Phiên họp thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV: Chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá tài sản
- Tây Y
- 16:21 - 15/09/2016
Bảo vệ, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài
Dự án Luật Quản lý ngoại thương được xây dựng gồm 8 chương với 114 điều, quy định về: Các biện pháp hành chính; các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch; các biện pháp phòng vệ thương mại; kiểm soát khẩn cấp trong hoạt động ngoại thương; các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về ngoại thương…
Thảo luận về dự án Luật Quản lý ngoại thương, các đại biểu cho rằng, hoạt động ngoại thương trong thời gian qua diễn ra sôi động và có đóng góp nhất định cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; song chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này còn một số điểm chưa hoàn chỉnh, cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể là Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa thể hiện rõ yêu cầu hội nhập, công tác quản lý nhà nước về ngoại thương chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Cơ chế quản lý ngoại thương hiện hành đang tạo ra những rào cản về thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ phát triển hoạt động ngoại thương cần những cơ sở pháp lý ở mức cao, nhằm thể hiện quan điểm hỗ trợ ngoại thương của Nhà nước, Chính phủ để tận dụng tối đa các ưu thế, ưu đãi trong các khuôn khổ thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam là thành viên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên thảo luận.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị trong quá trình xây dựng dự án luật cần hết sức quan tâm làm rõ mối quan hệ của Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan cũng như làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; hết sức chú ý đến xây dựng các quy định về thúc đẩy phát triển các dịch vụ ngoại thương; các biện pháp phòng vệ thương mại tương thích với các điều ước, quy định quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết.
Đồng quan điểm nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, cần có quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương, tránh tình trạng quản lý không thống nhất, chồng chéo, thiếu đầu mối, thiếu phối hợp, trách nhiệm không rõ ràng cũng như cần có các biện pháp thiết thực để bảo vệ, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, tránh tình trạng bị o bế, chèn ép. Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo luật để bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu...
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đề nghị, cần nghiên cứu kỹ chính sách phát triển thương mại biên giới của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam; tăng cường sự hỗ trợ từ Trung ương tới địa phương đối với thương mại qua đường biên giới; hướng tới cuộc sống dân sinh, bảo đảm cuộc sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Công khai, minh bạch trong hoạt động đấu giá
Luật Đấu giá tài sản gồm 8 chương với 79 điều, quy định cụ thể về tài sản đấu giá; nguyên tắc đấu giá tài sản; các hành vi bị nghiêm cấm; đào tạo nghề đấu giá; cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá; đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản; cung cấp thông tin về nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản; quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; xử lý vi phạm, hủy kết quả đấu giá, bồi thường thiệt hại; quản lý nhà nước về đấu giá tài sản...
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị phải có các quy định chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản.
Ngoài ra, Ban soạn thảo cần tiếp tục cân nhắc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản đối với chứng khoán và tài sản Nhà nước ở nước ngoài để bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất; đồng thời đề nghị bổ sung điều chỉnh Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản khi chưa tiến hành chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề xuất, cần có các quy định rõ về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trong đó quy định đầy đủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý nợ xấu nhằm bảo đảm tính minh bạch. Bên cạnh đó, phạm vi áp dụng của luật cũng nên bao quát hoạt động đấu giá tài sản của doanh nghiệp, người nước ngoài ở Việt Nam khi các cá nhân, tổ chức nước ngoài có nhu cầu. Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản....
Về trình tự, thủ tục đấu giá, cách thức tổ chức đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho rằng, cần phải quy định hết sức chặt chẽ; bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong đấu giá; tránh tình trạng dàn xếp; “quân xanh”, “quân đỏ”... Trong đấu giá cần luôn đặt lợi ích của tập thể lên cao nhất, nhất là đối với hoạt động đấu giá vì mục đích từ thiện...
Ngoài ra, vấn đề về giám định giá tài sản; hoạt động của trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản; thù lao dịch vụ đấu giá tài sản; tố cáo về hoạt động đấu giá tài sản; bồi thường thiệt hại khi kết quả đấu giá bị hủy; đấu giá đối với tài sản là chứng khoán; những tài sản liên quan đến lĩnh vực an ninh - quốc phòng... cũng là những vấn đề lớn được nhiều đại biểu đề cập, góp ý kiến.
Giải trình thêm về những ý kiến nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, cơ quan soạn thảo đã cố gắng đến mức tối đa để có quy định chặt chẽ; rõ ràng. Về Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, ông Long cho biết, ngoài việc mua bán thông thường thì còn thực hiện nhiệm vụ Nhà nước, trong đó có cái mà không phải doanh nghiệp nào cũng quan tâm. Quy định theo hướng đi đến đích là xã hội hoá và cần có giai đoạn để chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp, hoạt động theo cơ chế tự chủ. Do đó sẽ nghiên cứu thiết kế thêm một điều về vấn đề này.