản vay.
Để khách hàng tin tưởng, các đối tượng gửi thông báo phê duyệt khoản vay cho khách hàng (đối tượng sử dụng con dấu giả của các ngân hàng) và được yêu cầu đăng nhập ứng dụng để giải ngân. Sau đó đối tượng sẽ thông báo lỗi giải ngân và yêu cầu nộp tiền để xử lý khoản vay… Cứ như thế, đối tượng vẽ ra và yêu cầu người vay phải nộp rất nhiều các khoản phí. Thực tế sau khi khách hàng nộp tiền xong sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền giải ngân nào và mất toàn bộ số tiền đã nộp theo yêu cầu.
5. Thủ đoạn giả mạo tin nhắn của ngân hàng để gửi các đường link truy cập giả mạo để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng
Với thiết bị điện tử có tính năng như một trạm BTS (thu phát sóng) di động, đối tượng “hack” vào hệ thống tin nhắn của ngân hàng để gửi đến các chủ thuê bao điện thoại thông điệp yêu cầu truy cập vào đường link đính kèm dẫn đến một website có giao diện giống như trang web chính thức của ngân hàng, chỉ khác một hoặc một số ký tự trên đường dẫn mà phải tinh mắt và để ý mới nhận ra. Khi làm theo yêu cầu và truy cập vào trang giả mạo, khách hàng sẽ khai thông tin đăng nhập, mật khẩu, mã OTP, để rồi bị chiếm đoạt quyền quản trị tài khoản ngân hàng ngay tức khắc.
Sau đó, đối tượng sẽ thực hiện các giao dịch để chuyển đi toàn bộ số tiền đang có trong tài khoản của khách hàng. Với thủ đoạn giả mạo tin nhắn thương hiệu của ngân hàng, cùng nhiều chiêu thức mới xuất hiện đã qua mắt nhiều bị hại, cho dù đã có ý thức cảnh giác. Thời điểm bọn tội phạm gửi đi các tin nhắn bằng thủ đoạn này chủ yếu vào lúc ngân hàng không hoạt động, như vào ban đêm, rạng sáng, ngày cuối tuần, hay dịp lễ, Tết…
Lý do chúng chọn các thời điểm này để người dùng không thể xác thực thông tin. Chỉ cần làm theo hướng dẫn của chúng là tiền trong tài khoản ngân hàng của người dùng sẽ bị chiếm đoạt hoàn toàn.
Khuyến cáo của cơ quan chức năng đối với người dân trong việc phòng ngừa tội phạm lừa đảo công nghệ cao:
- Người dân khi làm cộng tác viên cho bất kỳ đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ hay sàn thương mại điện tử nào thì cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp để kiểm chứng tính chính xác; tránh để đối tượng lừa đảo lợi dụng, dính vào bẫy lừa.
- Người dân cần chủ động cảnh giác, đề phòng trước các phương thức, thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt; thường xuyên nghe báo đài, cập nhật thông tin đầy đủ về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng để chủ động cảnh giác, đề phòng; khi nhận được cuộc gọi từ người lạ, tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước,… có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn, giúp đỡ hoặc thông báo kịp thời cho cơ quan Công an gần nhất để có hướng dẫn phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hành vi lừa đảo.
- Người dân không tham gia đầu tư vào các hình thức tổ chức kinh doanh, giao dịch mà ngân hàng nhà nước Việt Nam chưa cấp phép cụ thể là các sàn giao dịch hoại hối (Forrex), các ứng dụng trò chơi trúng thưởng và các sàn giao dịch giả mạo.
- Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác với các loại hình đầu tư dưới hình thức chơi game đổi thưởng, cần cẩn thận với các chiêu trò núp bóng sàn giao dịch nước ngoài, lôi kéo cá nhân đầu tư với lãi suất cao để lừa đảo.
- Người dân tuyệt đối không chuyển tiền, tham gia các hội nhóm liên quan đến sàn giao dịch Forex do nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tự lập.
Khuyến cáo người dân, cần lưu ý:
Người dân tuyệt đối không sử dụng thông tin cá nhân để lập các tài khoản ngân hàng hoặc đăng ký các thuê bao di động sau đó bán hoặc cho các đối tượng xấu thuê lại. Khi bị điều tra sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cơ quan Công an không giải quyết các vụ việc có liên quan đến tố tụng hình sự qua gọi điện thoại và mạng xã hội; cơ quan Công an khi làm việc với người dân đều cử cán bộ trực tiếp đến làm việc hoặc có văn bản thông báo, triệu tập từ cấp Công an cơ sở.
- LƯU Ý: ĐỐI VỚI CÁC TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG CỦA CÁC CÁ NHÂN: MÃ OTP LÀ CHỐT CHẶN CUỐI CÙNG, TUYỆT ĐỐI KHÔNG CUNG CẤP MÃ OTP CHO BẤT CỨ AI.
Khi cần được hỗ trợ, tư vấn hãy liên hệ cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Bình Dương, số 681, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, số ĐT: 02743.815.505.