CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:54

Cần Thơ: Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nghèo

 

Nhiều chương trình hỗ trợ

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ, năm 2016, thành phố đã hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho 31.603 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Với tổng số tiền vay được giải ngân là 677.376 triệu đồng, trong đó, có 5.174 hộ nghèo, 6.797 hộ cận nghèo, 6.588 hộ mới thoát nghèo được sử dụng nguồn vốn vay này với số tiền 438.532 triệu đồng để phát triển sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ và mua bán nhỏ. Đồng thời, thành phố cũng đã hỗ trợ cho 1.020 hộ nghèo có số vồn đầu tư vào các lĩnh vực khuyến nông, khuyến ngư và phát triển ngành nghề lồng ghép với các chương trình, dự án khác.

 

Làng nón Thới Tân A, TP.Cần Thơ.

 

Trong năm 2016, Sở LĐ-TB&XH cũng đã thực hiện lồng ghép Dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn để dạy nghề cho 400 người nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, hộ bị thu hồi đất. Qua đó tạo việc làm tại chỗ cho 300 người. Bên cạnh đó thành phố cũng đã trích nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo phát triển sản xuất ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ thuộc địa bàn vùng khó khăn, với kinh phí 164,64 triệu đồng

Việc hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển nghề, làng nghề đã tạo cơ hội cho người nghèo được tiếp cận với các dự án, việc làm, góp phần tăng thu nhập để giảm nghèo. Sở LĐ-TB&XH  thành phố cũng đã liên kết, phối hợp với nhiều cơ quan, ban ngành tổ chức các lớp tập huấn cho người nghèo và các cán bộ tiếp cận về quy trình xác định hộ gia đình làm nông nghiệp, ngư nghiệp và kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi… nhằm nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Từ các hoạt động, chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu lao động ở nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố.

Nhân rộng nhiều mô hình giảm nghèo

Bên cạnh việc hỗ trợ người nghèo các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, thành phố đã thực hiện và hỗ trợ nhiều mô hình thoát nghèo hiệu quả. Thống kê cho biết, trong năm 2016, các địa phương đã thực hiện 95 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, có 2.727 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia, với kinh phí thực hiện là 44.631 triệu đồng, gồm 28.774 triệu đồng vốn vay ưu đãi và 15.857 triệu đồng vận động cộng đồng/gia đình đóng góp. Qua đó, tạo việc làm tại chỗ cho 3.553 lao động, nâng cao thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo và góp phần giảm tỷ lệ nghèo ở địa phương.

Hiện nay thành phố đang tiếp tục nhân rộng các mô hình sinh kế, giảm nghèo bền vững tại các xã, phường, thị trấn nhằm giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, làm nền tảng cho các địa phương nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả và nâng cao số hộ nghèo tiếp cận mô hình.

Phát huy kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2016, thành phố Cần Thơ phấn đấu năm 2017 tiếp tục giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo hiện có, hạ tỷ lệ hộ nghèo của thành phố xuống còn 2,75% so với hộ dân, trong đó phấn đấu giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số xuống còn 10,80% so với hộ dân tộc thiểu số.

Theo bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ – TB&XH thành phố Cần Thơ, bên cạnh các nguồn vốn hỗ trợ cho vay, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, trong thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH thành phố sẽ tích cực vận động các nguồn lực xã hội hóa để Chương trình giảm nghèo được đẩy mạnh và đạt hiệu quả cao.

“Thành phố sẽ thực hiện trợ giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực trong cuộc sống. Các cấp, các ngành sẽ cùng chính quyền địa phương giúp hộ nghèo nâng cao mức sống, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và giảm tỷ lệ nghèo trên địa bàn” - bà Trần Thị Xuân Mai cho biết thêm.

NGỌC THIỆN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh