Cần có ý chí cao nhất để phát triển Thừa Thiên – Huế thành đô thị di sản trực thuộc Trung ương
- Tây Y
- 01:47 - 26/10/2019
Sáng 25/10/2019, tại TP. Huế, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế tổ chức Hội thảo "Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chủ trì Hội thảo.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, ngày 25/5/2009 Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW "về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020".
Theo ông Thọ, sau 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW và 5 năm thực hiện Thông báo 175-TB/TW, Thừa Thiên Huế đã dần xác lập được vị trí là đô thị "di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường". Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Từng bước phát huy được vị thế của trung tâm văn hóa - du lịch, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo lớn của cả nước. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch đạt nhiều kết quả tích cực, đô thị Huế được công nhận là "thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam", "thành phố văn hóa ASEAN", "thành phố bền vững môi trường ASEAN", "thành phố Xanh quốc gia".
Các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, quy mô kinh tế, thu ngân sách, phát triển du lịch đều tăng khá. Hiệu quả đầu tư, năng suất lao động ngày càng gia tăng. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Liên kết vùng được chủ động thúc đẩy. Quần thể di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị. Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được nâng lên; công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo vệ môi trường luôn được chú trọng và đảm bảo.
Mặc dù vậy, Thừa Thiên Huế phát triển vẫn dưới mức tiềm năng và chưa phát huy hết vai trò, vị thế của một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ lớn của cả nước.
Đặc biệt, mục tiêu lớn nhất theo Kết luận 48 là "Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương" vẫn chưa đạt được.
Từ cơ sở những kết quả đã đạt được, Thừa Thiên – Huế đặt ra mục tiêu phấn đấu đến 2030 sẽ trở thành thành thành phố di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả và các chủ doanh nghiệp đã góp ý, "hiến kế" để phát triển Thừa Thiên – Huế trong thời gian tới. Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, Huế cần phải gắn mục tiêu phát triển với bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa, giá trị văn hóa. Dó đó, tỉnh phải xác định rõ trụ cột kinh tế là gì. Theo Tiến sĩ, Thừa Thiên – Huế cần lấy du lịch làm trụ cột, bên cạnh đó phát triển Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thành "thủ phủ" du lịch mang tầm quốc tế gắn với phát triển công nghiệp công nghệ cao, bảo vệ môi trường. Mặt khác, cần quy hoạch, phát triển đô thị Huế hiện nay với các vùng phụ cận và không nhất thiết gắn phát triển chuỗi đô thị với địa giới hành chính.
Tiên sĩ Trần Du Lịch cũng kiến nghị Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Chính trị trong việc xây dựng Nghị quyết phát triển Thừa Thiên – Huế trong thời gian tới phải có cơ chế, chính sách đặc thù để địa phương giải quyết được bài toán: bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tất Thắng, Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung thì cho rằng, cố đô Huế là tài sản quý của cả nước, "là một Hằng Nga đang nằm ngủ trong rừng". Do vậy, các Bộ, ngành Trung ương phải chung tay, giúp sức để Huế phát triển. Còn nếu cứ để cho địa phương "tự bơi" thì Huế khó mà phát triển tương xứng.
Đồng quan điểm, Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, thành viên Hội đồng di sản Quốc gia cho rằng: Cần xây dựng và thực hiện những cơ chế đặc thù cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt nói chung và di sản văn hóa Huế nói riêng; nghiên cứu xây dựng và thực hiện chiến lược khai thác kinh tế di sản. Mặt khác, cần khuyến khích việc thực hiện mô hình hợp tác công tư nhằm khai thác giá trị của kho tàng di sản theo hướng phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, cũng đã có những ý kiến làm rõ nội hàm của khái niệm thành phố di sản, vai trò của Thừa Thiên - Huế trong liên kết phát triển vùng,..của các chuyên gia; về thay đổi cơ cấu kinh tế, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đền Thừa Thiên – Huế của một số đại diện doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, Thừa Thiên Huế là một trung tâm văn hóa lớn của đất nước. Trong 10 năm qua, tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định trong quá trình phát triển, tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc xây dựng định hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới cần dựa trên những yếu tố đặc thù, lợi thế so sánh riêng có của Thừa Thiên - Huế so với những địa phương khác, đó chính là di sản văn hóa và con người Huế. Việc phát triển Thừa Thiên - Huế theo hướng thành phố di sản trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra cơ chế để huy động được nhiều hơn sự quan tâm đầu tư từ Trung ương. Phát triển phải gắn với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, xem văn hóa là nền tảng và động lực để phát triển.
Thừa Thiên - Huế phải hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; phát triển mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, công nghiệp sạch thân thiện môi trường, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Trong phần kết luận Hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh việc phải xây dựng Đề cương "Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", trong đó có mục tiêu phát triển Thừa Thiên – Huế thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương để trình Bộ Chính trị có Nghị quyết thông qua. Đó sẽ là nơi tập trung, thể hiện ý chí cao nhất; đồng thời có được sự quan tâm, vào cuộc ở tầm cao hơn để hiện thực hóa mục tiêu đề ra.