Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để đảm bảo quyền trẻ em
- Dược liệu
- 14:37 - 29/12/2019
Sau 2 năm Luật trẻ em được ban hành và có hiệu lực, việc thực hiện quyền trẻ em đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt trong công tác quản lý nhà nước về trẻ em. Công tác xây dựng pháp luật, chính sách phù hợp với các quyền trẻ em đã được Chính phủ, các bộ, các ngành triển khai thực hiện trên các lĩnh vực bảo vệ trẻ em, trợ giúp xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin và tư pháp. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành pháp luật, chính sách về trẻ em để tương thích với quy định của Luật trẻ em là khâu quan trọng để hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý và hành chính thuận lợi thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em, đáp ứng nhu cầu của trẻ em trong tình hình mới.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, để các quyền trẻ em được bảo đảm thực hiện, đáp ứng, các vấn đề trẻ em được giải quyết một cách tích cực và bền vững, trong năm 2020, năm bản lề kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và trong giai đoạn 2021 – 2025 sắp tới, chúng ta cần tập trung một số giải pháp cơ bản.
Theo đó, cần khẩn trương đưa các mục tiêu, chỉ tiêu bảo đảm quyền trẻ em vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Chính phủ sẽ có hướng dẫn đưa các chỉ tiêu về trẻ em thành chỉ tiêu bắt buộc trong các kế hoạch phát triển KTXH. Đặt các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em vào trọng tâm của việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự vì phát triển bền vững đến năm 2030.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, ưu tiên lĩnh vực bảo vệ trẻ em và thiết lập môi trường sống an toàn cho trẻ em, củng cố chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không để một trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Các bộ, ngành cần bám sát tình hình thực tiễn để chỉ đạo, hướng dẫn xử lý kịp thời các vấn đề về trẻ em phát sinh.
Đồng thời, đổi mới, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thực hiện quyền trẻ em theo hướng sáng tạo, sử dụng đồng thời nhiều kênh truyền thông, giáo dục. Thúc đẩy hoạt động của các mô hình thực hiện quyền tham gia của trẻ em để thu thập ý kiến, nguyện vọng của trẻ em trong quá trình xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em và tham gia thực hiện các quyền của trẻ em ở các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và ở địa phương và cơ sở. Phấn đấu đến hết năm 2020, 100% xã, phường, thị trấn hình thành nhóm thường trực bảo vệ trẻ em, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em. Tập trung vào công tác quy hoạch, xây dựng, nâng cấp cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, các thiết chế vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em.
Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phục vụ thực hiện tốt nhất việc giám sát chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Quốc hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành về thực hiện trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đối với các bộ, ngành và địa phương; việc kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục, cơ sở cung cấp dịch vụ đối với việc, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em và hỗ trợ, can thiệp tốt nhất, kịp thời nhất cho đối tượng bị xâm hại. "Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu về các biện pháp xử lý nghiêm minh nhất để báo cáo với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hoàn thiện các bộ chỉ số đánh giá, giám sát về thực hiện quyền trẻ em; về chỉ tiêu nghèo đa chiều trẻ em nâng cao chất lượng thu thập thông tin, báo cáo về thực hiện Luật trẻ em và Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam là quốc gia được đánh giá thực hiện tốt nhiều thông lệ, chuẩn mực quốc tế tiến bộ về quyền trẻ em. Bộ trưởng tin tưởng rằng: "Việc bảo đảm quyền trẻ em sẽ được thực hiện ngày càng tốt hơn ở nước ta. Trẻ em là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước; với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân, chắc chắn chúng ta sẽ làm tốt hơn công tác trẻ em trong thời gian tới, mang lại phúc lớn cho dân tộc, phồn vinh cho đất nước".