THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:18

Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo với công nghệ 4.0

Phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin thoát nghèo nhờ 4.0

Phát biểu khai mạc sự kiện, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UNDP, Đại sứ quán Ailen tổ chức Hội thi sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng với sự tham gia của 60 tổ, nhóm đến từ 13 cộng đồng dân tộc thiểu số khác nhau của 16 tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo với công nghệ 4.0 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Hội thi đã thật sự góp phần phát huy vai trò và nội lực của cộng đồng (đặc biệt là các nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số) trong xây dựng và triển khai sáng kiến phát triển sinh kế giảm nghèo bền vững gắn với tôn vinh giá trị sản phẩm bản địa, đảm bảo sự bền vững về môi trường, hướng tới sản xuất sạch để góp phần giảm nghèo bền vững thông qua gắn kết nội lực cộng đồng.

Những hoạt động hỗ trợ kỹ thuật tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người nghèo, đặc biệt là phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số đã góp phần đẩy nhanh nỗ lực giảm nghèo của cả nước từ 9,88% hộ nghèo đầu năm 2016 xuống còn 5,23% cuối năm 2018. Bình quân trong 3 năm tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 1,55%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1 - 1,5%/năm.

Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo với công nghệ 4.0 - Ảnh 2.

Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam bà Caitlin Wiesen đánh giá cao vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Đồng thời, Thứ trưởng nêu bật tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Thế giới ngày càng phát triển với sự tiến bộ vượt bậc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc cách mạng kỹ thuật số.

Nắm bắt thời cơ, năm 2019, Chương trình phát triển liên hợp quốc đã triển khai hỗ trợ kỹ thuật cho hai tỉnh Đắk Nông và Bắc Kạn thực hiện Dự án "Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", góp phần quan trọng nhằm tạo dựng mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực cho các tổ nhóm phụ nữ để áp dụng công nghệ và nâng cao năng lực, phát triển các hoạt động sinh kế giảm nghèo và có khả năng áp dụng các công nghệ 4.0 trong tiếp cận thị trường và huy động sự tham gia của các đối tác và các nguồn lực bên ngoài, tại chỗ và đem lại thu nhập cho các hộ nghèo.

Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo với công nghệ 4.0 - Ảnh 3.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm của người dân mang đến Diễn đàn.

Khoảng 6 triệu người thoát nghèo giai đoạn 2012 - 2016

Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam bà Caitlin Wiesen nêu bật những bài học rút ra từ hành trình tăng tốc công tác giảm nghèo: "Đồng bào dân tộc thiểu số rất sáng tạo và có kỹ năng kinh doanh tốt. Việc ứng dụng công nghệ mới như sàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử, diện thoại thông mình và internet tạo ra nhiều cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số mở rộng thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết nối các doanh nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số với các doanh nghiệp khác, với đại diện chính phủ và các chuyên gia tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo, giúp tạo ra sự khác biệt và đẩy nhanh việc đạt được kết quả xóa đói giảm nghèo".

Bà Wiesen nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ lớn và các hợp tác xã bán sản phẩm thông qua các sàn giao dịch trong việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số mở rộng thị trường cho sản phẩm của họ. Bà Wiesen cho biết, UNDP sẵn sàng hỗ trợ trong việc áp dụng cách tiếp cận "Accelerator Lab" này trong nỗ lực tìm ra những giải pháp đổi mới sáng tạo để có thể đạt được kết quả trên diện rộng.

Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo với công nghệ 4.0 - Ảnh 4.

Phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin mang sản phẩm dân tộc bản địa bán trên các trang mạng xã hội.

Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong giảm nghèo đa chiều, khoảng 6 triệu người đã thoát nghèo trong  4 năm từ 2012 - 2016. Thách thức đặt ra trong thời điểm hiện tại là làm thế nào để đẩy nhanh tốc độ giải quyết tình trạng nghèo kinh niên đang tập trung chủ yếu ở các nhóm dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng miền núi, xa xôi hẻo lánh.

Dự án "Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua áp dụng công nghệ của cuộc cánh mạng 4.0" được xây dựng và triển khai dựa trên cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới bảo đảm "Không ai bị bỏ lại phía sau". Thông qua dự án này, các nhóm dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt là phụ nữ và các đối tác kinh doanh, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà hoạch định chính sách của chính phủ có cơ hội được kết nối, cùng đồng hành trong Hành trình tăng tốc giảm nghèo (Accelerator Lab Journey).

Sáng kiến 4M (Meet, Match, Mentor and Move – Gặp Gỡ, Kết nối, Đồng hành và Phát triển) được thực hiện trong Dự án đã tạo điều kiện cho 784 người, chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số, có thể khởi nghiệp, tham gia và mở rộng sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường và liên kết kinh doanh, quảng bá và bán sản phẩm trên thị trường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và nhờ đó thoát nghèo. Ngoài các đối thượng thụ hưởng trực tiếp, có 2.636 người đã tham gia và hưởng lợi trong chuỗi cung ứng sản phẩm thông qua các HTX, tổ, nhóm sản xuất ở hai tỉnh Bắc Kạn và Đắk Nông.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh