THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:40

Cán bộ Việt không dám tham nhũng: Bài học từ Singapore

 

Bài học Singapore

Sáng 27/10, tại hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá 10) về phòng, chống tham nhũng, lãng phí,  Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã đề cập đến việc thay đổi luật để cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia khẳng định, đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn.

Theo PGS.TS Tri, vấn đề phòng, chống tham nhũng của chúng ta thời gian qua dù được tiến hành, nhưng chưa thật sự hiệu quả. Các con số báo cáo về xử lý tham nhũng vẫn còn quá thấp, khiến người dân chưa thật sự đồng tình. Vì vậy để giải quyết tốt vấn đề này thì việc thay đổi luật là cần thiết.

“Tôi rất đồng ý với chủ trương của Phó Thủ tướng. Bây giờ chúng ta phải bổ sung thêm các điều quy định rất cụ thể, chặt chẽ để công chức không dám, không muốn và không thể tham nhũng.

Thứ nhất là phòng, tức là để cho người ta không thể tham nhũng được. Thứ hai có kỷ luật chặt chẽ, chính xác và nghiêm túc hơn, thậm chí các chế tài phải mạnh mẽ để cán bộ, công chức không dám nữa. Đồng thời cũng phải có cơ chế cải cách tiền lương để làm thế nào người lao động đảm bảo được cuộc sống trung bình khá để không nảy sinh ý muốn tham nhũng. Ba cái này chúng ta đang rất thiếu. Chỉ khi chúng ta giải quyết được các vấn đề này thì Việt Nam mới có thể mơ đến những mục tiêu trên”, PGS.TS Tri nói.

Nếu giải quyết được vấn đề bổ nhiệm cán bộ cũng như tiền lương tương thì chắc chắn công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta sẽ hiệu quả. Ảnh minh họa

Đã từng trực tiếp sang Singapore nhiều lần và nghiên cứu cụ thể về công tác phòng, chống tham nhũng tại quốc gia này, PGS.TS Tri khẳng định, Việt Nam dù có quyết tâm nhưng sẽ không dễ dàng có thể đạt tới mục tiêu này.

Theo vị chuyên gia, ở Singapore họ áp dụng nhiều biện pháp tổng thể và cơ chế tự chịu trách nhiệm rất cao nên việc cán bộ, công chức nhà nước có biểu hiện tham nhũng sẽ nhanh chóng bị phát hiện và xử lý.

Ông phân tích cụ thể: “Đầu tiên, Singapore giải quyết triệt để vấn đề về thu nhập, tức là công chức sống được bằng lương và đảm bảo cuộc sống gia đình.

Thứ hai, họ giải quyết chế tài rất chặt chẽ, buộc công chức phải thực hiện. Quan điểm của họ, công dân là khách hàng của công sở, vì vậy mà phải coi họ như thượng đế. Và nếu cán bộ nào vi phạm thì xử lý rất nghiêm minh.

Thứ ba, vấn đề chịu trách nhiệm ở Singapore cũng rất cao. Một người được Nhà nước tuyển vào công chức, quan chức  thì hàng tháng buộc phải trích một tỷ lệ tiền lương nhất định để gửi quỹ tiết kiệm. Lúc đầu là 5%, sau đó tăng dần theo tỷ lệ tăng lương và cấp bậc. Số tiền đó do Ngân hàng Nhà nước quản lý theo hồ sơ cán bộ công chức. Nhưng khi nghỉ hưu, số tiền ấy thuộc quyền sở hữu của công chức đó. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc nếu phát hiện ra tham nhũng thì ngoài việc bị đuổi việc ra, số tiền đó sẽ được truy thu vào ngân sách nhà nước”.

Bên cạnh đó, PGS.TS Tri còn thẳng thắn chỉ ra vấn đề kê khai tài sản cá nhân của Singapore rất công khai, minh bạch. Các cán bộ công chức, viên chức nhà nước hàng năm phải kê khai đầy đủ tài sản từ tiền lương, tiền gửi tiết kiệm, trang sức cá nhân, hay ô tô, nhà cửa.

“Đối với số tài sản tăng lên so với năm trước thì những cán bộ này phải giải trình rõ nguồn gốc hợp pháp. Nếu không giải trình rõ được nguồn gốc thì có thể bị coi là do tham nhũng và sẽ bị trưng thu vào tài sản chung. Điều này sẽ khiến công chức không dám tham nhũng và nếu có muốn cũng rất khó”, PGS.TS Tri nêu ví dụ.

Việt Nam khó thực hiện

Từ những phân tích trên và đối chiếu với Việt Nam, PGS TS Trí cho rằng, Việt Nam sẽ không thể làm được như Singapore trong điều kiện hiện nay. Vấn đề cần thiết hiện nay đó là phải đặt ra những biện pháp cụ thể để thay đổi bản chất công chức, viên chức nhà nước.

“Tôi nghĩ vấn đề tiền lương là rất quan trọng. Tuy nhiên nguồn ngân sách nhà nước của chúng ta đang gặp khó khi nợ công cao, các chi phí phúc lợi xã hội cũng rất lớn.

