Đào tạo nghề thị trường, người lao động cần
Thành công trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của TP. Cần Thơ thời gian qua nhờ nắm bắt nhu cầu thực tế từ thị trường lao động, việc làm; đồng thời, bám sát chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo cơ hội cho lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp phù hợp với trình độ, năng lực, điều kiện sản xuất ngay tại địa phương, giúp người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống…
Điển hình trong các lớp đào tạo nghề là lớp nghề điện được tổ chức tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện Cờ Đỏ, nhiều năm qua đã giúp nhiều lao động nông thôn sau học nghề có việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Năm 2017, anh Cao Văn Sơn (ấp Thạnh Hưng 2, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ) được tham gia học lớp nghề điện. Chỉ gần 5 tháng học nghề cộng với tinh thần không ngừng học hỏi, tự nâng cao kiến thức, tay nghề, anh Sơn đã có việc làm và mở được tiệm sửa điện gia dụng tại nhà.
Anh Sơn cho biết: “Nhà tôi có 6 công đất ruộng. Trước đây, tôi chỉ ở nhà làm ruộng, thu nhập không cao. Vì nhiều thời gian nhàn rỗi, tôi tham gia học lớp nghề điện. Sau khóa học, tôi đã mạnh dạn mở tiệm sửa điện gia dụng tại nhà”. Theo anh Sơn, ở vùng nông thôn, nhu cầu sửa điện gia dụng khá cao, đa phần là sửa chữa quạt gió, bóng đèn, lắp đặt đường dây điện đơn giản. Hàng tháng, anh Sơn có thu nhập hơn 4 triệu đồng từ tiệm sửa điện gia dụng tại nhà. Bên cạnh đó, anh còn đi làm cho cơ sở gần nhà, với tiền lương 6 triệu đồng/tháng.
Học sinh thực hành nghề tại Trung tâm dạy nghề Tây Đô
Tại huyện Cờ Đỏ, ngoài đào tạo nghề điện dân dụng, qua chương trình đào tạo nghề kỹ thuật trồng lúa giống, nhiều lao động nông thôn đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa giống. Tiêu biểu là trường hợp của hộ nông dân Phương Tuấn Tiền (ấp Thạnh Lợi, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ). Với mô hình trồng lúa giống chủ lực là Nàng Hoa, ông Tiền được công nhận là nông dân sản xuất giỏi với thu nhập trên 900 triệu đồng/năm. Ông Tiền chia sẻ: “Gia đình có 4ha ruộng, hơn chục năm qua, tôi đã trồng lúa giống. Vừa qua, tôi tham gia lớp nghề kỹ thuật trồng lúa giống và học được rất nhiều điều bổ ích như: Cách nhìn nhận giống, áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”… và ứng dụng vào canh tác đạt hiệu quả hơn”.
Ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Cần Thơ cho biết: Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP. Cần Thơ đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức toàn xã hội về tầm quan trọng của học nghề, việc làm đối với phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; xây dựng và duy trì các mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Hiện mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được củng cố, phát triển; huy động cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, thợ lành nghề tham gia Đề án Đào tạo nghề. Cùng với nâng chất lượng, đa dạng hình thức và phương pháp đào tạo gắn với nhu cầu người học, doanh nghiệp, thành phố xây dựng nhiều mô hình dạy nghề hiệu quả, phù hợp, tạo việc làm bền vững cho lao động.
Đón đầu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp
Hiện tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn TP. Cần Thơ khá sôi động với các lớp nghề, năng khiếu được tổ chức thường xuyên với hàng ngàn học viên đăng ký theo học…
Trong 5 tháng đầu năm 2018, các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh 17.337 người (3.396 cao đẳng, 3.245 trung cấp; 4.802 sơ cấp và 5.894 đào tạo thường xuyên, trong đó nữ 4.085 người), đạt 37,7% so với kế hoạch năm 2018, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2018, dự kiến sẽ đào tạo nghề cho 23.007 người, đạt 50,01% kế hoạch năm 2018, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017.
Năm 2018, Sở LĐ-TB&XH thành phố phân bổ và giao trách nhiệm cho Phòng LĐ-TB&XH quận phối hợp các đơn vị đào tạo tổ chức nhiều lớp nghề phi nông nghiệp, với định hướng đón đầu nhu cầu học nghề của lao động và tuyển dụng của doanh nghiệp, đa dạng ngành nghề đào tạo, giúp lao động có nhiều sự lựa chọn, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Nhờ đào tạo nghề phù hợp với trình độ, năng lực... đã giúp người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống
Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cao, thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, giúp lao động có ý thức và trách nhiệm tham gia học nghề, có việc làm; định kỳ hằng năm rà soát, cập nhật, bổ sung nhu cầu đào tạo nghề, phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; xây dựng mô hình đào tạo nghề hiệu quả để nhân rộng. Cùng với phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, xây dựng hoàn thiện các điều kiện nâng cao chất lượng đạo tạo nghề, thành phố tăng cường kết nối với doanh nghiệp trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tiến tới hợp đồng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng. Địa phương chủ động lựa chọn nghề đào tạo, đơn vị đào tạo chất lượng và đảm bảo việc làm cho lao động. Đồng thời, thông qua các tổ chức, đoàn thể giúp lao động vay vốn chương trình giải quyết việc làm để mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh với nghề đã học.
Ông Châu Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Cần Thơ cho biết: Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP. Cần Thơ đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức toàn xã hội về tầm quan trọng của học nghề, việc làm đối với phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; xây dựng và duy trì các mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Hiện mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được củng cố, phát triển; huy động cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, thợ lành nghề tham gia Đề án Đào tạo nghề. Cùng với nâng chất lượng, đa dạng hình thức và phương pháp đào tạo gắn với nhu cầu người học, doanh nghiệp, thành phố xây dựng nhiều mô hình dạy nghề hiệu quả, phù hợp, tạo việc làm bền vững cho lao động.
|