Cần siết chặn giao dịch tài chính, "rửa tiền" cờ bạc qua hệ thống ngân hàng
- Pháp luật
- 23:50 - 06/11/2019
Thời gian qua, hàng loạt các game bài ảo ăn tiền thật bị đánh sập, nhiều kẻ cố tình vi phạm pháp luật hoặc bảo kê bị tra tay vào còng, nhưng do nguồn lợi thu về quá lớn, nhiều "sới bạc" núp bóng trò chơi trực tuyến vẫn ngang nhiên hoạt động. Để xử lý triệt để tội phạm cờ bạc trực tuyến nở rộ lâu nay, mấu chốt là phải siết chặn giao dịch tài chính, "rửa tiền" cờ bạc qua hệ thống ngân hàng.
Về vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch TAT Law firm) cho rằng, pháp luật Việt Nam đã nghiêm cấm hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc dưới bất kì hình thức nào. Thực tế, các hình phạt đối với hành vi vi phạm này là khá nghiêm khắc. Song, với nguồn lợi nhuận lớn có thể đạt được, các cá nhân tổ chức vẫn bất chấp quy định pháp luật mà ngang nhiên kinh doanh hoạt động trò chơi cờ bạc thông qua hình thức "núp bóng" game online.
Thực tế là, sau vụ án "đường dây đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ" xảy ra tại Phú Thọ vào năm 2017 bị triệt phá, các lực lượng công an đã nỗ lực chủ động đấu tranh đẩy lùi tội phạm và tệ nạn cờ bạc nói chung và đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng Internet nói riêng; tích cực rà soát, theo dõi các đường dây, tụ điểm hoạt động phức tạp để loại bỏ các đường dây đánh bạc trái phép này.
Từ đầu năm 2019 đến nay, các lực lượng Công an đã triệt phá được hàng loạt các vụ đánh bạc qua mạng với số tiền bất chính lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Như vậy, có thể thấy rằng nạn cờ bạc online vẫn không suy giảm, ngược lại còn có chiều hướng tăng cao với hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Điển hình, cách trò chơi có yếu tố cờ bạc vẫn diễn ra công khai trên internet dưới hình thức các trò chơi có thưởng, game bài...
Theo đó, các game này cho phép người dùng nạp tiền qua Google hoặc qua các ví điện tử, tài khoản ngân hàng để đổi ra xu, mua vật phẩm cho game, đồng thời cho phép người chơi chuyển đổi tiền ảo thành tiền thật. Xét về bản chất, các trò chơi này đều là đánh bạc online. Do vậy cần thiết phải kiểm soát, ngăn chặn triệt để và xử lí nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm này.
Mặc dù công tác quản lý, triệt phá các đường dây đánh bạc của các cơ quan chức năng, lực lượng công an là khá tốt, tuy nhiên vẫn chưa thực sự triệt để. Dường như sau các đợt kiểm tra, xử lý các "game bài online" trái pháp luật, những trò chơi online đổi thưởng mới lại "mọc lên" ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là công nghệ phát triển nhanh như hiện nay thì thủ đoạn trá hình ngày càng tinh vi.
Theo LS. Trương Anh Tú, để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có các giải pháp để "chữa tận gốc vấn đề". Điểm chung của những vụ án đánh bài trực tuyến đều là lợi dụng các ví điện tử, hệ thống ngân hàng để kinh doanh đổi thưởng, ngăn chặn hoạt động rửa tiền.
Nếu như game đánh bạc trực tuyến này chỉ đơn giản là một trò chơi, mang tính chất giải trí và không có mục đích lợi nhuận, đổi tiền ảo thành tiền thật thì hoàn toàn là hợp pháp. Vì vậy, để ngăn chặn vấn nạn cờ bạc online như hiện nay, giải pháp tối ưu và là mấu chốt của vấn đề là quản lý chặt các giao dịch tài chính qua hệ thống ngân hàng.
Khoản 13 Điều 4 Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định: "Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng chính sách, kế hoạch và tổ chức thực hiện phòng, chống rửa tiền."
Bên cạnh đó, Điều 11 Luật các tổ chức tín dụng ghi nhận: "Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm sau đây: Không được che giấu, thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp. Xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố". Các ngân hàng có trách nhiệm hợp tác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Như vậy, pháp luật đã có quy định cụ thể về chức năng phòng chống rửa tiền của ngân hàng. Thông thường, các ngân hàng sẽ có phòng ban về phòng chống rửa tiền với các chức năng hiện đại hóa công tác sàng lọc giao dịch, phát hiện, xử lý giao dịch đáng ngờ và công tác rà soát theo danh sách liên quan đến cấm vận, trừng phạt.
Trong các vụ việc game bài trực tuyến, ngân hàng đóng vai trò là "cầu nối" thanh toán và giao dịch giữa các đối tượng liên quan trong hoạt động cờ bạc trực tuyến. Cụ thể, để thực hiện được hành vi đánh bạc, người chơi có tài khoản được mở tại ngân hàng. Sau khi mở tài khoản chơi game, người chơi sẽ thông qua ngân hàng đổi tiền thật thành tiền ảo, nếu thắng đại lý sẽ thu mua tiền ảo bằng tiền thật và chuyển về tài khoản người chơi thông qua ngân hàng. Đây là một trong những công cụ phổ biến để các tội phạm thực hiện hành vi rửa tiền.
Cho nên, hệ thống giao dịch của ngân hàng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, cảnh báo phát hiện những giao dịch đáng ngờ. Khi phát hiện giao dịch đáng ngờ, ngân hàng cần phải báo cáo và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền. Ngược lại, nếu không thực hiện hoạt động báo cáo, áp dụng các biện pháp ngăn chặn thì ngân hàng đã có dấu hiệu tiếp tay cho hoạt động rửa tiền, có khả năng còn phải chịu trách nhiệm hình sự do đồng phạm theo quy định Bộ luật hình sự.
Mặt khác, theo Nghị định 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền còn ghi nhận: "Tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng khi khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn; khi nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến hoạt động rửa tiền"
Rõ ràng, trong chức năng nhiệm vụ của mình, các ngân hàng cần phải kiểm soát và nhận biết được khách hàng khi tham gia giao dịch để phòng chống rửa tiền của các tội phạm. Song thực tiễn các ngân hàng vẫn còn lỏng lẻo trong việc quản lý giao dịch dẫn đến các tội phạm có cơ hội để trục lợi, thực hiện hoạt động rửa tiền bất chính. Do đó, nếu ngăn chặn được việc nạp tiền, rút tiền khi chơi game đổi thưởng thông qua các ngân hàng trong nước thì vấn nạn cờ bạc online sẽ được giải quyết triệt để.
Trên cơ sở đó, các ngân hàng cần thiết có các văn bản quản lý siết chặt các giao dịch cho phù hợp với thực tiễn, giảm thiểu và ngăn ngừa tình trạng trở thành "bên trung gian" tiếp tay cho các cá nhân, tổ chức có hành vi bất chính.