Chung tay chăm sóc người tâm thần
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 15:09 - 27/08/2016
Các chuyên gia khuyên nên lắng nghe và nói chuyện với người tâm thần nhiều hơn sẽ giúp nhiều trong quá trình điều trị
Chăm sóc bằng chính tình yêu thương của gia đình
Theo thống kê, hiện nay, toàn thành phố Cần Thơ có khoảng 33.000 đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội. Trong đó, Trung tâm Bảo trợ xã hội TP. Cần Thơ (Trung tâm) tiếp nhận, chăm sóc khoảng 600 đối tượng. Đây là các bệnh nhân được hưởng các chính sách theo quy định.
Theo lời kể của một số cán bộ đang làm công tác quản lý tại Trung tâm, với người bình thường, việc chăm sóc, quản lý đã khó, với bệnh nhân tâm thần, các đối tượng xã hội việc chăm sóc, quản lý còn khó khăn gấp nhiều lần. Tuy nhiên không vì thế mà cán bộ nhân viên chùn bước, chính sự khó khăn đã thôi thúc họ phải cố gắng hơn.
Xác định chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh tâm thần là công việc rất vất vả và nguy hiểm, vì vậy đội ngũ cán bộ y tế của Trung tâm thường xuyên quan tâm, chăm sóc, gần gũi với người bệnh để hiểu rõ tâm tính cũng như tâm lý của từng người, từ đó đưa ra phương án điều trị hiệu quả.
Tại Trung tâm, người bệnh luôn được nuôi dưỡng, chăm sóc tận tình. Nơi ở thường xuyên được quét dọn vệ sinh sạch sẽ, có phòng dành riêng cho nữ giới và nam giới. Mọi sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân như giặt áo quần, tắm rửa, cắt tóc, cạo râu… luôn được các nhân viên điều dưỡng của Trung tâm quan tâm chu đáo. Thức ăn của bệnh nhân luôn bảo đảm hợp vệ sinh và có sự thay đổi thực đơn theo từng ngày. Tiêu chuẩn ăn của mỗi bệnh nhân được ngân sách nhà nước cấp theo đúng chế độ, ngoài ra còn tiền thuốc, tiền vệ sinh cá nhân…
Cùng với việc chăm sóc về chế độ dinh dưỡng, Trung tâm rất coi trọng công tác điều trị cho người bệnh. Hàng ngày, các y bác sĩ của Trung tâm đều tổ chức khám bệnh cho từng đối tượng để nắm bắt diễn biến bệnh. Ngoài ra, hàng năm Trung tâm đều mời các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ về khám và xây dựng phác đồ điều trị cụ thể cho từng trường hợp, tùy theo tình trạng bệnh tật. Qua thời gian điều trị, hầu hết các đối tượng đều có chuyển biến tích cực. Hiện tại, một số người bệnh đã làm được những công việc nhẹ nhàng thường ngày.
Ổn định trật tự, kỷ cương và mỹ quan đô thị
Chăm sóc tốt các đối tượng tâm thần, lang thang cơ nhỡ tại Trung tâm cũng chính là góp phần vào ổn định trật tự, kỷ cương và mỹ quan đô thị tại TP.Cần Thơ.
Ông Nguyễn Thanh Vững, Phó Giám đốc sở LĐ TB&XH Cần Thơ, nói “Mỗi gia đình có người thân mắc chứng tâm thần đều có một nỗi khổ riêng. Hầu hết đều là những người cha, người mẹ tóc trắng, già nua, thay vì được cháu con chăm sóc tuổi già thì nay, họ phải vừa vất vả kiếm ăn, vừa phải chăm sóc đứa con điên dại. Nhiều người chấp nhận sống chung, cũng có gia đình buộc lòng phải xích, hoặc nhốt con em mình vào một góc riêng đề phòng gây họa cho xóm làng. Chính vì vậy khi các đối tượng này được đưa vào Trung tâm, gia đình đã phần nào bớt đi gánh nặng, xã hội bớt đi các vấn nạn.”
Trước đây, tình trạng người tâm thần lang thang khắp các ngả đường tại TP.Cần Thơ không phải là chuyện hiếm gặp. Đó có thể là những người vô gia cư, chọn góc phố là nhà, sống dật dờ nhờ những thứ nhặt nhạnh được, cũng có người có gia đình, có người thân hẳn hoi, nhưng họ chẳng còn đủ tỉnh táo để biết mình đang làm gì.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng người tâm thần, lang thang, ăn xin... trên các nẻo đường, quán ăn, quán giải khát đã được ngành chức năng tập trung đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng và chăm sóc. Chính vì vậy tình hình trật tự xã hội đã giảm đi phần nào, khách du lịch cũng không còn nhìn thấy hình ảnh bến Ninh Kiều có nhiều gã “hành khất” như trước đây.
Lãnh đạo Trung tâm cho biết, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị chăm sóc cho người bệnh còn nhiều thiếu thốn, trụ sở mới được hoàn thành cuối năm 2015, nhưng thời gian qua, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn xác định phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để chăm sóc cho người bệnh, đặc biệt là đối tượng tâm thần là người có công được chu đáo và đầy đủ, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng.
Bên cạnh sự nỗ lực, phấn đấu của Trung tâm Bảo trợ xã hội TP. Cần Thơ, rất cần có sự phối hợp của các ngành chức năng, UBND các quận, huyện của mọi người dân trên toàn thành phố, nhằm tuyên truyền, nhắc nhở gia đình, cộng đồng dân cư quan tâm chăm sóc các đối tượng lang thang, có giải pháp quản lý tốt người thân bị bệnh tâm thần, tự nguyện đưa đi chữa bệnh và không để đi lang thang gây nguy hiểm cho xã hội...
Có thể thấy, người bệnh tâm thần, các đối tượng lang thang, cơ nhỡ… nếu được quan tâm, chăm sóc bằng chính tình yêu thương của gia đình, của xã hội thì vẫn có thể được phục hồi và tránh được nhiều mối nguy hiểm cho cộng đồng. Chính vì vậy cần lắm sự chung tay sẻ chia của cộng đồng.