CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:18

Cần Thơ: Nhiều mô hình hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả

 

Bước vào thực hiện Chương trình giảm nghèo, Cần Thơ đã triển khai xây dựng 9 mô hình, trong đó có 4 mô hình dạy nghề nông nghiệp và 5 mô hình dạy nghề phi nông nghiệp ở 8/9 quận, huyện. Đó là trồng hoa kiểng ở quận Bình Thủy, may gia dụng, quận Cái Răng, kết cườm, quận Ô Môn, trồng cây ăn quả, quận Thốt Nốt, chăn nuôi thú y, huyện Phong Điền, đan đát, huyện Cờ Đỏ, trồng lúa giống, huyện Thới Lai, nề, huyện Vĩnh Thạnh với 325 người học. Theo kết quả khảo sát, số người học xong tự tạo việc làm đạt 80% và số người đi làm tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đạt 65%. Phát huy những kết quả đã đạt được, từ năm 2012 - 2015, tổ chức 42 mô hình, trong đó có 18 mô hình thuộc nhóm nghề nông nghiệp và 24 mô hình thuộc nhóm nghề phi nông nghiệp với 1.470 người được đào tạo.

 Các mô hình thí điểm sau một thời gian triển khai đã cho kết quả rõ rệt. Đặc biệt là mô hình kỹ thuật trồng lúa, sản xuất rau an toàn, kỹ thuật trồng dưa... ở Thới Lai, nuôi lươn ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, trồng nấm ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh... đã tạo việc làm và tăng đáng kể nguồn thu nhập cho người lao động. Các mô hình phi nông nghiệp điển hình là mô hình đan đát ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, mô hình nghề xây dựng ở huyện Cờ Đỏ, huyện Vĩnh Thạnh đã cung cấp nguồn lao động có tay nghề cho nhiều doanh nghiệp xây dựng, có một số người lao động đã chủ động thành lập tổ, đội tự nhận thầu và trực tiếp xây dựng các công trình quy mô vừa và nhỏ như ở xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, mô hình nghề Hàn ở phường Thới Long, quận Ô Môn cung cấp nguồn lao động có tay nghề cho Cty Lilama...

Điều đáng nói là nhiều mô hình giảm nghèo có sự hỗ trợ với các Viện, trường như: Viện nghiên cứu thủy sản, Viện giống cây trồng, Viện chăn nuôi, Công ty Bông Việt Nam để cung cấp cây, con giống năng suất cao và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp bà con sản xuất có hiệu quả. Đã có nhiều hộ thoát nghèo từ mô hình “Giảm nghèo bền vững” được biểu dương, tiêu biểu là hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng ở ấp Thới Thuận B, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ có mô hình chăn nuôi heo và vịt đẻ cho hiệu quả kinh tế cao. Với đàn lợn hơn 20 con của anh, chỉ nuôi hơn 3 tháng là được xuất chuồng, bán đi trừ chi phí gia đình anh thu về gần 2 triệu đồng. Được biết trước đây cuộc sống của gia đình anh luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau vì hai vợ chồng chỉ làm mướn, phụ hồ mà phải nuôi 3 con nhỏ. Nhưng đến nay, nhờ biết phát triển mô hình chăn nuôi gia đình anh đã có cuộc sống ổn định, vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Tại xã Tân Thới,(huyện Phong Điền), Sở LĐ - TB&XH  phối hợp với Trung tâm Khuyến công đã hỗ trợ 150 triệu đồng từ nguồn kinh phí Chương trình khuyến công Quốc gia để tổ hợp tác sắm 2 máy vuốt nan tre để người dân có điều kiện tham gia, góp phần giúp người dân có việc làm ổn định, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống. Tại phường Long Hòa, Long Tuyền quận Bình Thủy, phường Tân Lộc quận Thốt Nốt, Sở LĐ - TB&XH đã phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội phát vay trên 200 triệu đồng cho các phường sản xuất kinh doanh dịch vụ cây cảnh, đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới, hệ thống nước tưới tiêu để phục vụ sản xuất.

Mô hình này đã đem lại tổng doanh thu 396 triệu đồng, doanh thu của 21 hộ xã viên là 1,68 tỷ đồng, doanh thu của 55 hộ không tham gia tổ hợp tác là 2,24 tỷ đồng. Mô hình trồng hoa kiểng cũng được nhân rộng, giải quyết lao động nhàn rỗi, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình. Nếu như trước kia, người dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp hoặc trồng một số loài hoa dễ trồng, dễ chăm sóc thì nay, qua đào tạo nghề, người nông dân đã được hỗ trợ về kỹ thuật, chuyển giao và ứng dụng sản xuất; mô hình trồng hoa kiểng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng những loại cây nông nghiệp khác.

Nhằm tạo sự chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng Trung tâm khuyến nông, Sở NN&PTNT đã xây dựng 18 mô hình về trồng cây lương thực, thực phẩm. Trong đó có 8 mô hình trồng lúa chất lượng cao (huyện Thới Lai 3 mô hình). Các mô hình được đầu tư toàn bộ giống, phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư cho học viên thực hành trên diện tích là 6.000 m2. Sau khi kết thúc khóa học, đánh giá kết quả thực hành trên các mô hình các lớp nghề so sánh với các diện tích canh tác ngoài mô hình của bà con nông dân năng suất tăng từ 15-20%. Mô hình đạt sản lượng cao điển hình như mô hình ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai năng suất bình quân đạt trên 60 tạ/ha. Mô hình trồng nấm tại xã Mỹ Khánh, Phong Điền, xã Đông Hiệp huyện Cờ Đỏ, xã ThạnhTiến, Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh thu hút nhiều lao động tham gia và phát triển mạnh trên địa bàn, đặc biệt trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.

Anh Nguyễn Nhật Linh, ở khu vực Thạnh Mỹ, phường Lê Bình, quận Cái Răng tâm sự: “Trước đây, kinh tế gia đình khó khăn, nhưng được giới thiệu đi học lái xe và sau khi tốt nghiệp tôi đã có việc làm. Hơn 1 năm qua, dư được số tiền rồi đi vay thêm để mua chiếc xe tải chở mướn. Giờ đây, mỗi tháng có nguồn thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng, khoản nợ vay sắp trả xong”.

Nhìn chung, các mô hình thuộc nhóm nghề nông nghiệp, nông dân sau khi học đều tự tạo việc làm tại chỗ, đồng thời được chính quyền địa phương, đoàn thể hỗ trợ giới thiệu cho vay vốn và tư vấn cách làm ăn mang lại hiệu quả cao. Ở nhóm nghề phi nông nghiệp, người lao động cũng được cơ sở dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm, địa phương tư vấn về thị trường lao động trong và ngoài thành phố, mức thu nhập và các chính sách liên quan đến việc làm.     

NGỌC THIỆN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh