THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:57

Cần cụ thể hóa một số điều trong Bộ Luật Lao động sửa đổi đối với nhóm yếu thế

 

Đó là chia sẻ của nhóm thanh niên yếu thế tại Hội thảo “Quyền của người chưa thành niên trong Bộ luật Lao động (sửa đổi)" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức mới đây.

 Trẻ em yếu thế còn chịu nhiều thiệt thòi

Em Đoàn Ngọc Bảo, đại diện nhóm khuyết tật chia sẻ, lúc bé em hay bị trêu chọc, xua đuổi. Em chán chường bỏ học, xin làm ở một cơ sở tư nhân. Quá trình làm việc em không có thiết bị bảo hộ, không được hỗ trợ, tạo điều kiện lao động, em thường bị mắng mỏ vì không làm nhanh như người khác... Sau này, có cơ hội đi học ở trung tâm hỗ trợ dạy nghề cho thanh niên, Ngọc Bảo nhận thấy suốt cả quãng thời gian tuổi thơ, vốn đã thiệt thòi hơn các bạn đồng trang lứa, nhưng em cũng không được đảm bảo quyền lợi của mình theo luật định. Ngoài ra, Bảo còn phải đảm nhiệm nhiều việc nặng, chế độ lương thấp và nhiều bất công khác. Vì thế, Bảo thu mình lại, tự ti, không dám giao tiếp với mọi người xung quanh, cũng như lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho bản thân.

 

Em Đoàn Ngọc Bảo chia sẻ vấn đề lao động và việc làm dưới góc nhìn của nhóm yếu thế.

 

Còn Nguyễn Văn Tuấn, hoạt động xã hội trong cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) kể chuyện về người bạn LGBT, khi xin việc thì ông chủ từ chối không nhận hồ sơ với lý do: “Muốn làm việc ở đây thì hoặc là con trai, hoặc là con gái, nếu ở giữa như em thì khó hòa nhập. Theo Tuấn, người LGBT đang phải chịu những áp lực vô hình (bị kỳ thị, xa lánh…) và áp lực hữu hình (gặp bất công khi tiếp cận nhà vệ sinh, xin việc làm...) Đáng báo động là trẻ em LGBT dễ bị bạo lực về thân thể, quấy rối khi xin việc.

 

Em Đỗ Văn Tuấn, một người hoạt động xã hội trong lĩnh vực LGBT chia sẻ câu chuyện về những khó khăn của người đồng tính khi đi xin việc.

 

 Cần phải đặt lợi ích của các em lên trên hết

Từ những câu chuyện thực tế, đại diện cho nhóm thanh niên yếu thế đã có các khuyến nghị liên quan đến quyền của người chưa thành niên trong Bộ luật Lao động sửa đổi: Đối với trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ, tâm thần, nếu không có khả năng tiếp tục học tập thì sẽ được các cơ quan chức năng liên quan hỗ trợ các kỹ năng phục vụ nghề nghiệp, thời gian thực hành công việc liên quan dưới sự giám hộ của cha mẹ hoặc người đại diện. Trẻ vị thành niên được ký hợp đồng lao động dưới sự giám sát của cha mẹ hoặc người đại diện. Quy định rõ giới hạn ngành nghề không được sử dụng lao động trẻ em (LĐTE) như: Quán bar, karaoke, khu hầm mỏ, khai thác than, quặng... Ngoài ra, chủ sử dụng lao động phải cung cấp các công cụ, dụng cụ hỗ trợ lao động phù hợp cho người khuyết tật; đặc biệt, chủ sử dụng lao động phải cử người giám sát LĐTE trong quá trình làm việc, tạo điều kiện tài chính cũng như bố trí thời gian để LĐTE được học văn hóa và học nghề, cùng với đó LĐTE phải được khám sức khỏe định kỳ.

Về phía chính quyền địa phương có giám sát, kiểm tra việc sử dụng LĐTE tại các doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn; đồng thời phối hợp với các tổ chức đoàn thể, xã hội trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến LĐTE.  Thành lập đường dây nóng để phản ánh về sử dụng LĐTE, khuyến khích người dân tham gia phản ánh thực trạng bằng nhiều hình thức. Tăng mức xử phạt và thay đổi hình thức xử lý vi phạm sử dụng LĐTE. Mở rộng Điều 1, Khoản 8 trong bộ luật cần bổ sung “Không phân biệt đối xử trên bản dạng giới, xu hướng tính dục, thể hiện giới và trên mọi cơ sở phân biệt đối xử khác”. Cùng với đó tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với chủ sử dụng lao động, người lao động và các đối tượng liên quan. Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em ngay tại nhà trường và gia đình; tăng cơ hội, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.

Ông Đoàn Tấn Dũng, Phó giám đốc Trung tâm REACH chỉ ra rằng, nhóm lao động trẻ đặc biệt yếu thế: Khuyết tật, LGBT, nhập cư, dân tộc thiểu số… đang gặp phải một số bất cập, hạn chế và có nguy cơ bị lạm dụng. Vì vậy, ông khuyến nghị cần cụ thể hóa một số điều trong Bộ Luật Lao động bằng văn bản hướng dẫn, tăng cường vai trò của nhà nước và các tổ chức xã hội, bổ sung nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với nhóm yếu thế.

Bà Nguyễn Thị Lan Minh chuyên gia bảo vệ trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh, việc sửa đổi Bộ luật Lao động liên quan đến những lao động là vị thành niên phải cần phải đặt lợi ích của các em lên trên hết, đặc biệt là cần song hành với quy định của Luật Trẻ em và Công ước quốc tế về quyền trẻ em. “Chúng tôi mong muốn cơ quan soạn thảo phải đứng trên cơ sở tiếp cận lợi ích tốt nhất của trẻ vị thành niên, tức là vẫn tạo điều kiện để các em kiếm sống, hỗ trợ gia đình, nhưng đích đến lớn nhất vẫn là lợi ích cho các em chứ không phải cho chủ sử dụng lao động”, bà Minh nói. 

HÒA CÙ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh