THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 07:58

Tăng cường đào tạo kỹ năng mềm cho lao động ngành du lịch

 

Cần tăng cường đào tạo kỹ năng mềm cho lao động ngành du lịch

Du lịch và dịch vụ hiện nay được xem là một ngành đang thiếu hụt nhân lực nhiều nhất. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch mỗi năm, toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động, nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 20.000 học sinh sinh viên ngành tốt nghiệp, trong đó chỉ có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, còn lại là học sinh trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn dưới ba tháng. Tuy nhiên lại có một thực tế khác là không ít HSSV ngành du lịch ra trường vẫn thất nghiệp. Về nguyên nhân của tình trạng này, theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn nhân lực do các cơ sở đào tạo cung cấp cho thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp phải mất thời gian để đào tạo lại do các em không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn và vị trí việc làm.

GS, TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cho biết: Hiện có khoảng 60% lực lượng lao động của ngành biết ngoại ngữ nhưng chủ yếu là tiếng Anh (42%), tỷ lệ biết tiếng Trung chỉ 5%, tiếng Pháp 4%... Trong đó, số lao động có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ chỉ 15%, và cũng chỉ tập trung chủ yếu ở bộ phận làm hướng dẫn viên du lịch, lễ tân khách sạn. Về trình độ công nghệ thông tin, có khoảng hơn 60% lao động biết sử dụng máy tính, nhưng phần lớn chỉ đáp ứng những công việc đơn giản. Cùng với những yếu kém trên thì thực tế cho thấy, kỹ năng mềm, khả năng ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của lực lượng lao động du lịch cũng chưa được trang bị đầy đủ. Thực trạng này cho thấy số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện tại chưa thể đáp ứng được những yêu cầu phát triển của du lịch trong giai đoạn mới.

Mặc dù các em HSSV ra trường tỷ lệ có việc làm cao nhưng việc làm không ổn định, trái ngành và số lượng HSSV đáp ứng được yêu cầu ngay của Doanh nghiệp còn hạn chế, các em thiếu kiến thức về các kỹ năng bổ trợ thiết yếu cho nghề nghiệp của mình để giúp các em có thể tự tin vượt qua khó khăn, trở ngại trong cuộc sống và khẳng định được bản lĩnh của mình. Những kỹ năng bổ trợ thiết yếu đó còn được gọi là kỹ năng mềm. Như vậy, ngoài những kiến thức chuyên ngành sinh viên được trang bị và kiến thức về ngoại ngữ, tin học cái thiếu và yếu nhất của HSSV hiện nay mà các Doanh nghiệp đang cần đó chính là kỹ năng mềm. Xuất phát từ đặc thù ngành du lịch và dịch vụ là ngành nghề chủ yếu phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng cho nên để thuyết phục và làm hài lòng khách hàng đòi hỏi bạn phải có vốn hiểu biết sâu rộng về địa lý, lịch sử, văn hóa, con người, ẩm thực,… của đất nước Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới.

Theo đại diện Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An, để đảm nhận tốt vai trò của một chuyên viên trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ, hoặc một người quản lý và điều hành mọi hoạt động của công ty du lịch, khách sạn, nhà hàng giải quyết những phát sinh, yêu cầu và khiếu nại của khách hàng... đòi hỏi bạn phải là người bản lĩnh, tự tin, năng động, thích nghi môi trường làm việc biến đổi không ngừng, cho nên đòi hỏi HSSV phải có kỹ năng tự tin, năng động, kỹ năng giải quyết vấn đề, thích nghi với mọi hoàn cảnh.

Tăng cường kỹ năng mềm cho HSSV các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung và HSSV ngành du lịch, dịch vụ nói riêng, trong thời gian qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trực tiếp là Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức chương trình tập huấn, bồi dưỡng về các kiến thức và kỹ năng bổ trợ cho giáo viên làm hạt nhân và tổ chức các hoạt động cho HSSV. Nhưng chương trình tập huấn chưa được nhiều và chưa đồng bộ trong hệ thống dạy nghề. Do vậy cần xây dựng chương trình môn học “Kỹ năng mềm” để đưa vào giảng dạy chính thống trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường tổ chức tập huấn, đào tạo cho giáo viên về kỹ năng mềm để đáp ứng được thị trường lao động trong giai đoạn hiện nay.  

PHƯƠNG MINH - ANH QUANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh