Đắk Nông: Cần có chính sách đặc thù cho huyện nghèo Đắk Glong
- Tra cứu phẫu thuật
- 22:00 - 06/07/2015
Huyện Đắk Glong có 7 đơn vị hành chính cấp xã với 58 thôn bon, trong đó có 6/7 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn gồm các xã Đắk Som, Đắk Plao, xã Đắk R’Măng, Đắk Ha, Quảng Sơn và xã Quảng Hòa; 1/7 xã thuộc diện khó khăn đó là xã Quảng Khê, trong đó có 4/11 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 11.580 hộ với 51.867 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 60,70% dân số toàn huyện.
Ảnh minh họa.
Trong các năm qua, nguồn kinh phí thực hiện đề án giảm nghèo nhanh và bền vững của Nhà nước tập trung đầu tư cho Đắk Glong là gần 680 tỷ đồng, đầu tư cho 81 hạng mục công trình. Trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương 476 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 100 tỷ đồng. Ngoài ra đã còn vận động nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất làm các công trình và huy động của các tập đoàn kinh tế, các công ty, doanh nghiệp đóng góp 103,96 tỷ đồng.
Nhờ vậy mà kết quả thực hiện giảm nghèo ở huyện Đắk Glong cơ bản đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hằng năm giảm bình quân trên 5%; thu nhập bình quân của người dân tại huyện và thu nhập bình quân của hộ nghèo đều tăng qua các năm (thu nhập bình quân của người dân tại huyện từ 9,3 triệu đồng/người/năm năm 2010, đến nay tăng lên 16,05 triệu đồng/người/năm, và thu nhập bình quân của hộ nghèo năm 2010 là 3,12 triệu đồng/người/năm, đến nay tăng lên 4,43 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên, theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông, hàng năm nguồn kinh phí trung ương hỗ trợ cho huyện còn quá ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, trong khi huyện Đắk Glong là một huyện nghèo, kinh tế - xã hội còn chậm phát triển, nguồn lực huy động trong dân, trong các tổ chức xã hội, trong các doanh nghiêp rất hạn chế. Nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng lại dàn trải cho nhiều chương trình nên hiệu quả không cao. Hệ thống thủy lợi, hồ đập phục vụ nhu cầu tưới tiêu của người dân chưa được đầu tư đúng mức, diện tích cây trồng đặc biệt là cây cà phê không đủ nước tưới về mùa khô khá lớn, đã gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân.
Để thực hiện tốt hơn nữa chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tại huyện Đắk Glong, theo UBND tỉnh Đắk Nông, trong thời gian tới đề nghị Trung ương có chính sách giảm nghèo phù hợp hơn. Như các chính sách nhỏ lẻ về hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo (30.000đ/tháng/hộ), chính sách hỗ trợ cây, con giống (8-10 cây giống/hộ/năm, con gà/vịt) và các chính sách nhỏ lẻ khác… nên có cơ chế tổ chức thực hiện phù hợp hơn để mang lại hiệu quả cao hơn. Huyện Đắk Glong là huyện vùng sâu vùng xa, khó khăn về mọi mặt, cần có sự quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện như những huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, đề nghị Chính phủ điều chỉnh bổ sung cho huyện Đắk Glong vào diện huyện nghèo được hưởng đầy đủ cơ chế chính sách như Nghị quyết 30a của chính phủ.
Tăng cường kinh phí đầu tư của Nhà nước vào các lĩnh vực để đảm bảo quy mô và chất lượng công trình, từ đó phát huy tốt hiệu quả của công trình. Điều chuyển các dự án, chương trình đầu tư nhỏ lẻ để tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế. Tăng kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng hàng năm theo kế hoạch Đề án giảm nghèo nhanh bền vững giai đoạn 2011-2015 đã được phê duyệt. Hiện nay vốn đầu tư 3 năm chỉ đáp ứng được 1/6 nhu cầu vốn thực tế vốn của Đề án (năm 2012 là: 27,5tỷ; năm 2013 là: 23,5 tỷ, năm 2014 la 25,3 tỷ, năm 2015 là 20,4 tỷ đồng) thì địa phương không có điều kiện hoàn thành kế hoạch giảm nghèo như Đề án đã lập.
Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, hồ đập đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của người dân trong sản xuất nông nghiệp; đầu tư xây dựng hế thống lưới điện phục vụ người dân trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất. Tăng lượng vốn vay, mở rộng loại hình cho vay để các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có thêm điều kiện được vay vốn ổn định sản xuất và đời sống. Phải có cơ chế đặc thù thì mới phát huy được chính sách ưu tiên đối với hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số về y tế, giáo dục - đào tạo, việc làm, dạy nghề, nhà ở, đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ phát triển kinh tế.