THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:58

Cạn tình: Tiền mất, kiện thua

 

*Quay lại đòi đất với vợ

Ông Nguyễn Văn Nghệ (sinh năm 1938), tạm trú tại 15/376 Tăng Bạt Hổ, phường Phú Bình, TP.Huế đâm đơn kiện bà Nguyễn Thị Tâm, trú tại đường Thanh Hải, phường Trường An là vợ cũ của ông để đòi lại phần đất được hưởng khi tòa xử cho hai người ly hôn.

Theo đơn khởi kiện ngày 4/5/2005, ông Nghệ trình bày, ông và bà Tâm kết hôn vào năm 1963, ông bà có một ngôi nhà tọa lạc trên thửa đất tại thôn Bình An, xã Thủy Xuân (nay là nhà số 4, đường Thanh Hải, phường Trường An, TP. Huế) diện tích 1.490m2. Năm 1968, ông Nghệ ra miền Bắc, đến năm 1975 về quê thì bà Tâm đã có chồng khác (là một thiếu tá tình báo QĐND Việt Nam).

Ông Nghệ trình bày trước HĐXX tại phiên tòa sơ thẩm ngày 5/5/2015

Ông Nghệ trình bày trước HĐXX tại phiên tòa sơ thẩm ngày 5/5/2015.

Tại bản án dân sự phúc thẩm số 43/DSPT ngày 13/5/1977, TAND tỉnh Bình Trị Thiên đã xử cho ông Nghệ và bà Tâm ly hôn. Về tài sản, ông Nghệ được quyền sử dụng một phần đất trong khuôn viên thửa đất nói trên. Phần đất này có ngôi mộ của cha ông Nghệ, có bản vẽ phân chia ranh giới do tòa án lập kèm theo bản án.

Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, ông Nghệ đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con (ông bà có 2 người con chung). Năm 2001, ông Nghệ về quê xây nhà thờ tổ tiên thì bị bà Tâm cản trở, nên ông khởi kiện yêu cầu bà trả lại tài sản là quyền sử dụng đất theo bản vẽ.

Bị đơn, bà Nguyễn Thị Tâm thừa nhận có kết hôn với ông Nghệ, sau đó ly hôn theo bản án số 43 năm 1977. Thời điểm ông Nghệ ra miền Bắc, do có giấy báo tử của chế độ cũ, nên bà Tâm đã lấy chồng khác.

Từ ngày có bản án, người được thi hành án là ông Nghệ không có đơn yêu cầu thi hành án, nên bà Tâm không chấp nhận trả lại đất cho ông Nghệ vì bà cho rằng phần đất này là của bố, mẹ bà Tâm để lại cho bà khi mới kết hôn (ông Tâm thừa nhận nguồn gốc thửa đất là của bố mẹ bà Tâm để lại).

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 08/2006/DSST ngày 21/6/2006 của TAND TP Huế quyết định chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Văn Nghệ, buộc bà Tâm trả lại quyền sử dụng đất với diện tích 452,85m2. Diện tích đất này là phần được hưởng của ông Nghệ theo bản án số 43, trên đó có ngôi mộ của cha ông.

Thửa đất mà ông Nghệ đòi chia phần với bà Tâm và các conThửa đất mà ông Nghệ đòi chia phần với bà Tâm và các con

Sau khi xét xử sơ thẩm, bà Tâm kháng cáo. Tại bản án dân sự phúc thẩm số 55/2006/DSPT ngày 11/12/2006, TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã quyết định hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 08 của TAND TP. Huế; đình chỉ việc giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện cho ông Nghệ. Sau đó, tháng 3/2008 UBND TP Huế chính thức cấp giấy CNQSDĐ cho bà Nguyễn Thị Tâm với toàn bộ diện tích đất mà bà đã sử dụng từ trước đến nay.

 Mọi việc có lẽ đã kết thúc. Vậy nhưng, không hiểu nguyên nhân gì, dù không hề có tình tiết gì mới, không hề có sự điều chỉnh nào của pháp luật, nhưng ngày 25/9/2012 cũng chính Tòa Dân sự, TANDTC đã ra Quyết định Giám đốc thẩm số 481/2012/DS-GĐT, quyết định hủy toàn bộ bản án dân sự Phúc thẩm số 55/2006/DSPT; giao hồ sơ vụ án cho TAND TP. Huế xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật với lý do: Bản án số 55/2006 không đúng quy định của pháp luật. (?)

*Tình cảm cha con, anh em rạn nứt chỉ vì…. “lòng tham”

Trước khi ly hôn giữa ông Nghệ và bà Tâm có 2 người con chung là bà Nguyễn Thị Kim Đính và ông Nguyễn Văn Hùng. Điều trớ trêu thay là trong quá trình đi kiện của ông Nghệ, 2 người con từ anh em ruột thịt, cùng cha cùng mẹ lại trở mặt với nhau. Trong thâm tâm của mình, không biết ông Nghệ có cảm thấy đau lòng? Trong cái nắng buổi trưa như thiêu đốt của miền Trung, ông và bà Liễu (là con dâu của ông, vợ Nguyễn Văn Hùng), phải cúi mặt, lầm lũi đi về trong sự ê chề vì tiếp tục bị xử thua sau phiên tòa sơ thẩm ngày 5/5/2015. Nếu như ông chấp nhận với những thỏa thuận hợp lý, đầy tình người từ phía bị đơn trong những lần hòa giải của chính quyền địa phương, cũng như trong nội bộ gia đình thì có lẽ mọi việc đã không đẩy đến mức độ cha con kéo nhau ra tòa, để rồi nhìn nhau bằng “ánh mắt thù hận”. Phải chăng ông đã bị lòng tham che mờ đi tất cả, hay còn có một động cơ nào khác?

 Được biết, bà Nguyễn Thị Tâm là người có công với cách mạng, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, được hưởng trợ cấp hàng tháng. Những năm cuối đời, do thương tật, tuổi cao bà đổ bệnh và nằm liệt một chỗ. Để có tiền chữa bệnh, bà và những người con (cả con của ông Nghệ và chồng sau) đã phải cắn răng chia nhỏ thửa đất thành nhiều lô để chuyển nhượng cho người khác. Dù vậy, bà vẫn không để bất kỳ đứa con nào phải chịu thiệt thòi, cũng như giữ nguyên phần đất có ngôi mộ của cha ông Nghệ. Trong khi đó, ông Nghệ cứ khăng khăng đòi lại 452,852 đất kia, sau đó là tăng lên đòi được hưởng một nửa thửa đất theo bản án năm 1977 mà ông đã từ bỏ quyền và nghĩa vụ từ 24 năm về trước.

Trước đó, sau khi ông Nghệ và bà Tâm kết hôn, do hoàn cảnh khó khăn nên  ông bà đã đưa bố chồng về ở cùng mình. Sau khi ông Nghệ ra miền Bắc, một mình bà Tâm ở lại chăm sóc, phụng dưỡng cha chồng. Khi cha chồng mất, một tay bà lo liệu đám tang rồi cho chôn cất ngay chính trong thửa đất mà cha mẹ đẻ để lại cho bà.

Ngày hòa bình lập lại, ông Nghệ về quê và ly hôn với bà Tâm, lấy vợ khác rồi vào Nam sinh sống. Mãi đến năm 2001, tức 24 năm sau ông mới trở về Huế để đòi lại phần đất được hưởng. Do bản án số 43 không ghi rõ diện tích, tỷ lệ, hiện trạng phần đất của ông Nghệ được hưởng mà chỉ ghi một cách chung chung, nên khi các cơ quan hữu quan tiến hành đo đạc đã không xác định được ranh giới theo bản vẽ cũ. Có lẽ từ đó ông Nghệ đã đòi hỏi quyền được hưởng của mình ngày một cao hơn.

Theo xác nhận của UBND phường Trường An thì: “Phần đất bà Tâm sử dụng kê khai theo chỉ thị 299, năm 1984 và có tên trong bản đồ 299, thửa đất 176 và 178 tổng diện tích 2.356m2. Bà Tâm sử dụng từ trước đến nay và có tên trong sổ bộ thuế hàng năm. Còn về phía ông Nghệ thì đến năm 2001 có đến UBND phường xin truy nộp thuế quyền sử dụng đất để hợp thức hóa. Sau khi UBND phường biết ông Nghệ nộp thuế trên phần đất bà Tâm nên không cho ông Nghệ nộp. Vậy ông Nghệ không kê khai sử dụng phần đất trên, không có tên trong sổ địa chính phường và không có tên trong sổ bộ thuế.”

Tại phiên tòa xét sử sơ thẩm vụ án dân sự đòi trả lại quyền sử dụng đất giữa ông Nghệ và bị đơn là bà Tâm (bà Tâm đã mất tháng 11/2009) ngày 5/5 vừa qua, ông Nghệ thừa nhận từ khi bản án số 43 có hiệu lực, ông không có đơn gửi cơ quan thi hành án để xin thi hành bản án; ông không canh tác hay xây dựng bất kỳ cái gì trên phần đất được chia; không thực hiện nghĩa vụ Nhà nước đối với phần đất nêu trên mà toàn bộ do bà Tâm quản lý, sử dụng và nộp thuế. Thậm chí, ngay cả việc hương khói cho phần mộ cha mình, còn đếm được trên đầu ngón tay.

Mặc dù đã tìm mọi cách để xem xét các tình tiết của vụ án một cách khách quan nhất, thậm chí theo hướng có lợi cho ông Nghệ. Tuy nhiên, những chứng cứ, hồ sơ thu thập được và từ lời khai của 2 bên tại phiên tòa, HĐXX sơ thẩm vụ án dân sự của TAND TP. Huế tuyên: “Ông Nguyễn Văn Nghệ đã từ bỏ quyền và nghĩa vụ của mình đối với diện tích đất được hưởng theo bản án dân sự số 43; Trong thời gian theo quy định của pháp luật thi hành án, ông không có đơn xin thi hành án đối với bản án nên tòa bác tất cả yêu cầu đòi lại đất của ông Nghệ; buộc ông Nghệ phải chi trả tiền án phí với số tiền hơn 29 triệu đồng.”

Đọng lại phía sau bản án được tuyên là nỗi đau chia cắt tình cảm giữa những người cùng máu mủ ruột thịt. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (con bà Tâm với chồng sau và là người được bà Tâm ủy quyền mọi việc) chia sẻ: “Vui chỉ một nửa mà buồn vì tình cảm anh em, chị em, cha con bị rạn nứt, đổ vỡ”. Ông Nghệ và người con trai chung với bà Tâm sẽ nghĩ gì khi những người bên phía bị đơn vẫn tự nguyện giao cho ông phần đất có mộ của cha ông (hơn 24m2), và hứa chia cho một phần số tiền chuyển nhượng các thửa đất nằm trong diện tích đất tranh chấp…?

Giang Sơn-Thảo Vi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh