CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:32

Cầm tay chỉ cách cho người nghèo bán nông sản qua mạng điện tử

Ông Kiên cho biết, ngày 17/7, tại hội thảo kết nối "Phụ nữ dân tộc thiểu số tự mở rộng kinh doanh và thoát nghèo với công nghệ 4.0", do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam tổ chức, UNDP và Viettel đã ký kết Biên bản ghi nhớ về khung hợp tác hỗ trợ nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Theo biên bản ghi nhớ này, hai bên cùng tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số, các doanh nghiệp, bao gồm việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc xác định và thử nghiệm các giải pháp nhằm trao quyền tự chủ kinh tế và giảm nghèo ở tất cả các tỉnh.

Cầm tay chỉ cách cho người nghèo bán nông sản qua mạng điện tử - Ảnh 1.

Ông Trần Trung Kiên chia sẻ những kinh nghiệm hỗ trợ người nghèo bán nông sản qua trang thương mại điện tử.

Chương trình này với sự hỗ trợ của UNDP và Viettel Post, sẽ tạo điều kiện cho 450 phụ nữ dân tộc thiểu số của hai tỉnh Bắc Kạn và Đắk Nông có thể tự mở rộng kinh doanh sản xuất và thoát nghèo. "Với vai trò là đơn vị chủ quản của trang thương mại điện tử Voso.vn, chúng tôi sẽ trang bị cho phụ nữ dân tộc với những kỹ năng cần thiết để chụp ảnh, tạo video và gửi chúng lên Facebook, Zalo và các nền tảng thương mại điện tử như voso.vn", ông Kiên cho biết.

Và khi các sản phẩm địa phương được bán trên thị trường trực tuyến của Viettel Post, Tổng công ty cung cấp hỗ trợ hậu cần để cung cấp các mặt hàng và nhận tiền trực tiếp. Ông Kiên cho biết thêm, trước đây khi chưa có chương trình này, phụ nữ dân tộc làm việc cho các đơn vị sản xuất nhỏ và các hợp tác xã, họ hầu như không có kiến thức về ứng dụng công nghệ thôn tin, về kinh doanh online, kinh doanh thương mại điện tử. Việc bán hàng chỉ được thực hiện cho các khách hàng trong cộng đồng địa phương thông qua các kênh truyền thống như từ miệng, chợ và hội chợ thương mại. "Từ khi UNDP, UBND Tỉnh Bắc Kạn và Đắk Nông cùng Viettel Post đưa chương trình đến với bà con dân tộc thiểu số, họ đã thay đổi cách thức kinh doanh từ truyền thống sang kinh doanh online", ông Kiên thông tin.

Cầm tay chỉ cách cho người nghèo bán nông sản qua mạng điện tử - Ảnh 2.

Phụ nữ dân tộc thiểu số đã tự tin đưa các nông sản bản địa bán trên các trang thương mại điện tử.

Công ty Thương mại điện tử đã cử các đoàn công tác của VOSO để về tận địa phương tìm hiểu cách thức người dân đang làm hiện tại, từ đó đào tạo họ về hình thức kinh doanh mới, đưa ra các giải pháp để thực hiện và theo sát họ để việc kinh doanh online phát triển bền vững. Cán bộ phải cầm tay chỉ việc, cụ thể từng việc rất nhỏ, từ chụp ảnh sản phẩm như thế nào, đóng gói ra sao, đăng bán như thế nào, viết lời giới thiệu ra sao để có thể hấp dẫn người mua …

Việc hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tại hai địa phương này cũng gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên khó khăn nhất đối với chúng tôi là việc thay đổi nhận thức. Người dân tộc thiểu số đã quá quen với cách làm cũ, họ cũng có được một mức thu nhập mà bản thân họ cho là "tạm ổn" nên thực tế nhiều bà con không muốn thay đổi, không có tư duy tiếp cận cái mới. Chúng tôi phải vừa làm cùng, vừa đào tạo, vừa hỗ trợ để bà con nhìn thấy kết quả, khi đó họ mới tin tưởng và cam kết thay đổi. Khi có 1 người thành công, sức lan tỏa đến những bà con các sẽ tốt hơn và bà con sẽ nhìn nhau làm. Chính người thành công sẽ đi chia sẻ kinh nghiệm với những người khác.

Phải thực sự là phải kiên trì, nếu không sẽ không thể thành công trong dự án này. Sứ mệnh của Voso là kết nối người nông dân, giúp người nông dân bán sản phẩm địa phương một cách nhanh nhất, tiết kiệm nhất đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng.

Đến nay, rất nhiều bà con đã đưa sản phẩm lên Voso.vn và bước đầu cũng đã có thành công nhất định như chị Lý Thị Quyên với mặt hàng chuối sấy Bắc Kạn, mỗi ngày có khoảng 20-30 đơn hàng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những thành công bước đầu. Voso.vn mong muốn giúp đỡ nhiều người nông dân hơn nữa để họ có cơ hội tiếp cận với kinh doanh online, đối với những bà con đang kinh doanh online sẽ hỗ trợ thêm để họ tăng lượng hàng bán ra, nhờ đó có thể bán hàng thương mại điện tử một cách bền vững hơn.

Đối với các tỉnh, các địa phương muốn ứng dụng 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, bán hàng thương mại điện tử có mấy điều cần lưu ý. Đó là phải kiên trì trong việc thay đổi nhận thức và có các chương trình đào tạo bài bản và xuyên suốt, Phải cùng làm với người dân trong dài hạn.

Đồng thời, phải có sự liên kết chặt chẽ giữa người dân, chính quyền địa phương, UBND và các đơn vị cung cấp dịch vụ như sàn thương mại điện tử, công ty chuyển phát ... để có thể hỗ trợ người dân một cách tối đa. Tốt nhất là phải có đại diện tại địa phương để có thể hỗ trợ người dân một cách nhanh chóng nhất, gần gũi với họ, đồng hành cùng họ thì mới có được thành công và giúp họ phát triển bền vững.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh