Nông sản Việt chinh phục thế giới
- Huyệt vị
- 02:02 - 06/02/2019
Nông sản Việt đến hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ
Những ngày này, Nafood Group đang cấp tập chuẩn bị lên kế hoạch cho năm 2019. Thị trường mới nhất mà công ty này vừa khai phá là Nga với các mặt hàng chủ lực là chanh dây, điều, trái cây đông lạnh... Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nafood cho biết, Nafood kỳ vọng có thể đẩy mạnh hơn nữa doanh số xuất khẩu năm 2019.
Xoài Sơn La chinh phục thị trường quốc tế.
Với Tập đoàn Tân Long - doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản, năm 2018 cũng là năm rất thành công. Ông Nguyễn Chánh Trung, Tập đoàn Tân Long cho biết, năm 2018 sản lượng xuất khẩu của Công ty tăng gấp đôi so với năm 2017.
Năm 2018 là một năm xuất khẩu đại thắng với nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành gạo, cá tra, đồ gỗ, lâm sản, rau quả... Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trừ một số loại cây công nghiệp, năm qua hầu hết các loại nông sản được tiêu thụ kịp thời, giá có lợi cho nông dân. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017. Trong năm vừa qua, ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (tôm: 3,59 tỷ USD, rau quả: 3,81 tỷ USD, hạt điều: 3,43 tỷ USD, cà phê: 3,46 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ: 8,86 tỷ USD). Năm 2018, Việt Nam đang đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản (đã xuất sang hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới), khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu nông sản.
Để có được thành quả trên, thị trường xuất khẩu nông sản đã không ngừng được mở rộng. Một trong những điểm nổi bật trong công tác xúc tiến thương mại quốc tế trong năm là sự nỗ lực tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại 2 thị trường lớn Trung Quốc và EU. Bộ NN&PTNT có 6 đoàn công tác sang làm việc với các cơ quan chức năng kết hợp tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu quảng bá sản phẩm nông sản tại thị trường Trung Quốc. Từ những nỗ lực này, Trung Quốc đã đồng ý mở cửa chính ngạch thêm 7 loại trái cây Việt Nam, chấp thuận cho 13 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu sang nước này. Còn tại thị trường EU đã chuyển hướng tiếp cận mới cho việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thông qua tăng cường sự hiện diện của nông sản Việt Nam tại các siêu thị lớn và chợ đầu mối quan trọng của Pháp và Châu Âu.
Đồng thời chủ động tháo gỡ nhiều rào cản, vướng mắc các thị trường cho xuất khẩu, như: Các mặt hàng thịt bò, sữa vào Malaysia; thịt lợn, gà, trứng vào Singapore; thịt lợn, sữa, thủy sản, gạo vào Trung Quốc… Năm 2018 đã mở cửa các thị trường mới như thịt gà vào Nhật Bản, thịt lợn đông lạnh vào Myanmar, vú sữa vào Hoa Kỳ, chôm chôm vào New Zealand, chanh leo vào EU...
Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị
Một mặt mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời các hình thức tổ chức sản xuất trong nước tiếp tục được đổi mới và nâng cao hiệu quả. Các doanh nghiệp nhà nước, các công ty nông, lâm nghiệp tiếp tục được sắp xếp, chuyển đổi, hoạt động hiệu quả hơn. Lực lượng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.
Các địa phương chủ động tiếp thị sản phẩm, tìm kiếm thị trường.
Năm 2018 có 2.200 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới, tăng 12,3% so với năm 2017, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp cả nước lên 9.235. Số lượng trang trại, HTX nông nghiệp tiếp tục tăng, hoạt động có hiệu quả hơn. Đến nay, cả nước có 13.400 HTX nông nghiệp và 55% số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Số HTX thành lập mới năm 2018 là 1.935, tăng 63%. Cả nước có 35.500 trang trại, tăng 1.500 trang trại; trang trại ngày càng sử dụng nhiều đất đai, lao động và sản xuất lượng nông sản hàng hóa lớn. Kinh tế gia đình ở nông thôn tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường và đang có sự chuyển dịch hiệu quả hơn.
Trong thời gian tới, về công tác thị trường, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt với Bộ Công Thương, thương vụ của Việt Nam ở các nước để dự báo thị trường, làm cơ sở để sản xuất. Về thị trường trong nước, Bộ cũng sẽ tích cực tham gia cùng Bộ Công Thương tổ chức lại thị trường (cả trong nước và xuất khẩu) để đảm bảo cung ứng sản phẩm nông sản, hạn chế tình trạng dư thừa cục bộ (nơi thừa, nơi thiếu) gây thiệt hại cho bà con nông dân và người tiêu dùng trong nước.
Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và chuẩn bị ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Hai Hiệp định này đem đến cơ hội mở rộng thị trường cho xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Việt Nam hiện nay như thủy sản, lâm sản và đồ gỗ, rau quả và trái cây, ngoài ra cả nông sản khác như: gạo, cà phê, cao su...
Tiếp nối thành công đó, năm 2019, lần đầu tiên ngành nông nghiệp có hai mặt hàng đặt mục tiêu xuất khẩu trên 10 tỷ USD là thủy sản, lâm sản và đồ gỗ. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của nông sản xuất khẩu nước ta là giá trị chế biến trong các lô hàng xuất khẩu còn thấp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng “đặt hàng” cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới phải đứng top 15 các nước phát triển nhất thế giới. Trong đó, lĩnh vực chế biến nông sản đứng top 10 thế giới, đưa nông nghiệp Việt Nam thành trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu.
Năm 2019, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 42, 43 tỷ USD. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt khoảng 48, 50% và 70 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.
Cà phê là một trong những nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam.
Để đạt được những mục tiêu trên, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tái cơ cấu sản xuất, điều chỉnh theo hướng chuyển từ mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng, sản xuất quy mô lớn, khép kín theo chuỗi giá trị. Tập trung vào phát triển chế biến nông sản để tăng giá trị hàng xuất khẩu, hướng tới những tiêu chuẩn an toàn theo chuẩn quốc tế.Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2019, nhất là xuất khẩu nông sản đạt 42, 43 tỷ USD, ngành nông nghiệp sẽ phải giải quyết một số tồn tại. Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và người dân chưa trở thành phổ biến, chủ đạo. Những cơ sở pháp lý trong mối quan hệ này vẫn chưa rõ ràng đang là một vướng mắc. Sản xuất nông nghiệp vẫn đa phần là kinh tế hộ nhỏ lẻ gây khó khăn, cản trở quá trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.
“Thị trường tiêu thụ nông sản đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung vẫn là khâu yếu. Công tác dự báo cung, cầu còn bất cập nên có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ bị chậm, giá giảm, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ... Do đó, xúc tiến thương mại tìm hiểu thị trường cần được tập trung hơn nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
“Muốn tham gia thị trường nông sản thế giới ngày càng phát triển và nhiều rào cản kỹ thuật khắt khe, không còn con đường nào khác là đảm bảo chất lượng, mà một trong những biện pháp là thông qua chế biến. Chính vì vậy, trong tái cơ cấu nông nghiệp, tăng đầu tư chế biến là biện pháp quyết định, không chỉ giúp tăng giá trị xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu, mà còn đảm bảo tính bền vững của thị trường xuất khẩu. Chế biến cũng là phương châm, mục tiêu và giải pháp đột phá những năm tới của ngành nông nghiệp”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. |