CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:14

Cần có chế tài chặt để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”

2 phương án cho đấu giá nợ xấu

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, VAMC có thể thực hiện cơ cấu lại khoản nợ xấu, hỗ trợ khách hàng vay, thỏa thuận với khách hàng vay về việc chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần để tham gia cơ cấu lại tài chính và hoạt động của khách hàng vay, bán nợ cho các tổ chức, cá nhân...

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật đấu giá tài sản

“Tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua được xử lý theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì tài sản bảo đảm được bán đấu giá thông qua tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp hoặc VAMC tự bán đấu giá phù hợp với các quy định của pháp luật và bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch”, ông Thanh cho hay.

Nhưng về việc đầu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu còn các loại ý kiến khác nhau. Do vậy, UBTVQH đề xuất 2 phương án.

Phương án 1, quy định một số nguyên tắc về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được thực hiện theo trình tự, thủ tục phù hợp với tình hình thực tiễn xử lý nợ xấu nhưng vẫn phải đồng thời tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Luật đấu giá tài sản một cách công khai, minh bạch, chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền.. “Dự thảo Luật đấu giá tài sản hiện đang trình QH theo phương án 1”, ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

Phương án 2, không quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại dự án Luật này để đảm bảo cơ chế thị trường và nguyên tắc đấu giá theo quy định của Luật này. Sau đó, sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 53/2013/NĐ-CP theo tinh thần của Luật này nhằm tránh các hệ lụy pháp lý về mặt tài chính sau khi xử lý nợ và đảm bảo tính phổ quát của Luật.

 

Còn nhiều ý kiến trái chiều

Thảo luận tại hội trường, nhiều ĐB bày tỏ sự đồng tính với phương án 1 đã được thể hiện trong dự thảo. ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh), cho rằng, quy định như vậy sẽ tạo hành lang pháp lý đủ rõ góp phần xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo nhanh chóng hiệu quả hơn, sớm lành mạnh hóa hệ thống tín dụng và nền kinh tế.
Theo ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang), việc quy định VAMC được đấu giá nợ xấu có tài sản đảm bảo là hợp lý vì thời gian qua việc xử lý chậm, trong khi đây là nguồn lực quan trọng có thể phát huy để phát triển kinh tế. “Quy định này cũng cần thiết vì việc xử lý nợ xấu hiện nay được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật nên tính ổn định chưa cao và chưa mang tính thị trường”, ĐB Lâm nói.
Trong khi đó, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) không đồng tình nếu giao VAMC tổ chức thực hiện đấu giá nợ xấu. Ông Cường phân tích, khi bán tài sản dù là nợ xấu thì cũng là tài sản của Nhà nước, nên khi bán phải thực hiện qua các tổ chức đấu giá. “Nếu giao cho VAMC vừa quản lý tài sản nợ xấu, vừa bán nợ xấu thì không khác gì tạo ra sự không bình đẳng, các cơ quan khác không được bán VAMC lại được bán”, ĐB Hoàng Văn Cường nói.
ĐB Cường cũng lo ngại quy định đấu giá theo thủ tục rút gọn xảy ra tiêu cực.Vì quy trình cũng đồng nghĩa với thời gian thông báo ngắn, nhanh, tính công khai minh bạch kém. Nếu có quy định như vậy sẽ rất dễ tạo kẽ hở đưa ra giá khởi điểm để phiên đấu giá không thành công nhằm sau đó được tổ chức đấu giá theo quy trình rút gọn để trục lợi.
Không để tình trạng “quân xanh, quân đỏ”
Một vấn đề khác, nhiều ý kiến đề nghị quy định chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo đã chỉnh lý theo hướng quy định chặt chẽ hơn trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, tách bạch những vấn đề liên quan đến trước và sau khi tổ chức cuộc đấu giá...; bổ sung quy định hủy kết quả đấu giá tài sản thuộc sở hữu Nhà nước khi có căn cứ về hành vi vi phạm trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản. Đồng thời, bổ sung các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng cho biết, chúng tôi đã cố gắng đến mức tối đa quy định rõ trách nhiệm của người có tài sản bán đấu giá, của tổ chức bán đấu giá tài sản đặc biệt là quy trình ký kết hợp đồng xác định giá khởi điểm, các quy định về niêm yết một cách rất chặt chẽ, công khai … “Hy vọng với những quy định chặt chẽ trong dự án luật sẽ góp phần xử lý được tình trạng quân xanh, quân đỏ trong bán đấu giá”, người đứng ngành Tư pháp nói.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh