Cần phải đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong thời đại công nghệ 4.0
- Bài thuốc hay
- 12:55 - 20/09/2019
Cần đào tạo nguồn nhân lực "đa phương tiện"
Bàn luận về vấn đề nguồn nhân lực lao động trong thời đại công nghệ 4.0, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo Kinh tế Quốc tế: Trong 05 năm qua, giai đoạn 2013-2018, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục. Trong quá trình hội nhập kinh tế và tiến trình của cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu nguồn nhân lực đã và đang chuyển dịch phù hợp định hướng quá trình đô thị hóa. Cách mạng công nghiệp 4.0 có rất nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội để nguồn nhân lực nói chung và mỗi người lao động nói riêng tích cực nắm bắt cơ hội và phấn đấu.
Vấn đề bắt buộc phải thay đổi là xây dựng kỹ năng mềm cho sinh viên như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, tư duy sáng tạo,...(đa phương tiện) đang là yêu cầu cấp thiết.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ CMCN 4.0. Theo đó, những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông sẽ chịu tác động lớn, nguy cơ thất nghiệp cao do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, trong cuộc cách mạng này, nhiều ngành nghề sẽ biến mất, nhưng lại có những công việc mới ra đời. Điều đó đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp, (chỉ chiếm hơn 20% lực lượng lao động); năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN… Như vậy, những ngành nghề sử dụng lao động phổ thông ở mức độ đào tạo đơn giản sẽ chịu tác động lớn và nguy cơ thất nghiệp do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo... Và điều quan trọng đặt ra là phải đào tạo nguồn nhân lực "đa phương tiện".
Nên đánh giá đúng chất lượng lao động
Cùng bàn luận về vấn đề nguồn nhân lực trong thời đại công nghệ 4.0, TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm, Trường Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở II) cho biết: Trước những áp lực cận kề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều vấn đề được đặt ra trong lĩnh vực lao động, trong đó chủ đề chất lượng việc làm nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Theo TS. Nguyễn Thị Hoa Tâm tập trung vào những vấn đề quan trọng đang được đặt ra để tìm kiếm câu trả lời. Một là, những tiêu chí nào giúp nhận ra thực trạng của chất lượng việc làm trong khu vực doanh nghiệp, tập trung vào nhóm doanh nghiệp FDI? Hai là, làm thế nào để nâng cao chất lượng việc làm theo những tiêu chí đã đề xuất? Ba là, cả doanh nghiệp FDI, người lao động và Chính phủ Việt Nam cần chuẩn bị những gì để hướng đến chất lượng việc làm tốt hơn trước kỷ nguyên của công nghệ 4.0?
Bằng cách phân tích những quan điểm chuyên gia và cộng đồng lao động, một mô tả về kỳ vọng đối với chất lượng việc làm của công nhân trong các ngành dệt may và bán lẻ sẽ được thiết lập, bao gồm các tiêu chí đánh giá và thang đo cho mỗi tiêu chí.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến đến gần hơn với sự xuất hiện ngày càng rõ rệt của trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất và quản lý, vận hành doanh nghiệp. Tương lai của những cỗ máy "làm không công" đang hiện ra rõ hơn, đe dọa trực tiếp vào cơ hội làm việc của nhóm lao động đơn điệu.
Theo đó, yêu cầu của công nghệ trong tương lai đang đặt ra những thách thức nhất định đối với trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.
"Vấn đề công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0 đã cận kề và đã có dấu hiệu xuất hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Những vấn đề đặt ra cho thấy cần có một cuộc đua thực sự giữa tốc độ phát triển công nghệ và tốc độ cải tiến, cập nhật của chất lượng nguồn nhân lực. Đây là vấn đề tất yếu trong kỷ nguyên số", bà Tâm cho biết thêm.