THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 07:10

Thủ tướng đối thoại với nông dân

 

Cùng tham dự đối thoại có Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và khoảng 600 đại biểu gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương, các cơ quan ban, ngành tỉnh Hải Dương; lãnh đạo 63 hội nông dân các tỉnh, thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các doanh nghiệp…

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành cùng tham gia đối thoại với nông dân.

 

Tại buổi đối thoại, nông dân trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề lớn, quan trọng trong đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn như đầu ra cho nông sản, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng vật tư nông nghiệp, vấn đề nguồn vốn, đất nông nghiệp... Ban tổ chức nhận được khoảng 1.000 câu hỏi của nông dân và nhân dân cả nước gửi đến Thủ tướng, thuộc nhóm vấn đề về thị trường nông sản, chính sách vốn và đất nông nghiệp, công nghệ và quản lý vật tư nông nghiệp, lao động nông thôn và nông thôn mới. Thủ tướng trực tiếp trả lời các câu hỏi của nông dân; một số câu hỏi thuộc chức năng các bộ, ngành, Thủ tướng sẽ chỉ định các thành viên Chính phủ trả lời.

Những năm gần đây, nông nghiệp liên tục phát triển ổn định, thể hiện rõ nét ở con số ấn tượng. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục, hơn 36 tỷ USD; xuất siêu trên 8,5 tỷ USD và năm 2018 đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD. Làm nên kỳ tích Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu về nông sản là công sức của 11 triệu hộ nông dân với 24 triệu lao động trực tiếp trong cả nước, bằng tinh thần vượt khó, sự sáng tạo, lao động miệt mài “một nắng hai sương”.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Cty Hưng Việt.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, nông nghiệp Việt Nam còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vẫn phổ biến. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Tình trạng bị động trong sản xuất, thiếu gắn kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị, dẫn đến tình trạng “được mùa, rớt giá”, dư thừa sản phẩm, tiêu thụ khó khăn. Cuộc đối thoại này có ý nghĩa rất quan trọng, hữu ích để Chính phủ trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, từ đó, có các giải pháp tháo gỡ để khơi dòng động lực, phát huy sự sáng tạo của nông dân trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới.

* Cùng ngày, trước khi dự Hội nghị, Thủ tướng đã đến thăm, tặng quà gia đình thương binh Trần Quốc Hanh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương; thăm cơ sở sơ chế, đóng gói bảo quản rau củ quả Hưng Việt, một mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu của nông dân tỉnh Hải Dương. Hưng Việt là đơn vị đầu tiên trong vùng làm hoàn chỉnh các khâu từ trồng, thu mua, phân size, đóng gói đến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

 

Tại buổi đối thoại, nông dân Nguyễn Thị Thêu ở Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đề nghị nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi không thuộc diện được hỗ trợ học nghề, Chính phủ cần xem xét hỗ trợ đào tạo, đặc biệt là các nhóm nghề nông nghiệp cho nông dân trong độ tuổi này. Nông dân Đinh Công Bắc ở tổ 4, phường Chiềng Sinh (Sơn La) đề nghị Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp, tiếp tục triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp trên diện rộng và ưu tiên hỗ trợ phí bảo hiểm cho nông nghiệp; điều chỉnh lại các quy định phức tạp về bồi thường thiệt hại khi người nông dân gặp phải thiên tai, dịch bệnh như trong thời gian thực hiện thí điểm vừa qua.

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời các câu hỏi của các đại biểu. Ảnh: Thành Chung

 

Trao đổi về các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích trí thức trẻ về nông thôn, cơ sở; một số người đã thành công; số lượng lớn nông dân được hỗ trợ đào tạo nghề, có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống phát triển. Việc đào tạo nghề phải bảo đảm các tiêu chí về độ tuổi, nhu cầu sử dụng lao động, do đó Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tiếp tục tập trung cùng tháo gỡ vấn đề này cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Về bảo hiểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước hiện nay là tập trung vào lực lượng chính là nông dân và lao động phi chính thức. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chúng ta hoàn toàn có thể hỗ trợ được theo hình thức Nhà nước, nhân dân cùng tham gia. Nếu 2 đối tượng này cùng tham gia chúng ta mới đạt được mục tiêu bảo hiểm toàn dân.

Về vấn đề này, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cũng khẳng định, chính sách bảo hiểm cho nông dân là chính sách tốt, hỗ trợ nông dân khi về già, tuy nhiên, hỗ trợ bao nhiêu là phải căn cứ vào sự phù hợp của ngân sách quốc gia. Thời điểm này là 30% là phù hợp với ngân sách nhà nước. Đồng chí cũng mong các hộ nông dân tích cực tham gia vào chương trình lương hưu cho nông dân Việt Nam, ít nhiều tích góp để có nguồn lương khi về già.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh