THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:44

Cai nghiện tại gia đình - cộng đồng: Cần sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình, địa phương và sự nỗ lực từ chính người nghiện

Kiểm tra sức khoẻ cho học viên cai nghiện.

Kiểm tra sức khoẻ cho học viên cai nghiện.

Không bị cách ly với gia đình, cộng đồng dân cư, cai nghiện tại gia đình - cộng đồng không chỉ giúp người nghiện giảm được sự mặc cảm, tự ti mà còn phát huy được vai trò trách nhiệm của gia đình với bản thân người nghiện, từ đó giúp họ ý thức và quyết tâm từ bỏ ma tuý.

Em T.P (xã Hoà Sơn, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng) chỉ là một trong rất nhiều trường hợp ở Đà Nẵng đã cai nghiện thành công theo mô hình gia đình - cộng đồng.

Từng là niềm hy vọng của gia đình, nhưng chỉ vì nghe theo lời rủ rê của bạn bè xấu, P. sa chân vào con đường nghiện ngập. Trượt dài trong tệ nạn, P. đã có lúc khiến cả gia đình rơi vào hoàn cảnh bế tắc khi bao nhiêu của cải, kinh tế gia đình đều "đội nón ra đi".

Trong lúc khó khăn nhất, nhờ sự động viên, quan tâm, giúp đỡ của địa phương, gia đình P. đã khuyên em tự nguyện đăng ký cai nghiện theo mô hình gia đình - cộng đồng.

"Sau khi được hỗ trợ cắt cơn tại bệnh viện, hàng tháng cán bộ cùng công an và các cô, chú đoàn thể đến tận nhà để thăm hỏi sức khỏe, phân tích tác hại nguy hiểm của ma túy, từ đó em quyết tâm từ bỏ ma tuý để làm lại cuộc đời" - P. chia sẻ.

Từ chỗ hiểu được hoàn cảnh gia đình, sau khi hết thời gian cai nghiện, P. được chính quyền địa phương hỗ trợ cho vay vốn để chăn nuôi. Có công ăn việc làm, P. không còn ham chơi như trước mà chí thú làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

Nói như một cán bộ phụ trách công tác phòng, chống ma túy, mại dâm phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, chính mối liên hệ chặt chẽ giữa gia đình, địa phương và sự nỗ lực từ chính bản thân người nghiện đã giúp họ thoát khỏi vòng luẩn quẩn của "nàng tiên nâu" và quyết tâm từ bỏ.

Với quy trình cai nghiện ma túy tại gia đình - cộng đồng, người nghiện được cắt cơn giải độc tại các cơ sở điều trị là Trung tâm Y tế các quận, huyện hoặc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, sau đó được chuyển về gia đình để tiếp tục thực hiện quy trình cai nghiện tại gia đình - cộng đồng. Cai nghiện tại gia đình - cộng đồng cũng có hai biện pháp là cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc.

Quy trình lập hồ sơ, thủ tục cai nghiện ma túy tại gia đình - cộng đồng ở TP Đà Nẵng được thực hiện hết sức nhanh gọn, chậm nhất là 3 ngày kể từ khi bản thân hoặc gia đình người nghiện ma túy tự giác khai báo tình trạng nghiện và đăng ký hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình - cộng đồng với Tổ công tác cai nghiện của xã, phường, kể cả đối với biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại gia đình - cộng đồng.

Không chỉ thực hiện đúng quy trình, tại một số địa phương làm tốt công tác này như các phường: Tam Thuận, Hòa Thọ Đông, Hòa Minh, Hòa Hải, xã Hoà Tiến…, khâu lập hồ sơ, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện còn được làm khá kỹ và đầy đủ. Trước khi lập hồ sơ, các địa phương còn thực hiện việc tư vấn cho bản thân người nghiện cũng như gia đình của họ về quy trình, quá trình cai nghiện…, từ đó gia đình và địa phương có được sự hợp tác tốt nhất.

Từ việc tổ chức kèm cặp, theo dõi, giúp đỡ đối tượng, các phường còn hỗ trợ các đối tượng cai nghiện được vay vốn và tạo việc làm, giúp họ quyết tâm đoạn tuyệt với "nàng tiên nâu". Một số nơi khác lại vận dụng phương pháp đẩy mạnh công tác cai nghiện tại gia đình - cộng đồng bằng việc tổ chức các chương trình cai nghiện phù hợp, hiệu quả, thiết thực với tình hình cụ thể tại địa phương. 

Trong đó, Câu lạc bộ Cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng của phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) là một ví dụ. Thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề với các nội dung như "ma túy, hiểm họa"; "ngáo đá - hệ lụy khôn lường", đặc biệt là việc tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa bằng cách cho hội viên Câu lạc bộ tham dự các phiên xét xử lưu động của Tòa án đối với tội phạm về ma túy, chứng kiến các phiên xét đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, các hoạt động từ thiện…, địa phương này đã làm tốt công tác cai nghiện ma túy tại gia đình - cộng đồng từ việc giúp các em thấy được ý nghĩa của cuộc sống, thấy được những số phận, cảnh đời khó khăn để từ đó biết quý trọng sức lao động, sử dụng tiền đúng mục đích và quan trọng là quyết tâm làm lại cuộc đời.

Thống kê của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2020, UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố đã tổ chức cai nghiện tại gia đình - cộng đồng cho 56 người (2 người được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình cai nghiện, 9 người tái nghiện đưa đi cai nghiện tập trung tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng). Hiện nay, 45 người đang cai nghiện tại gia đình - cộng đồng; trong đó, 32 người có việc làm, chiếm tỷ lệ 71,1%.

Tuy nhiên thực tế, số người cai nghiện theo mô hình này tại Đà Nẵng chưa nhiều khi công tác cai nghiện tại gia đình - cộng đồng vẫn còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất phục vụ công tác hỗ trợ điều trị cắt cơn, giải độc ở các cơ sở y tế chưa được đầu tư phù hợp. Bên cạnh các địa phương thực hiện tốt việc lập hồ sơ, tổ chức điều trị, cắt cơn, giải độc và phân công theo dõi, kèm cặp, đánh giá định kỳ đối với các trường hợp sau điều trị cắt cơn, vẫn còn một số địa phương chưa chú trọng đến công tác tổ chức cai nghiện tại gia đình - cộng đồng, dẫn đến số lượng người tham gia cai nghiện chưa nhiều.

Mặt khác, theo những người làm công tác này tại các xã, phường, mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình - cộng đồng gặp khó khăn còn xuất phát từ chính gia đình người nghiện. Bản thân người nghiện và gia đình chưa hợp tác với chính quyền địa phương, không ít người nghiện chưa tự giác đăng ký cai nghiện. Thậm chí, gia đình dù đã đăng ký cho con em cai nghiện song chỉ một thời gian ngắn lại nản chí vì chưa xác định được việc cai nghiện đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn không chỉ của chính bản thân người nghiện, sự hỗ trợ từ địa phương mà rất cần sự chăm sóc, theo dõi, quản lý, giám sát từ phía gia đình trong suốt quá trình cai nghiện.

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh