THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:52

Kiên quyết ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng

 

Năm 2016, tham nhũng gây thiệt hại trên 240 tỷ

Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ, do Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình bày khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý Nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân.

Hệ thống bộ máy Nhà nước, thể chế, chính sách được hoàn thiện hơn cùng với việc mở rộng công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng được đưa vào hệ thống truyền thông, giáo dục, đào tạo góp phần nâng cao nhận thức trong xã hội và tạo lập nền tảng quan trọng để hình thành văn hóa phòng, chống tham nhũng.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng

 

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng và chưa bị đẩy lùi. Công tác phòng chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều. Không ít địa phương đã thực hiện chưa tốt công tác phòng chống tham nhũng. Công tác phòng chống tham nhũng nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2016 gây thiệt hại trên 240 tỷ đồng 838m2 đất, đã thu hồi 92 tỷ 460 triệu đồng và kê biên 7 bất động sản, đạt 38,3%. Tổng cục Thi hành án dân sự đã thụ lý mới 65 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng với số tiền 646 tỷ 616 triệu đồng, đã giải quyết xong 41 vụ việc, tương ứng với số tiền 45 tỷ 605 triệu đồng.

Về việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện 49 vụ, 95 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Từ tháng 1/10/2015 đến tháng 30/9 vừa qua, các Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 257 vụ án, 710 bị can phạm tội về tham nhũng.

“Đặc biệt có 5 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng”, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Sáu, tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về tặng quà, cảm ơn để biếu xén, đưa hối lộ vì động cơ vụ lợi còn khá phổ biến. Số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện. Nguyên nhân là còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý. Trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được.

Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu, quan điểm, nội dung và giải pháp phòng chống tham nhũng đã nêu trong các Nghị quyết của Đảng và các quy định của Luật phòng chống tham nhũng; kiên quyết, kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng với những bước đi vững chắc, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm gắn với thực hiện toàn diện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…

Kiên quyết không để tham nhũng diễn biến phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn, tiến tới ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Xác định rõ phòng chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu

Trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 sáng 28/10, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp khẳng định, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy, công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng” . Nhiều tồn tại, hạn chế, kiến nghị đã được Ủy ban Tư pháp nêu từ những năm trước nhưng vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Đó là thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở; việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức và chưa hiệu quả.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra tham nhũng vẫn còn bị xem nhẹ.

Bà Nga cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2015 số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều (hơn 1 triệu người), tỷ lệ bản kê khai được công khai cũng rất cao (993.127 bản), số trường hợp xác minh tài sản là 414 người, nhưng không phát hiện ra vi phạm. Tuy nhiên, qua phản ánh của dư luận và báo chí cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực.

Việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai và chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực. Bên cạnh đó một số cán bộ, công chức, viên chức và người dân ngại va chạm và sợ bị trù dập nên không dám tố cáo khi biết rõ người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Theo bà Nga, Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành mới chỉ quy định “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về nhân sự, kế toán - tài vụ, thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó” nhưng lại chưa quy định về việc cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân thích vào vị trí lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, bà Lê Thị Nga khẳng định điều này đã dẫn tình trạng một số địa phương có hiện tượng “cả họ làm quan” nhưng vẫn đúng quy trình.

Đối với xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, Ủy ban Tư pháp khẳng định “vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua".

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ lưu ý những quy định nhằm bảo đảm kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan trong hệ thống chính trị còn nhiều sơ hở, chưa cụ thể, cùng với việc thiếu kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực dẫn tới tình trạng lạm quyền để trục lợi cá nhân, cấu kết "sân sau", "lợi ích nhóm"…

Mặt khác, phiếu tín nhiệm của cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý nên dễ nảy sinh tư tưởng "dĩ hòa vi quý", "dễ mình dễ ta". Đây là những bất cập trong công tác tổ chức cán bộ và là nguyên nhân quan trọng làm cho công tác cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị để phòng chống tham nhũng còn hạn chế.

 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa ( TP. Hồ Chí Minh):

Cần có quy định để giải quyết tình trạng "cả họ làm quan" nhưng vẫn "đúng quy trình"

Tình trạng “cả họ làm quan” nhưng việc bổ nhiệm được giải đáp là vẫn “đúng quy trình”,  tôi cho rằng, đó những “biến tướng” rất tinh vi và quy định về phòng chống tham nhũng phải giải quyết được biến tướng ấy.

Từ mấy trăm năm trước, thời vua chúa của chúng ta và nhiều nước khác đã nhìn thấy và có quy định phòng ngừa. Ta lâu nay dựa vào công tác tổ chức cán bộ và đã có cơ quan tổ chức Đảng làm rất chặt chẽ rồi, quy trình nghiêm minh, khách quan. Do đó, không có hiện tượng đưa người thân thích, tạo thành mối quan hệ thân tộc trong bộ máy Đảng và Nhà nước được. 

Nhưng hiện nay rõ ràng là vẫn có tình trạng này. Vì vậy, về mặt Đảng cần bổ sung những quy định đối phó những biến tướng đó. Luật pháp cũng phải như vậy. Luật Phòng, chống tham nhũng đang sửa đổi, sắp tới phải đưa vào những quy định ngăn chặn hình thành mối quan hệ thân thích, dòng tộc trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh