THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:55

Quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy: Cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng là giải pháp then chốt

Tới tham dự Hội nghị còn có đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và đại diện lãnh đạo 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị

  Báo cáo tóm tắt về công tác quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy tại Hội nghị, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết,  tính đến nay cả nước có 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; trong đó trên 60% sử dụng ma túy tổng hợp (ATS), người sử dụng ATS có rối loạn tâm thần và một số hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.

Tính đến tháng 12 năm 2016, cả nước có 110 cơ sở cai nghiện ma túy công lập, trong đó 75 cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng; 24 cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện kết hợp điều trị Methadone, 06 cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội và 22 cơ sở ngoài công lập. Theo báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn 2014 – 2016 đã tổ chức cai nghiện cho 66.552 lượt học viên, trong đó Cơ sở công lập là 42.502 lượt học viên, Cơ sở ngoài công lập là 11.240 học viên, quản lý sau cai là 12.810 học viên. Đối với cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, tính đến cuối năm 2016, có 26 tỉnh thành phố thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Trong 3 năm các tỉnh, thành phố đã tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng cho 12.793 người. Liên quan đến công tác này, đến nay đã có 60/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kế hoạch của địa phương về triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện.

Ủy viên Trung ương đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, tính đến tháng 12 năm 2016, cả nước hiện có 62/63 tỉnh, thành phố triển khai điều trị bằng Methadone, với 274 cơ soở điều trị cho 50.663 người, trong đó có 11 cơ sở điều trị Methadone xã hội hóa do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý đang điều trị cho 2.721 người, tăng 1.287 người so với năm 2015.

Trong thời gian qua, các địa phương cũng đã quan tâm và tăng cường công tác quản lý học viên tại các cơ sở cai nghiện ma túy theo hướng đổi mới công tác cai nghiện, tôn trọng quyền lợi của học viên, không còn lao động bắt buộc, thực hiện tư vấn, trị liệu tâm lý cho học viên.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nêu rõ tình hình về công tác quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy cũng như tồn tại, bất cập hiện nay, đặc biệt là về tình hình tội pham ma túy ngày tinh vi và hết sức phức tạp. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương cần nhấn mạnh vào trọng tâm những vướng mắc, bất cập cũng như các ý kiến đề xuất, kiến nghị các giải pháp về quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy trong thời gian tới.

Tại Hội nghị các đại biểu cũng nghe 13 ý kiến của các địa phương và các Bộ, ngành xoay quanh nhiều vấn đề. Theo đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh: Thời gian tới cần phải có giải pháp  hiệu quả để kéo giảm tỷ lệ người nghiện ma túy một cách hiệu quả. Đặc biệt là cần tập trung xây dựng các mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Đồng thời có biện pháp phân loại đối tượng người nghiện để có giải pháp điều trị hiệu quả.

Đưa ra một số kinh nghiệm của Thành phố, bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM cho biết: Muốn cảm hóa được người nghiện thì cần xem người nghiện ma túy như người bệnh, chính vì vậy, trong thời gian qua thành phố Hồ Chí Minh đã không để xảy ra tình trạng người nghiện trốn Trung tâm. Bà Nguyễn Thị Thu cũng khẳng định đó cũng là giải pháp hiệu quả mà thành phố đang tập trung đẩy mạnh. Bên cạnh đó, thành phố còn đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị một cách bài bản giúp người nghiện có không gian và môi trường điều trị thích hợp, góp phần nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung ghi nhận những ý kiến phát biểu tham luận của các đại biểu, với tư cách là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý lĩnh vực này Bộ trưởng cho biết: Cần tập trung đẩy mạnh giải pháp cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng là giải pháp trọng tâm cần đẩy mạnh trong thời gian tới; đồng thời không tập trung đối tượng quá đông tại một cơ sở cai nghiện mà cần phân nhỏ ra nhiều cơ sở, môi trường cai nghiện mới là thành công. Các địa phương nên vận dụng các thể chế để triển khai một cách hiệu quả trong thời gian tới. Để hoàn thiện thể chế, Bộ trưởng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi các Luật có liên quan, hoặc trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc hiện nay. Đề nghị các địa phương khẩn trương, triệt để chuyển đổi các Trung tâm 06 thành Cơ sở cai nghiện để thực hiện đúng chức năng phân loại, cắt cơn và điều trị sau cai, đồng thời bổ sung chức năng tư vấn cho các Cơ sở này.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Mặc dù thời gian rất hạn chế nhưng các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra được nhiều ý kiến, kiến nghị cũng như đề xuất các giải pháp về công tác quản lý người nghiện ma túy. Các ý kiến của các địa phương và các Bộ ngành Chính phủ sẽ tập hợp và sẽ có thông báo cho các địa phương cũng như các Bộ ngành trong việc rà soát, phối hợp chặt chẽ để triển khai một cách hiệu quả. Phó Thủ tướng cho biết, đối với Luật chưa sửa được sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét sửa luật, còn đối với thể chế liên quan đến bộ ngành nào thì bộ ngành đó có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và hướng dẫn bằng thông tư, những vấn đề nào thuộc liên ngành thì phải phối hợp để triển khai. Trong thời gian tới cần tập trung tăng cường cơ sở vật chất cho các Trung tâm cai nghiện nhằm mục tiêu để thay đổi tình hình công tác cai nghiện. Giải pháp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là giải pháp trọng yếu, do vậy cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc quản lý các đối tượng cai nghiện tại gia đình, cộng đồng như thế nào? Cộng đồng đoàn thể, mặt trận có tham gia không? Phó thủ tướng đề nghị, Tòa án nhân dân tối cáo xây dựng mô hình tòa án ma túy. Mô hình này là giải pháp giáo dục để giảm tỷ lệ tội phạm. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải chủ trì mô hình gắn với Mặt trận Tổ quốc các cấp, lực lượng công an để có chương trình quản lý người nghiện tại cộng đồng hiệu quả. Tập trung cai nghiện tại công đồng phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đoàn thể tại địa phương và có sự phân công của các Bộ ngành và phối hợp với các doanh nghiệp tham gia giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Đặc biệt, cần có giải pháp về hướng nghiệp cho các đối tượng người sau cai nghiện. 

PHẠM THẮNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh