Cải thiện sức khỏe tinh thần với thiền
- Chia sẻ
- 22:14 - 03/08/2021
Ngồi thiền đúng cách.
Từ những câu chuyện người thật, việc thật
Anh Trường Giang, 42 tuổi, kỹ sư thủy lợi ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đã gắn bó với thiền hơn chục năm nay đã chia sẻ với tôi về lợi ích của thiền. Trước đây anh hay bị ốm vặt, đau khớp chân. Anh đến với thiền theo chỉ dẫn của một người thầy dạy võ. Mỗi ngày anh Giang dành 1 giờ vào buổi tối (thường là 10 đến 11h) để ngồi thiền tĩnh, tư thế kiết già (hai chân vắt lên nhau), lưng thẳng, lưỡi uốn lên vòm trên, hít thở đều, sâu. Nhờ duy trì thiền như cơm ăn nước uống hàng ngày mà cơ thể khá nhỏ bé của anh đã hết ốm đau, bệnh khớp chân dường như khỏi hẳn. Anh kể, mùa đông lạnh vậy mà anh chỉ tắm nước lạnh, cơ thể thích nghi và chịu được, điều này trước đây đối với anh là không thể. Theo anh Giang, thiền đã giúp anh giảm stress, cân bằng cuộc sống, cho anh sức khỏe thông qua việc thu năng lượng tích cực và thải xả năng lượng xấu trong quá trình thực hành thiền nên tự khắc bệnh tật trong người dần tiêu tan.
Chị Như Hoa 51 tuổi ở phường Trung Tự, quận Đống Đa – người đã gắn bó với thiền gần 8 năm nay cho biết: Mỗi ngày chị dành 50-60 phút cho việc thiền. Chị chia sẻ, nếu rảnh chị ngồi luôn một mạch 60 phút, nếu bận thì chị ngồi làm 2 lần, mỗi lần 30 phút vào lúc đói (6h sáng và 10 rưỡi tối). Nơi ngồi cần thoáng mát, yên tĩnh. Trước đây khi chưa ngồi thiền chị Hoa hay bị đau đầu, chóng mặt, hay mất ngủ về đêm. Từ khi đến với thiền, chị thấy người luôn thỏa mái, bệnh đau đầu chóng mặt không còn. Điều chị tâm đắc nhất là sau khi ngồi thiền, những bực bội trong người tan biến và chị đã có những giấc ngủ ngon, cơ thể khỏe mạnh. Chị Hoa chia sẻ thêm: "Khi thiền, cần ngồi đúng tư thế, tập trung vào hơi thở, cố gắng xua đuổi những suy nghĩ ập tới. Tập luyện theo một khung giờ nhất định, thời gian ngồi thiền phải phù hợp với độ tuổi (ví như 30 tuổi, mỗi ngày ngồi 30 phút; 50 tuổi, mỗi ngày ngồi 50 phút là đủ), phù hợp với sức khỏe và điều quan trọng nhất là duy trì đều đặn hằng ngày. Đối với thiền, không nên sốt sắng chỉ vì ham muốn các quyền năng hay để chỉ dạy lại cho người khác".
Từ những câu chuyện nghe có vể kỳ bí nhưng đầy hấp dẫn của những người thật, việc thật chung quanh việc hành thiền, tôi đã dành thời gian tìm hiểu và gia nhập cõi thiền để được trải nghiệm nó.
Một lớp tập thiền. Ảnh minh hoạ.
Ích lợi của thiền
Trong bài viết "Thiền là gì?12 lợi ích của thiền dựa trên khoa học" (nguồn: Vinmec.com) khẳng định: "Thiền có thể xóa tan căng thẳng, mang lại sự bình yên cho nội tâm của bạn. Nếu căng thẳng khiến bạn lo lắng, hãy thử thiền định. Dành chỉ một vài phút trong thiền định cũng có thể khôi phục sự bình tĩnh và bình an nội tâm của bạn".
Cụ thể, 12 ích lợi mà thiền có thể mang lại gồm: Giảm căng thẳng; kiểm soát lo lắng; thúc đẩy sức khỏe cảm xúc; nâng cao nhận thức về bản thân; kéo dài thời gian chú ý; có thể giảm mất trí nhớ ở người già; có thể tạo lòng tốt; có thể giúp cai nghiện; cải thiện giấc ngủ; kiểm soát cơn đau; có thể làm giảm huyết áp; có thể thực hiện ở mọi nơi.
Thiền có tác dụng bởi nếu duy trì thói quen thiền đều đặn, thì mỗi cá nhân đều có thể cải thiện khả năng hô hấp của các tế bào, nâng cao hiệu năng của bộ máy thần kinh và các cơ quan vận động. Đây là nền tảng để có một tâm trí minh mẫn bên trong một cơ thể khỏe mạnh mà hẳn ai cũng ước ao.
Nguồn cội và đặc trưng của thiền
Thiền vốn bắt nguồn từ Phật giáo. Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Kha: "Thiền tông là một trong 7 tông của phái Đại thừa mà người chủ xướng là Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) người Ấn Độ qua Trung Quốc khởi xướng vào khoảng đầu thế kỷ VI (SCN). Bồ Đề Đạt Ma cho rằng giáo thuyết Phật giáo trừu tượng lại có nhiều kinh sách văn tự nên trở ngại cho việc tu học, ông chủ trương tu thiền (thiền tiếng Phạn là Dhyana, có nghĩa là yên lặng mà suy nghĩ) để mọi người có thể tiếp thu được chân lý Phật" Do đến từ một tôn giáo, thiền không tránh khỏi việc mang theo tấm màn bí ẩn, liên tục được thêm nếm bởi các thế hệ kế thừa. Cũng bởi lẽ đó, thiền xuất hiện dưới rất nhiều tên gọi, lưu phái và cách hiểu khác nhau ở các quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh những thành tựu tiến bộ về vật chất, nhân loại đang khám phá những con đường đảm bảo sự thăng bằng về mặt tinh thần để dung hòa với nhịp sống hối hả của xã hội công nghiệp. Càng đi sâu nghiên cứu, các nhà khoa học lại càng nhận biết thêm giá trị tích cực của thiền đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của con người.
Hãy thực hành thiền
Khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì việc chúng ta chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cân bằng cuộc sống là điều hết sức cần thiết. Để bắt đầu với thiền, bạn hãy lưu ý rằng thiền mang tính trải nghiệm cá nhân nên sẽ không có phương pháp tốt nhất, mà chỉ có phương pháp phù hợp với mình. Hiện tại đang có những phương pháp thiền như sau: Thiền chánh niệm; Thiền định tâm linh; Thiền tập trung; Thiền chuyển động; Thiền thần chú; Thiền siêu việt; Thư giãn tiến bộ; Thiền tâm từ; Thiền quán tưởng… Bạn nên tìm hiểu, nhưng đừng quên mục đích cuối cùng của tìm hiểu là thực sự bước vào tập thiền. Để học thiền, bạn có thể tự học theo hướng dẫn trên mạng, hoặc gia nhập các câu lạc bộ có tổ chức các buổi sinh hoạt về thiền. Bạn cũng nên tự truyền cảm hứng cho bản thân bằng cách đọc thêm các cuốn sách, xem các video nghiên cứu để thấu hiểu ích lợi từ thiền.