Cảnh báo lừa đảo chiếm đoạt dữ liệu khuôn mặt
- Pháp luật
- 10:03 - 08/08/2023
Công nghệ trí tuệ nhân tạo đem đến rất nhiều lợi ích, nhưng đồng thời cũng vô tình tạo cơ hội cho kẻ gian dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo trong đó có thủ đoạn Deep Fake, giả mạo người thân để lừa tiền. Đáng lo ngại không chỉ thông qua họ tên, địa chỉ, cắt ghép khuôn mặt, giả giọng, loại tội phạm này còn lấy dữ liệu khuôn mặt để mở tài khoản tại ngân hàng.
Chị D.K.N (tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ chị vô tình nhận được một cuộc gọi, giả danh công an yêu cầu cung cấp thông tin qua video call để hỗ trợ điều tra vụ án. Một thời gian sau khi bị “thao túng tâm lý” của kẻ gian, chị đã làm theo, kết quả là số tiền trong tài khoản ngân hàng của chị không cánh mà bay. “Tôi liên lạc với cơ quan chức năng thì được biết tôi đã bị chiếm đoạt dữ liệu khuôn mặt”, chị D.K.N bức xúc.
Thạc sĩ Lê Tấn Phước Nguyên - Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Cao đẳng Công nghệ TP.HCM cho biết: “Hiện nay trên các ứng dụng liên quan đến tiền bạc tài chính, để tăng độ bảo mật, họ thường yêu cầu người dùng làm định danh cá nhân hay gọi là hình thứ KYC. Ngoài các thao tác thông thường như xác thực qua điện thoại, email còn có thêm hình thức nhận dạng khuôn mặt xác thực để tăng độ bảo mật.
Các đối tượng chiếm được thông tin cá nhân sẽ hoàn thành KYC giả mạo để đánh lừa các hệ thống phần mềm, sau đó dễ dàng làm những việc ngoài tầm kiểm soát và cho phép của hệ thống quản lý. Để phòng tránh việc bị lừa đảo, chúng ta nên hạn chế nhận các cuộc gọi video call đến từ các đối tượng không quen biết. Ngoài ra khi các cuộc gọi với người thân thiết có những biểu hiện như âm thanh không rõ, hình ảnh bị mờ, phần da cổ và mặt không đều màu, chúng ta nên cân nhắc và cảnh giác, chủ động gọi lại để xác minh và kiểm tra”.
Trong trường hợp đã mất tài khoản hoặc có nghi ngờ về các hành vi lừa đảo nên nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.