Chúng ta thường nói công chức được hưởng lương tương xứng với năng lực. Nhưng tương xứng này hiểu theo nghĩa nào? Tương xứng trong nội bộ hay tương xứng đối với ngoài xã hội. Chỉ khi đồng lương cán bộ, công chức nhận được tương xứng với công sức và năng lực họ bỏ ra thì mới hi vọng họ không còn tư tương tham nhũng nữa”, ông Tri đặt vấn đề.

Ngoài ra, vị PGS TS cũng nhấn mạnh đến việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, đưa ra những quy định rõ ràng để ràng buộc và tự chịu trách nhiệm.

“Đặc biệt, vấn đề kê khai tài sản cần phải thay đổi. Bây giờ không thể làm đại trà như hiện nay được. Tôi nghĩ chỉ cần chọn ra cấp và những vị trí có tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng thì mới kê khai thôi. Sau khi có kết quả thì công khai trước công chúng, dư luận theo luật để giám sát, phản biện. Chứ bây giờ chúng ta kê khai cả triệu người để làm gì?.

Ngoài ra, hệ thống của chúng ta hiện nay vẫn tạo ra kẽ hở do cơ chế và không xử lý được. Ví dụ trong Luật cán bộ công chức của chúng ta thì 4-5 cơ quan quản lý chứ không chỉ có 1 cơ quan.

Vì thế không thể đảm bảo tính thống nhất từ Trung ương đến cơ sở được. Do đó, muốn Việt Nam làm được như Singapore thì cần một hệ thống quản lý bằng luật pháp của chúng ta cao hơn nữa, thêm 1 số luật nữa để cho phép người ta có thể thực hiện được và hệ thống kiểm soát tòa án của chúng ta”, PGS.TS Tri nêu giải pháp.

Thay đổi nhìn nhận về tham nhũng

Đồng tình với quan điểm trước khi đạt đến mục tiêu cán bộ không dám và không muốn tham nhũng, Việt Nam cần đặt ra những mục tiêu ngắn hạn để giải quyết triệt để từng vấn đề đang nhức nhối, vị chuyên gia khẳng định nếu chúng ta làm tốt thì chắc chắn hiệu quả phòng chống tham nhũng sẽ cao hơn hiện nay.

Theo ông Tri, những con số như 1 triệu cán bộ kê khai không ai không trung thực, hay 10 năm không phát hiện tham nhũng dù được các cơ quan nhà nước đưa ra nhưng người dân, xã hội chưa thực sự tin tưởng. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần phải nghiêm túc, công khai, minh bạch ngay trong những vấn đề nhỏ nhất của đời sống xã hội.

“Mục tiêu cán bộ không dám, không muốn và không thể tham nhũng tôi nghĩ muốn làm ngay thời điểm này rất khó. Cái này cần có lộ trình và thời gian phù hợp trong khoảng từ 20-30 năm nữa. Muốn đạt được mục tiêu lớn thì chúng ta cần giải quyết từng bộ phận riêng lẻ, chẳng hạn như làm tốt tinh giản biên chế, nâng cao đời sống cho cán bộ công chức nhà nước hay tạo môi trường để họ làm việc thuận lợi hơn. Nếu không giải quyết được những vấn đề cụ thể còn đang nhức nhối như trên, chắc chắn mục tiêu chúng ta đề ra sẽ không thực hiện được”, ông Tri nhấn mạnh.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, vị chuyên gia thừa nhận, thời gian qua, nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng của chúng ta được đánh giá vẫn còn mang tính hình thức. Vì vậy theo ông Tri, cách thức chống nham nhũng phải thay đổi để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn: dư luận đồn đoán tham nhũng khi bổ nhiệm, lựa chọn cán bộ, chạy chức chạy quyền rồi thu hồi vốn… mà kiểm tra thực tế vẫn không phát hiện tham nhũng.

“Không ai bỏ tiền ra để cho vui cả. Chắc chắn với điều kiện hệ thống pháp luật còn lỏng lẻo như hiện nay, vấn đề tiêu cực không thể tránh khỏi. Những người có năng lực, tài năng thật sự thường không muốn làm việc tại các cơ quan nhà nước vì điều kiện không thật sự thuận lợi. Trong khi đó nhiều người không có khả năng bơi trải ở ngoài xã hội thì lại muốn vào nhà nước để có một vị trí nhất định”, PGS.TS Tri nói.

Muốn thay đổi cách thức phòng chống tham nhũng, ông Tri cho rằng, chúng ta không cần tìm kiếm đâu xa, vấn đề thực tiễn nhất đó là đổi mới cách thức tuyển dụng cán bộ.

“Hiện nay việc bổ nhiệm cán bộ đều do các lãnh đạo tự sắp xếp với nhau, nên có thể xảy ra tiêu cực cũng như không tìm được người tài thật sự. Chúng ta cần thi tuyển một cách công khai theo cơ chế cạnh tranh, tiến hành tranh cử giữa các ứng viên với nhau.

Bên cạnh đó, cần định mức rõ ràng, từng vị trí, nội dung hoạt động và kết quả công việc bắt buộc phải đạt được để suy xét, đánh giá. Nếu giải quyết được vấn đề bổ nhiệm cán bộ cũng như tiền lương thì chắc chắn công tác phòng chống tham nhũng sẽ hiệu quả”, ông Tri khẳng định.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh