CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:17

Cần Thơ tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn lực để giảm nghèo

Được coi là thủ phủ của miền Tây Nam bộ, song vào giai đoạn đầu thực hiện Chương trình giảm nghèo - năm 2011 thành phố Cần Thơ có 22.975 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,84% so với hộ dân, trong đó khu vực thành thị 12.362 hộ, chiếm tỷ lệ là 6,29%, khu vực nông thôn 10.613 hộ, chiếm tỷ lệ là 11,02%.Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-UBND ngày 20/1/2012 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu giảm nghèo thành phố Cần Thơ giai đoạn 2011 - 2015, với mục tiêu là tập trung huy động mọi nguồn lực để giải quyết các vấn đề về người nghèo, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo; phấn đấu bình quân mỗi năm giảm 1%, hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 2,84% so với đầu giai đoạn.Và với nỗ lực không ngừng, 5 năm qua, thành phố Cần Thơ đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động, tạo điều kiện để người nghèo thụ hưởng đầy đủ và kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thoát nghèo, ổn định nâng cao mọi mặt đời sống.

Nhằm giúp hộ nghèo có điều kiện sản xuất, kinh doanh, trang trải chi phí học tập, xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh, nhà ở… để cải thiện mức sống và tăng thu nhập thành phố đã cung cấp tín dụng ưu đãi cho 154.043 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay, thông qua 8 chương trình tín dụng ưu đãi với số tiền là 1.853.183 triệu đồng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi được Trung ương và địa phương bố trí tăng dần theo từng năm đã tác động tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, ổn định chính trị và đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. Cùng với đó, việc hỗ trợ về y tế cho người nghèo và người cận nghèo, bằng hình thức cấp và hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế, cũng được các địa phương thực hiện kịp thời ngay từ đầu năm. Hệ thống chăm sóc y tế, khám chữa bệnh cho người nghèo được phủ kín đến địa bàn cấp xã, đã tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận thuận lợi trong việc khám chữa bệnh khi có nhu cầu. Đã cấp 284.815 thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo, người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, người đang sinh sống ở địa bàn đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ từ 80% đến 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho 105.381 người thuộc hộ gia đình cận nghèo (từ tháng 8/2015 hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ) với tổng kinh phí thực hiện là 186.828 triệu đồng.Thực hiện miễn giảm học phí cho 40.511 lượt học sinh nghèo, trợ cấp chí phí học tập cho 46.483 lượt học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ tiền ăn trưa cho 9.267 trẻ học mẫu giáo với tổng kinh phí là 34.034 triệu đồng.

Trong những năm qua, từ nhiều nguồn khác nhau, thành phố Cần Thơ đã xây dựng 7.712 căn nhà hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở, trong đó có 1.132 căn thực hiện theo Quyết định 167/QĐ-TTg và 6.580 căn nhà Đại đoàn kết với tổng kinh phí là 246.261 triệu đồng. Chính sách trợ giúp về nhà ở cho hộ nghèo luôn được duy trì, hàng năm đều thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đây là sự nỗ lực rất lớn của thành phố cùng sự đồng hành của các tập đoàn, doanh nghiệp, đã chung tay góp phần xóa nhà ở tạm bợ trên địa bàn và giúp người nghèo an cư, lập nghiệp; có điều kiện tập trung làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Xác định rõ dạy nghề, giải quyết việc làm là yếu tố quan trọng trong hoạt động giảm nghèo, Cần Thơ đã chủ động lồng ghép dự án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn để hỗ trợ cho 2.885 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo học các ngành, nghề như: Uốn tóc, đan thảm lục bình, may gia dụng… với kinh phí là 6.125 triệu đồng. Chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm được địa phương quan tâm, với hình thức đào tạo theo nhu cầu thực tế của địa phương, tuy mới là những lớp đào tạo các ngành nghề truyền thống, ngắn hạn nhưng trước mắt đã giải quyết được việc làm tại chỗ cho một bộ phận người nghèo, sống bằng nghề nông mà không có đất sản xuất, giúp họ có việc làm và thu nhập ổn định hơn so phải làm thuê thời vụ hoặc lúc nông nhàn; qua khảo sát của các địa phương trên 70% người nghèo, cận nghèo sau học nghề có việc làm, thu nhập ổn định và thoát được nghèo.

Song song với đó, những năm qua, nhân rộng mô hình giảm nghèo cũng được thành phố tích cực thực hiện. Thành phố triển khai xây dựng và nhân rộng 2.253 mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ, mua bán nhỏ có 5.026 lượt hộ nghèo tham gia (2.027 hộ thoát nghèo sau khi tham gia mô hình) với kinh phí thực hiện là 97.078 triệu đồng, chủ yếu từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi (thành phố nằm trong các địa phương không được trung ương phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án thuộc chương trình). Tổ chức 5 cuộc hội thảo Mô hình giảm nghèo trong đồng bào dân tộc có 600 lượt cán bộ đoàn thể người dân tộc tham dự.

Qua 5 năm đẩy mạnh thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo của các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương; thành phố Cần Thơ đã giúp cho 24.283 hộ vươn lên vượt chuẩn, thoát nghèo (trong kỳ có 6.589 hộ nghèo mới và 109 hộ tái nghèo); hạ hộ nghèo của toàn thành phố xuống còn 5.390 hộ, chiếm tỷ lệ 1,71% so với hộ dân, đạt 122,6% so mục tiêu Chương trình đề ra.

Trong giai đoạn 2016-2020, Cần Thơ đặt ra mục tiêu giảm nghèo là tạo sự chuyển biến tích cực về mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống của người nghèo; thu hẹp khoảng cách giữa hộ giàu và hộ nghèo, giảm dần sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa các tầng lớp và các nhóm dân cư trong xã hội. - Thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo tăng lên từ 1,5 đến 2 lần so với đầu giai đoạn; tỷ lệ giảm nghèo đạt bình quân 1%/năm; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số từ 1,5%/năm trở lên.

Với thành quả giảm nghèo thời gian qua cùng quyết tâm và nỗ lực, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở Cần Thơ chắc chắn sẽ sớm về đích.     

NGỌC THIỆN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh