Cần thơ: Nâng cao chất lượng cuộc sống cho hộ nghèo
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 12:30 - 13/03/2016
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Cần Thơ đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người nghèo trong nỗ lực vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu. Mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động đã tạo sự quan tâm, gắn kết chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp, hợp tác xã để tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề và giải quyết việc làm ngay tại địa phương. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, lao động thuộc diện di dời giải tỏa, thu hồi đất sản xuất và các lao động đặc thù khác. Sau 5 năm thực hiện, đến hết năm 2015 đã có 582 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo; 2.236 hộ có người tham gia học nghề trở thành hộ khá; trên 14.000 LĐNT sau khi học nghề đã chuyển sang làm lĩnh vực phi nông nghiệp.
Cùng với đó, thành phố đã cung cấp tín dụng ưu đãi cho 154.043 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay với số tiền 1.853 tỷ đồng; xây dựng 7.712 căn nhà hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn làm ăn, dạy nghề ngắn hạn cho 2.885 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Bên cạnh đó, thành phố còn thực hiện khá hiệu quả các chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục,…và triển khai xây dựng và nhân rộng 2.253 mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ, mua bán nhỏ.
Trong quá trình thực hiện, mặc dù còn vẫn còn khó khăn, vướng mắc, song đã có sự xác định, phân công rõ trách nhiệm cũng như mối quan hệ giữa các cơ quan có liên quan từ việc điều tra, khảo sát nhu cầu, xác định nghề cần đào tạo, đến việc xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, sử dụng lao động sau đào tạo nghề. Lãnh đạo các quận, huyện rất quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác dạy nghề, tổ chức nhiều hoạt động nổi bật như: Tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm sau 6 tháng, một năm thực hiện công tác dạy nghề; tổ chức đối thoại với người dân để lắng nghe ý kiến của dân về công tác dạy nghề; trích nguồn kinh phí địa phương, huy động xã hội hóa để thực hiện công tác dạy nghề cho người lao động. Các quận, huyện đã chủ động hợp tác, lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực về chuyên môn, có khả năng giải quyết việc làm sau đào tạo, giải quyết đầu ra sản phẩm cho người lao động để tham gia đào tạo, từ đó năm 2014 hiệu quả sau đào tạo được nâng lên rõ rệt. Vừa qua, trong hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo thành phố giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng giai đoạn 2016 - 2020 đã có 19 tập thể và 37 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 và 45 hộ gia đình đã có thành tích thoát nghèo bền vững 5 năm liên tục từ năm 2011 - 2015 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố. Có 25 tập thể và 40 cá nhân có thành tích nổi bật trong công tác thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 được nhận Giấy khen của Sở LĐ-TB&XH thành phố.
Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng: Thành tích đạt được trong công tác triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế như: Hộ nghèo ở nông thôn và dân tộc thiểu số không có tư liệu sản xuất, không có nghề nghiệp ổn định; thiên tai, lốc xoáy xảy ra gây thiệt hại về tài sản, nhà ở, sản xuất; một số hộ nghèo chưa thật sự quyết tâm vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ sự hỗ trợ từ chính sách nhà nước. Vì vậy, Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu giảm nghèo tại các cấp, các ngành quan tâm đảm bảo các chế độ chính sách cho người nghèo, các đối tượng cần hỗ trợ phải được triển khai nghiêm túc; thực hiện lồng ghép công tác giảm nghèo gắn với chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường nhân rộng các mô hình giảm nghèo, điển hình thoát nghèo hiệu quả; tích cực huy động nguồn lực xã hội tham gia đóng góp vào công tác xóa đói giảm nghèo nhằm hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Định hướng giai đoạn 2016 - 2020, thành phố hướng đến mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực về mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống của người nghèo; thu hẹp khoảng cách giữa hộ giàu và hộ nghèo, giảm dần sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa các tầng lớp và các nóm dân cư trong xã hội; thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng lên từ 1,5 đến 2 lần so với giai đoạn đầu; tỷ lệ giảm nghèo đạt bình quân 1%/năm; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số từ 1,5%/năm trở lên.