THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:18

Cần Thơ: Nâng cao công tác phòng ngừa, phát hiện và điều trị người tâm thần

Sức khỏe tâm thần được xem như gánh nặng, gây tổn thất về kinh tế, tâm lý đối với gia đình và xã hội. Chính vì vậy việc nâng cao nhận thức đối với người bệnh cũng như cộng đồng có vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm điều trị bệnh.

Hiểu được điều này, thời gian qua Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ luôn nâng cao nhận thức phòng ngừa và tổ chức các lớp tập huấn cho gia đình có người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng. Mới đây, Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ  đã tổ chức tập huấn kỹ năng chăm sóc cho gia đình có người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Tại các buổi tập huấn các báo cáo viên đã giải đáp nhiều thắc mắc của bà con xoay quanh cách chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại gia đình, từ duy trì việc uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ đến chế ăn uống, vệ sinh cá nhân, trò chuyện, tạo thói quen sinh hoạt cho các bệnh nhân...

Trong khi đó, việc chăm sóc và phục hồi chức năng cho những đối tượng này đang là một thách thức lớn, gánh nặng đối với cộng đồng và toàn xã hội. Phần lớn các gia đình có người tâm thần đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, do phải đưa đối tượng đến điều trị tại bệnh viện dài ngày và nhiều lần.

Bệnh tâm thần có khuynh hướng tiến triển thành bệnh mãn tính, người bệnh ngày một tách rời, xa lánh xã hội, khó hòa nhập cộng đồng. Xã hội cũng có khuynh hướng xem bệnh nhân là người không giúp ích cho xã hội. Chính vì vậy công tác tuyên truyền đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng ngừa, điều trị bệnh.Việc phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho bệnh nhân tâm thần rất cần sự quan tâm, nhẫn nại, tận tình của người thân trong gia đình. Do đó, gia đình, người chăm sóc trực tiếp bệnh nhân tâm thần cần trang bị những kỹ năng cần thiết để giúp bệnh nhân tâm thần từng bước phục hồi, sớm hòa nhập cộng đồng.

Ngoài ra, hiện nay quy trình chăm sóc và phục hồi chức năng (PHCN) của các cơ sở bảo trợ xã hội chưa luân phiên, gần như nuôi người tâm thần từ khi tiếp nhận cho đến lúc qua đời, cán bộ, nhân viên công tác xã hội (CTXH) làm việc tại cộng đồng và trong các cơ sở chăm sóc người tâm thần còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo chuyên sâu CTXH trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người tâm thần; chưa có các dịch vụ trị liệu tâm lý, dịch vụ CTXH trong chăm sóc và PHCN cho người tâm thần.

Trong thời gian tới, ngoài sự quan tâm của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, thành phố Cần Thơ rất cần sự tham gia của gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí bị tâm thần, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH phải có sự đổi mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần theo hướng phát triển các dịch vụ CTXH, trợ giúp xã hội kết hợp với điều trị y tế để phục hồi chức năng cho người tâm thần. 

Thúy Phượng - Sở LĐ -TB&XH Cần Thơ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh