Cần Giờ... khởi sắc
- Huyệt vị
- 14:31 - 28/06/2015
Đường mới ở Cần Thạnh.
Trên phà Bình Khánh.
Giờ đây đến Cần Giờ, dù vẫn phải qua phà Bình Khánh, nhưng chỉ khoảng một giờ đồng hồ là tới nơi. Được thế là nhờ thành phố đầu tư xây dựng tuyến đường ven Rừng Sác đến trung tâm huyện rất hiện đại. Và cũng nhờ vậy, Cần Giờ đã có sự đổi thay đến ngỡ ngàng. Trong chiến tranh, vùng đất này đã phải hứng chịu trên 2 triệu tấn đạn bom, hơn 4 triệu galông chất độc hóa học, trong đó có trên 665.000 galông chất độc da cam, làm 40.000ha rừng ngập mặn bị hủy diệt. Có chuyên gia kinh tế nhận định, phải hàng trăm năm nữa may ra vùng đất này mới trở lại bình thường. Vậy mà chỉ sau 40 năm giải phóng, Cần Giờ đã trở thành lá phổi xanh của thành phố, trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Đảo khỉ.
Cần Giờ đã trở thành một điểm du lịch lôi cuốn du khách không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà cả du khách các địa phương khác. Đến đây, du khách không thể bỏ qua đảo Khỉ. Nằm cách đường lộ chừng 2 cây số, nơi đây không chỉ có nhà trưng bày, giới thiệu những kỷ vật, chứng tích của Đoàn đặc công Rừng Sác mà còn là nơi sinh sống bán tự nhiên của hàng ngàn chú khỉ và cá sấu. Khỉ ở đây rất nhiều loại vì sống bán hoang dã nên chúng khá thân thiện với con người. Khi được cho ăn chúng rất hiền lành, nhưng lại sẵn sàng giật đồ hay trêu chọc du khách khi có cơ hội. Những người nhát sẽ cảm thấy ngại khi đi thăm quan suối cá sấu trên những cây cầu gỗ vì chúng ở rất gần, còn những ai ưa cảm giác mạnh lại thật thích thú khi cho cá sấu ăn bằng cần câu. Ở khu du lịch Vàm Sát, du khách ngồi trên xuồng được bọc bằng lưới B40 và buông câu chờ cá sấu. Trò giải trí này rất an toàn và rất hấp dẫn. Biển Cần Giờ không đẹp, nước không trong như biển Vũng Tàu, Nha Trang nhưng bù lại sóng biển lặng, bãi cát bằng phẳng và mịn màng rất phù hợp cho các trò chơi tập thể. Đồ ăn ở Cần Giờ rất phong phú, gồm các loại hải sản tươi sống như tôm, cua, ốc, ghẹ... Đặc biệt nhất là món tôm, cua nướng và ba khía trộn gỏi. Những trái dừa nước, hũ tôm chua, hay mật ong rừng là đặc sản quý hiếm của Cần Giờ.
Rừng Cần Giờ.
Cùng với du lịch, kinh tế Cần Giờ cũng rất phát triển với nhiều điểm nhấn như nuôi trồng thủy hải sản, nuôi chim yến, làm muối, trồng cây ăn trái kết hợp với du lịch nhà vườn... Sau giải phóng, hàng ngàn ha đất ở đây bị bỏ hoang hóa, nay nhờ các mô hình sản xuất thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, đất đai đã được khai thác hợp lý. Cũng vì thế số hộ nghèo của huyện trước đây chiếm trên 50% dân số, giờ hầu như không còn. Huyện đang triển khai chủ trương tăng nhanh hộ khá, hộ giàu. Ông Nguyễn Hữu Bằng ở thị trấn Cần Thạnh cho biết: Cách đây hơn chục năm, đất ở Cần Giờ rẻ như cho, giờ thì tấc đất tấc vàng. Đấy là vì trước đất chỉ để trồng lúa, đất nhiễm mặn năng suất thấp nên chả ai muốn làm. Hiện gia đình tôi đã chuyển sang nuôi tôm công nghiệp. Vừa qua huyện lại có trung tâm giao dịch thủy sản với nhiều hộ nuôi và 15 doanh nghiệp tham gia nên tôm thu hoạch xong được đem bán rất thuận tiện và không bị ép giá. Gia đình tôi cũng nhờ con tôm mà kinh tế khá giả”. Còn ông Lý Văn Thắng, ở xã Long Hòa xúc động kể: “Trước đây Cần Giờ như một ốc đảo cách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Người dân chỉ biết mò cua, bắt ốc, chọc tổ ong kiếm sống. Hàng hóa làm ra muốn đem đi tiêu thụ cũng khó, lỡ đau ốm bệnh tật gặp khi nước cạn ghe không đi được thì chỉ biết nằm chờ chết. Trẻ con phần lớn bỏ học từ rất sớm. Bây giờ thành phố cho vay vốn, hướng dẫn cách sản xuất kinh doanh, đường sá được trải nhựa thông thoáng, ban đêm có điện chiếu sáng đó là những điều cách đây hơn chục năm không ai dám nghĩ tới.
Bến thuyền.
Thạnh An, xã nghèo của huyện, xã cuối cùng của thành phố được sử dụng điện quốc gia. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã, Thạnh An được bao bọc bởi sông nước, muốn đến đây phải chờ các chuyến tàu. Gần 5.000 người dân trong xã trước đây sử dụng nguồn điện từ máy phát diezen hay pin mặt trời chủ yếu dùng cho thắp sáng và nấu cơm. Với kinh phí đầu tư 180 tỷ đồng để kéo 6km cáp ngầm qua biển, điện lưới quốc gia đã về với Thạnh An và làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của xã. Có điện các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã được mở, đời sống của người dân trong xã đã được nâng lên rõ rệt.
Hiện ở Cần Giờ có hàng trăm hộ đầu tư nuôi chim yến. Ở các xã như Long Hòa, Bình Khánh, An Thới Đông, thị trấn Cần Thạnh người dân lại đầu tư vào du lịch nhà vườn. Mô hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, luân canh trên ruộng lúa, đồng muối được triển khai rộng rãi. Huyện có trên 3000 hộ dân chuyển sang nuôi tôm với diện tích khoảng 3000 ha. Nhờ chuyển dịch hợp lý cơ cấu kinh tế nông nghiệp, những cánh đồng nhiễm mặn khi xưa giờ đây đem lại nguồn thu đáng kể cho người nông dân. Cùng với việc khuyến khích đa dạng hóa vật nuôi, hiện cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Cần Giờ cũng đang từng bước được chuyển dịch theo mô hình nông thôn mới. Thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái được Cần Giờ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Các thành phần kinh tế được khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển hoạt động kinh doanh, phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân... Nhờ vậy nhiều xã trước đây thuộc diện khó khăn giờ đã đạt hầu hết các tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, có xã như Lý Nhơn đạt 19/19 tiêu chí.
Câu cá sấu.
Cần Giờ - vùng đất chết năm xưa giờ đang trở thành điểm hẹn du lịch hấp dẫn, điểm sáng kinh tế của thành phố mang tên Bác. Về lại chiến khu Rừng Sác hôm nay không chỉ câu chuyện về những trận đánh giặc thần kỳ năm xưa mà còn có những chuyện cổ tích hiện đại, về sự thay đổi của vùng ốc đảo, từ khó khăn nghèo nàn vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no.