Cần lắm môi trường du lịch không khói thuốc
- Sức khỏe
- 21:19 - 14/08/2017
Bức tranh về thực trạng sử dụng thuốc lá
Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc là 47,4%. Trong giới trẻ độ tuổi 15 đến 24, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới là 26,1% và nữ giới là 0,3%. Nước ta hiện có khoảng 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Tỷ lệ hút thuốc thụ động tại các nhà hàng là 84,9%. Điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13 đến 15 tuổi năm 2014 cho thấy 47,7% phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà; 66,5% học sinh phơi nhiễm với khói thuốc tại địa điểm công cộng trong nhà.
Tác hại của việc hút thuốc lá
Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó khoảng 69 chất gây ung thư. Các hóa chất này khi vào cơ thể, tác động lên tế bào, gây viêm mạn tính, biến đổi tế bào dẫn đến loạn sản rồi ác tính hóa. Nicotine trong khói thuốc lá là chất được cơ quan kiểm soát Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) xếp vào nhóm các chất có tính dược lý gây nghiện tương tự như heroin và cocain. Với các thành phần độc tính, khói thuốc lá đã được khoa học chứng minh là một trong các nguyên nhân gây ra hơn 25 căn bệnh khác nhau như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch... (xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, nhồi máu cơ tim...) và các bệnh về hô hấp. Sử dụng thuốc lá là một trong các nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây.
Cuộc diễu hành có thông điệp: “Phụ nữ và trẻ em có quyền sống trong môi trường không khói thuốc”.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời.
Môi trường không khói thuốc sẽ thu hút khách du lịch
Để góp phần giảm thiểu hành vi hút thuốc lá, bảo vệ sức khỏe trong cộng đồng, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Quỹ PCTHTL - Bộ Y tế) đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền đến người dân về những tác hại của hành vi hút thuốc lá, những điểm công cộng bị cấm hút thuốc lá, cách cai nghiện thuốc lá… Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin chuyển đến độc giả những nét chính mà Quỹ PCTHTL hướng dẫn các khách sạn, nhà hàng, các điểm du lịch thực hiện môi trường du lịch không khói thuốc.
Xây dựng môi trường không khói thuốc tại khách sạn
Khách sạn là nơi thu hút khách tới thuê để nghỉ ngơi. Vì thế rất cần một không gian an toàn, sạch đẹp, trong lành. Đa số khách hàng, kể cả những người hút thuốc đều không muốn ở trong một căn phòng cũng như các sảnh có mùi hôi của khói thuốc. Để thu hút khách du lịch, các khách sạn lớn hầu như đều đã cam kết xây dựng khách sạn không khói thuốc lá với các tiêu chí sau:
- Có biển báo “Cấm hút thuốc lá” tại các địa điểm cấm hút thuốc lá trong khách sạn như: Sảnh khách sạn, phòng nghỉ, hành lang, cầu thang, phòng ăn, phòng làm việc, các khu vực trong nhà khác của khách sạn.
- Có nơi dành riêng cho người hút thuốc. Nơi dành riêng phải đảm bảo các điều kiện: Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát; có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
- Không có hiện tượng mua, bán thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc.
- Không trưng bày, sử dụng tên, nhãn hiệu, biểu tượng thuốc lá với các sản phẩm, dịch vụ khác.
- Không có hiện tượng hút thuốc và đầu mẩu thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc lá.
- Không có việc quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị các sản phẩm thuốc lá dưới mọi hình thức.
- Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá: Quán bar, karaoke, vũ trường.
TS. Lương Ngọc Khuê (phải), Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá diễu hành xe đạp tuyên truyền không hút thuốc lá.
Về phía khách sạn:
- Tập huấn cho nhân viên về tác hại của thuốc lá, kỹ năng nhắc nhở khách không hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm hút thuốc.
- Duy trì việc truyền thông về tác hại của thuốc lá và quy định cấm hút thuốc.
- Có chính sách khen thưởng, khuyến khích đối với nhân viên khi thực hiện tốt nội quy hoặc khi bỏ hút thuốc lá.
Xây dựng môi trường không khói thuốc tại nhà hàng
Ý nghĩa: Đa phần khách đến nhà hàng ăn uống đều muốn hít thở bầu không khí trong lành. Vì vậy, những nhà hàng không có khói thuốc lá sẽ tạo ấn tượng tốt với khách về một phong cách dịch vụ văn minh, đồng thời tạo cho khách hàng thấy chủ nhà hàng quan tâm tới sức khỏe nên họ sẽ còn lui tới. Về phía nhà hàng, không có khói thuốc lá sẽ thu hút nhiều khách hàng, góp phần tăng doanh thu; giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh, giảm số ngày nghỉ ốm của nhân viên do các bệnh liên quan đến hút thuốc và hút thuốc thụ động, vì vậy sẽ góp phần hạn chế sự suy giảm năng suất lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên đang hút thuốc có động cơ từ bỏ thuốc lá.
Tiêu chí thực hiện “Nhà hàng không khói thuốc lá”
Tại nhà hàng, có nội qui hoặc biển báo “Cấm hút thuốc” treo ở vị trí dễ quan sát; có nhân viên thường xuyên nhắc nhở khách hàng nếu thấy hút thuốc trong phòng ăn; không có các hoạt động mua, bán, quảng cáo, khuyến mại và tiếp thị các sản phẩm thuốc lá trong nhà hàng dưới mọi hình thức; nhắc nhở hoặc phạt đối với nhân viên có hành vi hút thuốc lá trong nhà hàng; không có hiện tượng hút thuốc lá trong nhà hàng; không có gạt tàn, đầu mẩu thuốc lá trong nhà hàng; đào tạo cho nhân viên các kỹ năng ứng xử khi có hành vi hút thuốc trong nhà hàng.
Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng có các tiêu chí xây dựng nơi làm việc không khói thuốc lá giống như tiêu chí tại các nhà hàng, khách sạn.