THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bỏ tư duy bằng cấp để chuyển sang cơ chế tuyển dụng kỹ năng

Sau khi lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của đại diện người lao động, ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu chỉ đạo.

Khẳng định, lực lượng công nhân lao động có trình độ kỹ thuật chính là tài sản, tài nguyên, vốn quý của quốc gia bởi đây là nguồn động lực phát triển kinh tế, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng nhấn mạnh thực trạng hiện nay là trong 17,5 triệu lao động có quan hệ lao động, trong tổng số hơn 53 triệu lao động chỉ có thì chưa đầy 19% công nhân có trình độ kỹ thuật cao, còn lại là lao động phổ thông. Đó là vấn đề mà các bộ, ngành cần phải nhìn nhận và có chính sách cụ thể để thay đổi, vì chúng ta không đi theo con đường lao động giá rẻ nữa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận và chỉ đạo

Thủ tướng yêu cầu đội ngũ công nhân, ngoài tận dụng điều kiện hỗ trợ từ những quyết sách của Nhà nước, của doanh nghiệp, thì cũng cần nêu cao tinh thần tự học, tự hoàn thiện mình. “Muốn vậy, tôi mong các bạn công nhân bỏ lối sinh hoạt rề rà, không cà phê lê thê, không sa đà vào game, không lún sâu vào các vấn nạn xã hội. Nêu cao tinh thần tự học, tự hoàn thiện mình, nhất là phải nhanh chóng tiếp cận với nền khoa học hiện đại, cách mạng 4.0”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành, doanh nghiệp sớm từ bỏ tư duy tuyển dụng dựa vào bằng cấp, chuyển sang cơ chế tuyển dụng theo kỹ năng, kỹ nghệ, có như thế mới mong tìm được người tài, người giỏi. “Chúng ta cần cái gì? Việt Nam đang phát triển nhanh, nhưng nền kinh tế xuất phát chậm, doanh nghiệp nói chung năng suất thấp, sức cạnh tranh còn hạn chế do thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ công nhân kỹ thuật cao cả về chất lẫn số lượng. Không thể đi theo con đường lao động giá rẻ, vốn lớn… để nhận lấy thất bại. Cần đổi mới và sáng tạo khoa học, ứng dụng công nghệ, đó là tiền đề quyết định sự phát triển của đất nước”, Thủ tướng bày tỏ.

Nhấn mạnh trong ba khâu đột phá để đất nước phát triển nhanh thì xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật cao, lành nghề là khâu quan trọng hàng đầu, Thủ tướng đặt câu hỏi: Nhưng vấn đề là làm thế nào?

Để tìm câu trả lời, Thủ tướng yêu cầu cả nước, từng tỉnh thành, từng doanh nghiệp và từng người lao động cùng nỗ lực phấn đấu hết sức mình trong việc học, việc làm. Chính phủ cũng phải có quyết sách đào tạo phù hợp, Công đoàn hỗ trợ công nhân, không chỉ cơm, áo, gạo, tiền mà còn những quyết sách cao hơn…

Với Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu quan tâm hơn đến tiền lương và thu nhập của lao động; quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hài hoà, chặt chẽ hơn trong quyết sách cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động. Nhà trường phải tăng cường thực hành, đồng bộ cùng doanh nghiệp trong đào tạo

Thủ tướng tặng quà cho các công nhân tiêu biểu

Cần quan tâm đến 4 nhóm vấn đề thiết yếu với đời sống công nhân lao động: Tiền lương và thu nhập đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu; nhà ở xã hội; môi trường làm việc, học tập cho công nhân lao động và chỗ học tập, vui chơi cho công nhân, con công nhân.

Tổ chức công đoàn cần đổi mới cách thức hoạt động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chăm lo đời sống văn hóa, rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh cho công nhân lao động, trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động, quan tâm đến hậu phương của người lao động để người lao động xem Công đoàn là gia đình thứ hai của mình.

Thủ tướng bày tỏ với công nhân lao động: “Chúng ta đều dưới ruộng đi lên, đều cần phải chuyển đổi để thích nghi với sự thay đổi mới, chuyển đổi nghề nghiệp, phải nỗ lực để học tập để có “nghệ tinh” thì mới “thân vinh”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng lực lượng đội ngũ công nhân có tay nghề cao, thu hút nhân tài để Việt Nam trở thành “quốc gia khởi nghiệp” là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.

Cuối cùng, Thủ tướng khẳng định, 43 kiến nghị mà tổ chức Công đoàn đã tập hợp và gửi gắm cùng với kiến nghị của các công nhân tại buổi gặp mặt sẽ được giao cho Văn phòng Chính phủ, phân loại, gửi cho từng bộ, ngành, địa phương để trả lời cho Tổng LĐLĐ Việt Nam và công nhân lao động, “để thấy hiệu quả chứ không phải gặp nhau từ hội trường là xong”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động kỹ thuật cao 2019

Trước đó, phát biểu với vai trò là địa phương tổ chức sự kiện gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân, lao động kỹ thuật cao 2019, UV BCT, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh: “Chúng ta bước vào giai đoạn kinh tế tri thức, doanh nghiệp vào Việt Nam đầu tư vào các ngành khoa học công nghệ, doanh nghiệp trong nước cũng chuyển đổi. Người lao động làm chủ trực tiếp khoa học công nghiệp, những người này đều phải do đào tạo mà ra. 

Vấn đề cũ nhưng vẫn phải nói nhiều là đào tạo chưa sát nhu cầu. Vậy doanh nghiệp phải gặp trực tiếp trường, không duy trì mãi trạng thái than phiền nữa. Nơi nào chủ động  hợp tác với các trường thì nơi đó nhân lực có trình độ sẵn sàng!

VIỆT HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh