THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:03

Truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

Trước tình trạng trẻ em bị "chăn dắt", Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định của pháp luật trên các phương tiện truyền thông; tổ chức hội thảo định hướng truyền thông về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và triển khai các quy định về phòng chống bóc lột lao động trẻ em để cung cấp thông tin cho các phóng viên về kiến thức, kỹ năng phòng ngừa lao động trẻ em; hướng dẫn kỹ năng viết bài, đưa tin về trẻ em bị bóc lột, sử dụng trẻ em để trục lợi; nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em các cấp, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đội ngũ thanh tra viên về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, trong đó có trẻ em bị lợi dụng sức lao động để trục lợi.

Truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em - Ảnh 1.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động lao động trẻ em.

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số điện thoại 111) do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý thường trực 24/24 để tiếp nhận, xử lý thông báo, tố giác các hành vi vi phạm quyền trẻ em từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân; chuyển, cung cấp thông tin, thông báo, tố giác hoặc giới thiệu trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em. Tổng đài tiếp cận đến từng trẻ em có nhu cầu được chăm sóc và bảo vệ thông qua xử lý các cuộc gọi và giải quyết các trường hợp cần can thiệp khẩn cấp.

Hàng năm, Tổng đài nhận trên 300.000 cuộc gọi, trong đó nhiều cuộc gọi tố giác hành vi xâm hại, lạm dụng trẻ em, kể cả hình thức lợi dụng trẻ em, bóc lột lao động trẻ em. Khi tiếp nhận các cuộc gọi, thông tin được phân loại chặt chẽ theo "quy trình quản lý trường hợp". Quan trọng hơn, Tổng đài tạo ra một mạng lưới phối hợp giữa các tổ chức, ban ngành và kết nối giữa các tổ chức này để hỗ trợ chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát bổ sung, sửa đổi Nghị định số 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó có quy định xử phạt vi phạm quy định về cấm ngược đãi trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi.

Đối với các địa phương xảy ra tình trạng trạng trẻ em bị "chăn dắt", Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em ở địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về pháp luật liên quan đến trẻ em; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh sự việc báo nêu; có biện pháp can thiệp, hỗ trợ đối với các trường hợp trẻ em bị bóc lột, bị rủ rê, xúi giục, kích động, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc tham gia các hoạt động trục lợi.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã tiến hành xác minh vụ việc, tăng cường giám sát, hỗ trợ, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện thường xuyên theo dõi nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp trẻ em bị tham gia các hoạt động xin ăn trên đường phố để can thiệp và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm quyền trẻ em (Hành vi vi phạm quy định về cấm ngược đãi trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; ngăn cản trẻ em tham gia hoạt động xã hội theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em hoặc xử lý theo điều 296 Bộ luật Hình sự 2015); các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội giáp ranh để theo dõi các đối tượng trẻ em thường xuyên di chuyển giữa các địa bàn, phối hợp can thiệp, xử lý, hỗ trợ đối với trẻ bị "chăn dắt", bóc lột, dụ dỗ ép buộc phải xin ăn; các trung tâm, cơ sở trợ giúp trẻ em tiếp nhận, chăm sóc trẻ được chuyển gửi vào.

Đối với các vụ việc phức tạp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm để có căn cứ đề nghị truy tố theo quy định của pháp luật hình sự.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh