Giá nguyên liệu tăng cao khiến doanh nghiệp thuỷ sản trong nước gặp nhiều khó khăn
- Huyệt vị
- 03:15 - 28/06/2021
Nuôi trồng thuỷ sản trên biển
Vì sao giá thức ăn cho nuôi trồng thủy sản tăng cao?
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn dành cho nuôi trồng thủy sản tăng cao. Cùng với rào cản về logistics và hiện tượng mua vào nguyên liệu số lượng lớn bất thường của Trung Quốc khiến việc tiếp cận nguồn cung gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có 121 cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản đã được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất. Trong đó, 58 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, 63 cơ sở trong nước với tổng công suất gần 10 triệu tấn/năm. Ngoài ra, cả nước hiện có 63 cơ sở (20 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, 43 cơ sở trong nước) sản xuất nguyên liệu cung cấp cho thị trường.
Nguyên nhân khiến giá nguyên liệu và thức ăn thủy sản tăng, theo Bộ NN&PTNT, từ giữa năm 2020 đến nay nguyên liệu sản xuất thức ăn như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu chủ yếu được nhập khẩu (chiếm 70 - 80%). Giá nguyên liệu tăng cao do dịch Covid-19 tác động đến logistic toàn cầu, khiến cước vận chuyển tăng mạnh dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp sản xuất chỉ có thể mua nguyên liệu theo từng tháng không thể mua theo quý, theo năm như trước làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Ảnh minh hoạ
Giá thức ăn cho nuôi trồng thủy sản tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất của người nông dân
Theo ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, giá các nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản đã tăng cao trong thời gian gần đây. Tình trạng tương tự đã từng diễn ra vào năm 2013 khiến cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản lẫn nông dân lao đao.
Ông Bình cho ví dụ, giá bắp nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam cách đây vài tháng chỉ khoảng 4.500 đồng/kg nhưng hiện tại đã vọt lên mức 8.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi.
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp, giá nguyên liệu tăng bình quân khoảng 21% so với cùng kỳ năm 2020. Một số nguyên liệu tăng cao nhất có thể kể đến như: Bã nành, lecithin (phụ gia), dầu cá nước ngọt, bột thịt gà, sắn lát, cám gạo nguyên dầu… Điều này dẫn đến giá một số loại thức ăn thủy sản cũng tăng từ 1.000 - 1.700 đồng/kg.
Giá nguyên liệu tăng cao, song ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp nào tăng giá sẽ dễ mất thị phần. Do đó, doanh nghiệp đã cố gắng để giữ giá và chia sẻ với bà con nông dân bằng cách dùng giá gia quyền, tức mức giá trung bình giữa hàng cũ giá thấp và hàng mới giá cao.
Còn theo đánh giá của ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNTn), giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng liên tục làm giá thành sản xuất tăng, nhiều doanh nghiệp không thể mua hàng vào, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đàm phán với các nước cung cấp nguyên liệu chính cho ngành sản xuất thức ăn thủy sản để có nguồn cung ổn định với giá thành phù hợp. Chỉ đạo các cục, vụ, viện phối hợp nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp công nghệ về nguồn cung thay thế các nguyên liệu đang khan hiếm và có giá thành cao để sản xuất thức ăn thủy sản.
Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị các tỉnh, TP quan tâm đầu tư phát triển các mô hình liên kết chuỗi để giảm trung gian, giảm giá thành sản xuất thức ăn thủy sản nói riêng, chăn nuôi nói chung. Đồng thời, các doanh nghiệp tích cực đồng hành, không tăng giá thức ăn để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay.
Những lo ngại từ dịch bệnh và tạm ngừng nhập khẩu lợn sống của Thái Lan
Trong một diễn biễn khác, từ 30/6 tới đây, Việt Nam sẽ tạm ngừng nhập khẩu lợn sống của Thái Lan do trước đó, trong quá trình kiểm dịch nhập khẩu lô lợn 980 con nhập khẩu từ Thái Lan để giết mổ, cơ quan kiểm dịch đã phát hiện lô lợn này bị nhiễm bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại mặt hàng này sẽ tăng cao trong thời gian tới do hạn chế nguồn cung.
Ảnh minh hoạ. TTXVN
Lý giải về việc Bộ NN&PTNT đưa ra quyết định này, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho hay, để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam và kiểm soát chất lượng thịt khi đưa ra thị trường, việc tạm dừng nhập khẩu lợn từ Thái Lan không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung trong nước.
Hiện nay, các địa phương vẫn tiếp tục thúc đẩy việc tái đàn, tổng đàn lợn cả nước ở thời điểm hiện tại đã lên tới hơn 27 triệu con, bằng 89% so với trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Hiện, thịt lợn nhập khẩu từ Thái Lan chỉ chiếm khoảng 4-5% trong tổng sản lượng thịt lợn nhập khẩu của các nước về Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 23 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Nga chiếm 34%; Canada chiếm 22%; Brazil chiếm 10,02%; Đan Mạch chiếm 8% và Ba Lan chiếm khoảng 7%...
Trong 4 tháng đầu năm 2021, Nga là thị trường cung cấp thịt heo lớn nhất cho Việt Nam, đạt 22 nghìn tấn, trị giá 60 triệu USD, tăng 708% về lượng và tăng 369% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; giá nhập khẩu trung bình đạt 2.709 USD/tấn, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhất là dịch tả lợn Châu Phi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại... có thể gây phát sinh tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến quá trình hồi phục, tăng trưởng chăn nuôi.
Bên cạnh đó, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới sẽ càng gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh về giá, chất lượng và đa dạng sản phẩm sẽ tăng lên khi sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu Âu như thịt gà, thịt lợn xuất vào thị trường Việt Nam. Đó là những thách thức mà ngành chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.
.