“Cần nhiều bài báo sắc sảo, chuyên sâu về các lĩnh vực của ngành LĐ-TB&XH…”
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 12:56 - 21/06/2015
* Thưa Thứ trưởng, được giao phân công phụ trách khối báo chí xuất bản của ngành LĐ-TB&XH, Thứ trưởng có nhận xét gì về hoạt động truyền thông của các cơ quan báo, tạp chí của ngành trong những năm gần đây?
- Theo phân công của Bộ trưởng, tôi theo dõi một số lĩnh vực của Bộ, trong đó có khối báo chí của ngành. Tuy nhiên, trước đó, ở cương vị Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ, tôi cũng thường xuyên xử lý các công việc liên quan đến thông tin, báo chí viết về Ngành LĐ-TB&XH, trong đó có Báo LĐ&XH, tạp chí LĐ&XH, Tạp chí GĐ&TE. Phải khẳng định rằng trong nhiều năm qua, các cơ quan báo chí cả nước nói chung, trong đó có các báo, tạp chí của Bộ LĐ-TB&XH đã quan tâm thông tin, tuyên truyền nhiều về chính sách do ngành LĐ-TB&XH tham mưu để Quốc hội, Chính phủ ban hành. Thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí cũng rất đa chiều, có nhiều bài viết chuyên sâu, phân tích bình luận về các vấn đề, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH, đặc biệt là các mảng xã hội như: Chăm sóc người có công, giảm nghèo, xuất khẩu lao động, phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em…
Với các báo, tạp chí của ngành, tôi cho rằng trong nhiều năm qua đã có nhiều cố gắng bám sát, tuyên truyền kịp thời về các lĩnh vực của Bộ, đặc biệt các vấn đề cần tập trung chỉ đạo trong từng giai đoạn. Đối với Báo LĐ&XH đã có nhiều đổi mới trong việc tiếp cận thông tin ngay từ khi các đơn vị chức năng của Bộ nghiên cứu, soạn thảo chính sách mới. Một số phóng viên của Báo có trình độ, tư duy phản biện các chính sách khá sắc sảo. Bên cạnh đó, Báo đã có nhiều tiến bộ trong hình thức gồm cả báo in và trang thông tin điện tử nên đã cung cấp thông tin đến bạn đọc và tiếp nhận phản hồi chính sách của Bộ được nhanh chóng, kịp thời.
* Hiện nay, các chính sách do Bộ LĐ-TB&XH soạn thảo, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành được các cơ quan báo chí, trong đó có Báo LĐ&XH, tập trung tuyên truyền tích cực. Thứ trưởng cho biết, sự phản hồi thông tin đa dạng, nhiều chiều từ các cơ quan báo chí, giúp lãnh đạo Bộ nắm bắt, điều chỉnh chính sách như thế nào?
- Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH luôn luôn quan tâm đến thông tin, tuyên truyền của báo chí về các lĩnh vực của ngành. Trong hoạt động chỉ đạo, điều hành công việc xây dựng và thực hiện các chính sách của Bộ, khi kết luận một lĩnh vực nào đó, Bộ trưởng đều lưu ý công tác thông tin, tuyên truyền. Nói như vậy để thấy rằng một chính sách chuẩn bị hoặc mới ban hành được triển khai có đi vào cuộc sống hay không, được dư luận xã hội đón nhận hoặc phản hồi như thế nào thì vai trò của cơ quan báo chí là rất quan trọng
Trong thời gian vừa qua, Bộ thường xuyên yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ chủ động trả lời, cung cấp thông tin, đối thoại với báo chí, làm sao để thông tin đầy đủ, chính xác nhất về lĩnh vực của ngành đến người dân và xã hội.
Báo chí là diễn đàn của nhân dân, quan điểm của đạo Bộ LĐ-TB&XH là luôn hoan nghênh, lắng nghe thông tin đa chiều các cơ quan báo chí và người dân về những lĩnh vực của ngành bởi chính những thông tin phản biện đúng, chính xác, kịp thời giúp Bộ nắm bắt, nghiên cứu, điều chỉnh chính sách kịp thời. Tôi cho rằng một chính sách mới được ban hành mà không hề có thông tin phản hồi từ người dân, từ cấp cơ sở và của xã hội có thể chưa hẳn là một chính sách tốt, thậm chí chưa phải là một chính sách mang tính đột phá, thúc đẩy.
Với Báo LĐ&XH, nhiều năm qua đã bám sát tuyên truyền các lĩnh vực của ngành. Tuy nhiên cần bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành để có thêm nhiều bài báo phân tích, phản biện chuyên sâu, sắc sảo hơn nữa. Tất nhiên, Báo LĐ&XH là tờ báo của Bộ nên muốn phản biện được các chính sách ban hành, trước tiên, người phóng viên phải hiểu, nắm bắt kỹ các chính sách thì mới có thể có bài viết chuyên sâu, sắc sảo mang tính thuyết phục được bạn đọc và các cơ quan quản lý, ban hành chính sách. Và muốn vậy, người phóng viên cũng đồng thời phải bám sát thực tiễn đời sống trực tiếp với người dân, người lao động để lắng nghe được ý kiến phản hồi về các chính sách một cách chính xác nhất.
* Lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Tuy nhiên, ở dưới cơ sở vẫn để xảy ra những vụ việc như bạo hành, ngược đãi trẻ em gây dư luận bức xúc. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này?
- Phải khẳng định rằng trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCS & GDTE) đã được Đảng, Nhà nước, xã hội ưu tiên quan tâm, đầu tư về mọi mặt. Đặc biệt sau khi Tháng hành động Vì trẻ em được tổ chức rộng khắp trên phạm vi cả nước, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đi vào đời sống, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001 – 2010 và 2012 – 2020, Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 – 2015 và nhiều chương trình quốc gia có liên quan đến trẻ em. Các quyền của trẻ em đã được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác BVCS & GDTE cũng còn một số tồn tại, thách thức như: Tình trạng xâm hại, bạo lực, mua bán, xao nhãng trẻ em và trẻ em vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra và gây dư luận bức xúc trong xã hội. Bên cạnh đó, sự tham gia của trẻ em vào các hoạt động xã hội và thực hiện quyền tham gia của trẻ ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa được quan tâm đúng mức.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan tặng quà trẻ em nghèo tỉnh Sơn La.
Nguyên nhân của tình trạng trên do hệ thống luật pháp, chính sách chưa đồng bộ; lĩnh vực trẻ em giao nhiều bộ, ngành, đơn vị quản lý. Trong khi đó, công tác phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ. Nhiều địa phương chưa bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác BVCS & GDTE ở cấp huyện. Ngân sách cho công tác BVCS & GDTE còn hạn chế. Truyền thông giáo dục về kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn chưa thường xuyên, cập nhật; trẻ em thiếu các kỹ năng để tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị tổn hại.
* Thứ trưởng cho biết những điểm mới trong việc sửa đổi Luật BVCSTE em sau hơn 10 năm thực hiện? Công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em được qui định như thế nào trong dự luật?
- Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật BVCS & GDTE (sửa đổi) để trình Chính phủ xem xét trong tháng 7/2015, trước khi trình Quốc hội khóa XIII cho ý kiến.
Trong dự thảo Luật, một trong các nội dung quản lý nhà nước về thực hiện các quyền trẻ em là công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, chính sách và vận động xã hội thực hiện các quyền trẻ em. Tháng hành động Vì trẻ em được tổ chức vào dịp tháng 6 hàng năm để truyền thông, vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách về các quyền trẻ em; xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch vì trẻ em; vận động nguồn lực cho trẻ em. Đây là thời điểm mà nhiều cơ quan báo chí tích cực truyền thông, tạo sự quan tâm rộng khắp của xã hội về các nội dung liên quan đến trẻ em.
Một trong những quyền cơ bản của trẻ em là quyền được tiếp cận thông tin. Để bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em, dự thảo Luật quy định cơ quan truyền thông phải bảo đảm nội dung, dung lượng, thời điểm phổ biến thông tin phù hợp với trẻ em. Thông tin dành cho trẻ em phải đa dạng, phong phú, thân thiện, phù hợp với lứa tuổi. Các sản phẩm, chương trình thông tin, truyền thông, trò chơi, đồ chơi, nghệ thuật, điện ảnh nếu có nội dung, hình thức không phù hợp với trẻ em phải ghi rõ thông tin cảnh báo hoặc độ tuổi trẻ em không được tiếp cận, sử dụng.
Trong việc xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em ở cả ba cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp, dự thảo Luật cũng quy định về các hoạt động truyền thông cụ thể, phù hợp. Trong dịch vụ phòng ngừa bảo vệ trẻ em, cần truyền thông, vận động nâng cao nhận thức về mối nguy hiểm và hậu quả của hành vi xao nhãng, xâm hại, bóc lột trẻ em. Trong dịch vụ hỗ trợ bảo vệ trẻ em, cần truyền thông, giáo dục mọi công dân trách nhiệm phát hiện, thông báo trường hợp trẻ em có nguy cơ cao hoặc đang bị tổn hại; kiến thức và kỹ năng loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em. Trong cả ba cấp độ, việc truyền thông, giáo dục, tư vấn cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em về kiến thức pháp luật, trách nhiệm, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em là rất cần thiết. Các hoạt động truyền thông này cần được triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp, trong đó có thông qua các cơ quan báo chí, các cán bộ ngành LĐ-TB & XH, nhân viên công tác xã hội các cấp.
Việc bảo đảm an toàn cho trẻ em khi sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội, mạng xã hội đúng với quy định của pháp luật cũng được quy định trong dự thảo Luật là một hình thức thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Ngoài ra, trong tình hình phát triển chung của thế giới, chúng ta cũng cần quan tâm hơn đến các quy định về bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em qua môi trường mạng và các hình thức xâm hại trẻ em trực tuyến.
Bộ TT&TT là cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và trong dự thảo Luật BVCS & GDTE (sửa đổi), Bộ TT&TT có trách nhiệm bảo đảm các quyền được tiếp cận thông tin của trẻ em theo quy định của pháp luật, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, độ tuổi phát triển và năng lực hành vi của trẻ em. Bộ TT&TT cũng có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn các cơ quan báo chí, xuất bản về các hình thức thông tin dành cho trẻ em, có trẻ em tham gia và liên quan đến trẻ em. Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan có trách nhiệm tích cực phối hợp với Bộ TT&TT để bảo đảm thực hiện quyền được tham gia và quyền phát triển của trẻ em.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!