CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 07:09

Cân nhắc trao quyền cho cơ quan thuế

Hôm nay (24-5), Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trước khi biểu quyết thông qua vào ngày 12-6.

Bảo mật ở mức nào?

Trong dự thảo luật mới nhất gửi đến các đại biểu Quốc hội, điều 27 quy định ngân hàng (NH) thương mại có nhiệm vụ, trách nhiệm cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản. Nội dung này đã được tiếp thu chỉnh lý so với ý tưởng ban đầu, theo hướng thu hẹp quyền được cung cấp thông tin tài khoản khách hàng, như số tài khoản, nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư, mã số thuế của người nộp thuế.

Đa phần ý kiến tán đồng động thái cầu thị của cơ quan soạn thảo khi đã kịp thời sửa đổi các nội dung có khả năng vi phạm quy định về bảo mật thông tin và tăng gánh nặng nhiệm vụ cho NH. Tuy nhiên, mặt trái của việc này có thể khiến ngành thuế gặp khó khi huy động các đơn vị liên quan hỗ trợ trong công tác ngăn chặn thất thu thuế.

PGS-TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và Hải quan thuộc Học viện Tài chính, đặt câu hỏi: Với quy định NH thương mại chỉ cung cấp số hiệu tài khoản của người nộp thuế thì có đồng nghĩa với việc NH không có trách nhiệm cung cấp thông tin các giao dịch thanh toán hay không? Trong khi đó, có những trường hợp nhạy cảm, trong các vụ án trốn thuế nghiêm trọng, việc truy xuất thông tin lại rất cần thiết. "Thừa nhận là cần bảo đảm bí mật thông tin khách hàng nhưng bí mật trong phạm vi nào lại là vấn đề cần xem xét. Cơ quan thuế nghi ngờ giao dịch của người nộp thuế thế nào thì hoàn toàn có thể yêu cầu NH cung cấp thông tin trong giới hạn nhất định" - ông Trường nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP HCM, cho rằng NH có trách nhiệm nhất định trong việc cung cấp một số thông tin khách hàng khi được cơ quan có thẩm quyền đề nghị hoặc cho phép. "Tuy nhiên, khi thực hiện phải có quy chế rõ ràng để phân định trách nhiệm của cơ quan thuế và NH tới đâu. Theo tôi, từ cấp cục trưởng cục thuế trở lên mới được quyền yêu cầu NH cung cấp thông tin. Việc cung cấp những đầu mục thông tin nào cũng cần quy định rõ, không phải muốn yêu cầu cung cấp bao nhiêu cũng được. Nguyên tắc là vấn đề bảo mật thông tin phải được đề cao, nếu mở rộng cung cấp nhiều quá thì có thể vi phạm Hiến pháp" - ông Nghĩa lưu ý.

Quản lý thương mại điện tử còn rối

Cũng liên quan đến trách nhiệm của NH, dự luật quy định NH có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.

Chuyên gia tài chính - NH Nguyễn Trí Hiếu đồng tình với điều khoản này của dự thảo luật, bởi theo ông, dù khó thực hiện được hiệu quả đối với những cá nhân, đơn vị cố tình trốn thuế nhưng vẫn cần có quy định pháp luật làm cơ sở để xử lý chung trong mọi tình huống. Ông Hiếu chỉ rõ: "Có luật chưa chắc đã thi hành nhưng nếu không thì sẽ để lại khoảng trống pháp luật quá lớn. Thực tế, NH không thể thu được thuế nếu như cá nhân, đơn vị không khai báo có thu nhập thông qua giao dịch TMĐT và cơ quan chức năng không chứng minh được nguồn gốc thu nhập đó từ TMĐT. Tuy vậy, đặt vấn đề NH hỗ trợ ngành thuế trong việc truy tìm các nguồn thu thuế bị trốn tránh thì hoàn toàn hợp lý".

Ông Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý quy định "khấu trừ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT có phát sinh thu nhập từ Việt Nam" cũng cần bảo đảm tính tương thích, liên kết với quy định của thế giới, tránh vi phạm pháp luật thế giới cũng như Hiến pháp Việt Nam về bảo vệ tài sản cá nhân. Nếu khấu trừ sai, phải có biện pháp bồi thường cả gốc, lãi với khoản khấu trừ đó, đồng thời bồi thường cả tổn thất về tinh thần. Như vậy, cá nhân, đơn vị mới yên tâm khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh