CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:28

Cạm bẫy lừa đảo lao động trẻ em

 

Ngày 10/9, ba lao động trong đó có 2 lao động trẻ em là Hồ Văn Điếu (14 tuổi) và Hồ Văn Đồi (13 tuổi) cùng anh Hồ Văn Băng (21 tuổi, đều trú tại thôn 4 xã Trà Linh, Nam Trà My) đã được Phòng LĐ - TB&XH đưa về địa phương bàn giao cho xã để đưa về đến nhà. Trước đó, ngày 4/9, cả ba người này được công an xã Bình Lâm (Hiệp Đức, Quảng Nam) giải cứu khỏi sự truy tìm của hai thanh niên người nhà chủ rừng ở xã Bình Trị (Thăng Bình, Quảng Nam) và được đưa về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Theo lời kể của các em, vào tháng 7/2015 họ bị một người phụ nữ tên Năm đến mở quán tại địa phương giới thiệu đi lao động khai thác cây keo ở xã Bình Trị với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Tin lời, ngày 20/7, ba em được đưa đến một chủ trại tên Phước ở xã Bình Trị để làm nhân công khai thác keo. Tuy nhiên, làm việc hơn 1 tháng, chủ trại không trả lương. Khi yêu cầu về nhà thì bị dọa nạt, tịch thu điện thoại. Ngày 4/9, cả ba trốn khỏi trại tìm đường về nhà và được công an xã Bình Lâm (Hiệp Đức) giải cứu.

Trước đó, ngày 4/8, Phòng Cảnh sát điều tra về Trật tự xã hội (PC45, Công an tỉnh Quảng Nam), cũng đã giải cứu 7 thiếu niên cùng 14 tuổi trú tại xã Trà Vinh và Trà Cang (huyện Nam Trà My), bị bóc lột lao động. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, vào đầu tháng 5, tranh thủ dịp nghỉ hè, nhóm 4 học sinh ở đây được người phụ nữ trú cùng huyện giới thiệu đi làm việc với mức lương 3 triệu mỗi tháng. Tuy nhiên, cả 4 sau đó được đưa vào một trang trại trong rừng ở tỉnh Lâm Đồng để làm các công việc nặng nhọc. 10 ngày sau, hai em trong đó bỏ trốn trở về nhà trình báo sự việc với công an.

Vào cuộc điều tra, PC45 giải cứu thêm 5 học sinh cùng trú huyện Nam Trà My cũng đang bị ép phải làm việc tại đây. Ngoài ra, công an xác định còn có 11 học sinh khác cùng trú tại xã Trà Vinh (Nam Trà My) bị lừa đi lao động đến nay vẫn chưa rõ tung tích.
 

cam bay_3h10_21-9-15
Hồ Văn Băng, Hồ Văn Điếu và Hồ Văn Đồi được công an xã Bình Lâm giải cứu ngày 4/9

Chỉ giải cứu khi có tin 
Thượng tá Huỳnh Ngọc Thành, Phó trưởng Công an huyện Nam Trà My cho biết: Đó chỉ là 2 vụ việc được cơ quan chức năng kịp thời can thiệp và giải cứu, các lao động tự do được đưa về địa phương an toàn sau khi biết mình bị lừa. Trên thực tế, số lao động trong đó có lao động là trẻ em trên địa bàn huyện Nam Trà My đi khỏi địa phương vẫn chưa thể thống kê hết được.

Cũng theo ông Thành, tình trạng lao động tự do đi làm việc theo tuyển dụng lao động của các cò mồi diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn. Hiện cơ quan công an đang theo dõi 2 đối tượng trên địa bàn tuyển dụng lao động tự do ngay tại địa phương. Công an cũng đã xử phạt hành chính các đối tượng này.

Tuy nhiên, sau xử phạt, các đối tượng này đã hợp thức hóa tư cách pháp lý của mình bằng hợp đồng nhân viên tìm việc của một công ty để tuyển dụng lao động. Thông thường, các đối tượng này được hưởng ít nhất 500.000 đồng/lao động từ chủ các Cty tuyển dụng, vì lợi nhuận nên họ tìm cách dụ dỗ đưa người đi. Vì đủ tư cách pháp lý, cơ quan chức năng chỉ có thể theo dõi và xử lý các đối tượng này nếu phát hiện vi phạm về luật lao động trong quá trình tuyển dụng.

Riêng về lao động trẻ em bị dụ dỗ đi tìm việc làm, ông Thành cho hay, chỉ có thể giải cứu khi có thông tin báo. Bởi thực tế, nhiều trường hợp bỏ đi làm ăn nhỏ lẻ, theo cò mồi dụ dỗ, ngay chính người nhà cũng không biết đi đâu, làm gì. Nhiều trường hợp con đi lâu không thấy về mới chạy ra báo xã, báo cơ quan chức năng.

Theo ông Đặng Duy Bá, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Trà My, hiện nay số lượng lao động tự do, trong đó có lao động trẻ em đi khỏi địa phương chưa thể thống kê hết, vì dân cư rải rác giữa núi rừng, gia đình không quản lý thì chính quyền sao biết. Về lâu dài, ngoài việc tuyên truyền vận động, thì cần tạo công ăn việc làm ngay tại địa phương. Hiện nay, dù nhà nước có chính sách hỗ trợ việc học nghề, dạy nghề, vay vốn để đi xuất khẩu lao động nhưng người dân vẫn không mặn mà.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh