Cần xác định mặt hàng, thị trường ưu tiên
- Huyệt vị
- 23:10 - 05/03/2019
Nông sản đối mặt với nhiều thử thách
Năm 2018, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3,76%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86% (trong đó nông nghiệp tăng 2,91%, lâm nghiệp tăng 6,09%, thuỷ sản tăng 6,5%), kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD với thặng dư thương mại khoảng 8,72 tỷ USD. Tuy nhiên, thách thức lớn với ngành nông nghiệp Việt Nam là chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hoá quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.
Cần xác định rõ mặt hàng ưu tiên để đẩy mạnh sản xuất.
Thị trường đầu ra cho nông sản cũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nên các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu. Các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều gia tăng bảo hộ hàng hoá nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, những bất ổn xung quanh vấn đề Brexit, những bất ổn chính trị trên thế giới cũng ảnh hưởng tới việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam.
Ông Tô Ngọc Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, thủy sản quan trọng hàng đầu của Việt Nam cũng tăng cường thực hiện nghiêm các quy định đã có về truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu, bao bì sản phẩm. Hay Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước ASEAN đã và đang tăng cường áp dụng các quy định ngày càng khắt khe về kiểm dịch động thực vật nhập khẩu. Nhiều thị trường áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm có yêu cầu rất cao với các tiêu chuẩn hầu như tương đương, thậm chí cao hơn cả những tiêu chuẩn quốc tế thông thường như tại Nhật Bản.
Doanh nghiệp xuất khẩu chủ động nghiên cứu thị trường
Để tận dụng tốt các cam kết hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ông Tô Ngọc Sơn cho rằng, nông nghiệp Việt Nam phải thay đổi từ phương thức sản xuất, thói quen giao dịch đến cách tiếp cận thị trường đã hình thành từ lâu nay.
Theo ông Tô Ngọc Sơn, Bộ NN&PTNT, địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp, triển khai quyết liệt việc tổ chức lại sản xuất các mặt hàng nông sản, thủy sản có trọng tâm, trọng điểm, có quy mô và theo hướng nâng cao chất lượng. Nông sản phải đáp ứng các yêu cầu về kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác hàng hóa… của thị trường nhập khẩu cụ thể. Cần xác định rõ mặt hàng ưu tiên, thị trường ưu tiên và căn cứ trên năng lực sản xuất, xuất khẩu thực tế. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nghiên cứu thị trường, thay đổi tư duy tiếp cận thị trường, thay đổi phương thức giao dịch từ tiểu ngạch sang thương mại chính quy, đặc biệt là đối với thị trường Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Chính phủ đã giao chỉ tiêu phát triển ngành nông nghiệp là tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%, kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Phát triển cơ cấu sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực gồm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý. “Cần tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã; thu hút đầu tư doanh nghiệp đầu tư xây dựng các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ… để thúc đẩy tiêu thụ trong nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng thời, Chính phủ hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân. Hàng triệu hộ nông dân liên kết được với hàng nghìn hợp tác xã, doanh nghiệp. Như vậy, mới hình thành được sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến với thị trường.