CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 05:50

Cần Thơ thực hiện thành công các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm

Xây dựng và nhân rộng mô hình hiệu quả

Để chuẩn bị tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đầu năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thông báo đến tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố có nhu cầu đăng ký tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn tiến hành đăng ký nghề đào tạo, số lượng lớp, kèm theo báo cáo năng lực đào tạo của đơn vị về cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên, chương trình giáo trình và định hướng giải quyết việc làm sau đào tạo.

Ông Đào Minh Lợi, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp thành phố Cần Thơ cho biết: Đến nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã khai giảng 119 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt 100% kế hoạch năm (4.130 học viên). Đặc biệt có nhiều mô hình đào tạo hiệu quả như: Đan lụt bình, sản xuất lúa giống, may giỏ xách, đan đát, tổ hợp tác may, liên kết với Công ty sản xuất giày Taekwang tại khu công nghiệp Hưng Phú, liên kết với Công ty TNHH Bình Tiên (Đồng Nai) - chi nhánh Bitis' Cần Thơ, thành lập các hợp tác xã hoa kiểng, cây ăn trái, Hợp tác xã Chanh không hạt tại ấp trường Hòa xã Trường Long; câu lạc bộ làm vườn (trồng vú sữa) ấp trường khương xã Trường Long; mô hình đan sọt trồng hoa kiểng…

Cần Thơ: Thực hiện thành công các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm - Ảnh 1.

Lớp dạy nghề may.

Qua tổng kết 9 tháng, các quận, huyện, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện đảm bảo kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn của thành phố đề ra, luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác dạy nghề, huy động xã hội hóa để thực hiện công tác dạy nghề cho người lao động. Mặt khác đã chủ động hợp tác, lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực về chuyên môn, có khả năng giải quyết việc làm sau đào tạo, giải quyết đầu ra sản phẩm cho người lao động để tham gia đào tạo.

Các quận, huyện triển khai tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đại diện phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ô Môn cho biết: Đến nay, quận đã khai giảng 7 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gồm các lớp như: Nấu ăn; May gia dụng; Trang điểm; Cắt tóc; May công nghiệp. Phối hợp với Công ty TNHH May xuất khẩu Phước Thới, cơ sở may Diễm Trinh, công ty TNHH may Ngọc Thơ và Dịch vụ nấu ăn Thanh Tùng, quán ăn gia đình Vườn Kiểng 77, cơ sở Cắt uốn tóc Trang điểm Khánh Băng, cơ sở Cắt uốn tóc Trang điểm Yến Nhi giới thiệu học viên sau khi tốt nghiệp đến làm việc. Và tiếp tục phối hợp Cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hồng Hào, tiếp tục cung cấp nguyên vật liệu và bao tiêu sản phẩm cho học viên lớp đan dây nhựa năm 2018.

Thời gian tới, quận tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân các phường về việc định hướng thành lập mới và duy trì các mô hình có hiệu quả, để tạo công ăn việc làm, giúp người dân an tâm tham gia học nghề, có được việc làm, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, tăng cường và chủ động hơn trong các mối quan hệ với doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các thiết bị.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ninh Kiều, ông Trần Thanh Bình chia sẻ: Quận đã triển khai kịp thời đến các ban, ngành liên quan và 13 phường, các trung tâm dạy nghề nên kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt theo các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận phối hợp các trung tâm dạy nghề khai giảng 12 lớp nghề gồm: 3 lớp pha chế, 1 thiết kế đồ họa quảng cáo, 1 lớp sửa máy tính, 2 lớp trang điểm, 1 lớp làm móng, 2 lớp nấu ăn và 2 may công nghiệp có 420 học viên tham gia. Còn lại 3 lớp Pha chế, May công nghiệp và Lái xe B2 tiếp tục thực hiện trong tháng 7/2019. Thời gian tới tiếp tục khai giảng 3 lớp còn lại theo kế hoạch được giao.

Cần Thơ: Thực hiện thành công các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm - Ảnh 3.

Lớp dạy nghề đan.

Công tác đào tạo nghề đã được các ban, ngành, đoàn thể và người lao động quan tâm, nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa và vai trò của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo chất lượng, hiệu quả đào tạo góp phần phát triển nguồn nhân lực, và chuyển dịch cơ cấu lao động phục vụ xây dựng nông thôn mới và cũng là một trong những giải pháp nâng cao tỷ lệ giảm nghèo, giảm nghèo bền vững của thành phố.

Ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ chia sẻ:

"Những tháng cuối năm 2019, thành phố tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của lao động về học nghề, việc làm; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, quan tâm đầu tư trang thiết bị và các nguồn lực 3 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên quận Ninh Kiều, quận Cái Răng và huyện Thới Lai, đảm bảo điều kiện tổ chức hoạt động dạy nghề.

Đồng thời, huy động nhiều thành phần xã hội tham gia dạy nghề; tăng cường kết nối, tiến tới hợp đồng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Các địa phương chủ động chọn nghề, đơn vị đào tạo, đảm bảo đầu ra, việc làm cho người lao động. Cùng với xây dựng và nhân rộng mô hình dạy nghề, tạo việc làm hiệu quả, các đoàn thể địa phương hỗ trợ lao động vay vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm để mở rộng sản xuất, kinh doanh từ nghề được học", ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ nhấn mạnh.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh