Cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội: Hướng tới Bảo hiểm xã hội toàn dân
- Bài thuốc hay
- 12:57 - 06/08/2018
Vừa là cơ hội, vừa là thách thức
Trong thời gian qua, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Độ bao phủ BHXH tăng chậm, chưa hướng đến BHXH toàn dân, sự kết nối giữa các chính sách BHXH và các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ; BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia... Để khắc phục tình trạng này, nhằm từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân, ngày 23/5/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 28) về cải cách chính sách BHXH.
Ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, việc Trung ương ban hành Nghị quyết 28-NQ/TW vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền nói chung và BHXH Việt Nam nói riêng trong việc hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật hướng tới thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân. Theo ông Lợi, thách thức chính là Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn thực hiện chính sách BHXH và cũng đã nỗ lực rất nhiều. "Qua tổng kết 30 năm đổi mới cho thấy, đây là quan điểm rất lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng tại sao đến giờ phút này mới bao phủ được 29% lực lượng lao động tham gia vào hệ thống BHXH. Như vậy, an sinh xã hội trong tương lai đối với 54 triệu lao động hiện nay ra sao, khi sau 20 năm nữa họ sẽ hết tuổi lao động? Dù chính sách lương hưu thực hiện tốt như vậy, nhưng tại sao xu hướng người dân tham gia BHXH với tốc độ chậm, cũng chính là những thách thức cho hệ thống an sinh xã hội của chúng ta"- ông Lợi bày tỏ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh thiam dự buổi tọa đàm
Về cơ hội, ông Lợi phân tích, Nghị quyết 28-NQ/TW đã mở ra thời kỳ mới để mọi người đều được tham gia vào hệ thống BHXH. Cụ thể, Đảng và Nhà nước đã đề ra mô hình BHXH mới, từ đơn tầng sang đa tầng. Theo đó, tầng thứ nhất là trợ cấp xã hội cho người già do Nhà nước hỗ trợ; tầng thứ hai là BHXH cơ bản (bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện) để mở rộng bao phủ BHXH đối với người dân; tầng thứ ba là BH Hưu trí tự nguyện (BH hưu trí bổ sung) theo hướng người có điều kiện đóng cao hơn thì khi về hưu có lương hưu cao hơn). "Đây là sự linh hoạt kết nối hệ thống, để chúng ta đảm bảo BHXH cho toàn dân. Đây là quan điểm, mục tiêu và định hướng của Đảng và Nhà nước ta...”- ông Lợi nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cũng nhận định, cải cách bao giờ cũng là sự thay đổi sâu rộng. Song, việc này cũng tạo ra nhiều thách thức, nhất là với các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chính sách. Qua Nghị quyết 28 cho thấy, khối lượng công việc của ngành BHXH sẽ lớn hơn, đòi hỏi tinh thần thái độ phục vụ tốt hơn và quy trình nghiệp vụ hướng đến người dân phải thuận lợi hơn. Đặc biệt, dù đặt ra những thách thức, nhưng việc cải cách cũng tạo ra cơ hội để các ngành, các cấp thực hiện tốt hơn công việc của mình. “Đây cũng là cơ hội tốt nhất với người dân, bởi Nghị quyết 28 thể hiện tính ưu việt, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước là hướng tới an sinh cho người dân khi về già. Đó là những quan điểm hết sức đúng đắn, khi chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết này, thì chắc chắn quyền lợi của người dân sẽ tăng lên rất nhiều...”- Tổng Giám đốc khẳng định.
Cần phải làm chuyển biến nhận thức của người dân về tính ưu việt của BHXH
Theo đánh giá của ông Bùi Sỹ Lợi, qua tổng kết nhiều năm thực hiện chính sách BHXH cho thấy, thách thức lớn nhất mà ngành BHXH đang gặp phải, chính là số tiền nợ đọng BHXH vẫn còn nhiều- điều này đồng nghĩa với việc tỉ lệ người tham gia BHXH bắt buộc còn thấp. Do vậy, theo ông Lợi, muốn triển khai hiệu quả Nghị quyết 28, nhất là muốn tăng nhanh đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đòi hỏi công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành phải quyết liệt hơn...
“Điều “cốt lõi” là chúng ta phải làm chuyển biến nhận thức của người dân về tính ưu việt trong chính sách của Đảng và Nhà nước về ASXH. Đồng thời, phải làm sao để người dân nhận thức được rằng, tham gia vào hệ thống ASXH không chỉ là quyền mà còn trách nhiệm của người dân đối với xã hội. Bản chất của BHXH là một chính sách ASXH trụ cột của Nhà nước, được Nhà nước quản lý và bảo hộ. Quỹ BHXH tập trung tại Trung ương và Chủ tịch Hội đồng Quản lý quỹ là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Nguồn đầu tư của quỹ BHXH phải bảo đảm được sự tăng trưởng, phát triển và bảo tồn. Và đặc biệt, với một số đối tượng NLĐ về hưu mà lương hưu không đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, Nhà nước sẽ có chính sách điều chỉnh lương hưu kịp thời nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân”- ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Song song đó, Nghị quyết số 28 lần này đã nhấn mạnh đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các cấp. Qua giám sát cho thấy, Luật BHXH quy định, hàng năm HĐND các cấp phải giao chỉ tiêu phát triển BHXH, BH thất nghiệp như chỉ tiêu về giải quyết việc làm trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều địa phương không thực hiện được nhiệm vụ này, không đôn đốc, thậm chí chính quyền địa phương không vào cuộc. Do đó, một mình Ngành BHXH sẽ không thể làm chuyển biến được tình hình. Việc này cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Ông Lợi cũng cho biết, hiện BHXH Việt Nam đang làm rất tốt không chỉ vai trò tổ chức, thực hiện chính sách BHXH mà còn thực hiện cả công tác quản lý Nhà nước theo chỉ đạo của Quốc hội đó là thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT. Như vậy, rõ ràng thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt là làm chuyển biến nhận thức của người dân, của cộng đồng và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đây là một bài toán lớn mà chúng ta cần phải tính toán cụ thể.
Liên quan vấn đề này, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho rằng, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH không phải của riêng ngành BHXH, mà của cả hệ thống chính trị. Khi ban hành Nghị quyết 28, Trung ương cũng đã xác định trách nhiệm thực hiện của tất cả các cấp, các ngành. Tuy nhiên, với trách nhiệm là cơ quan thực hiện, dù công việc phải đảm đương rất lớn, nhưng ngành BHXH vẫn quyết tâm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ này.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng cho biết, hiện nay, tỉ lệ người dân tham gia BHXH còn thấp do nhiều nguyên nhân (cả chủ quan và khách quan). Bất kỳ quốc gia nào, khi phát triển đối tượng tham gia BHXH phải căn cứ vào tình hình kinh tế- xã hội và nguồn lực Nhà nước. Trong điều kiện nhất định, Nghị quyết 28 đã điều chỉnh lộ trình thực hiện phù hợp; do đó làm sao để mỗi người dân nhận thức rõ về tính ưu việt, quyền lợi chế độ của chính sách này, thì việc thực hiện mới thành công. “Với lộ trình như vậy cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân sẽ hiểu chính sách này. Mặc dù rất khó khăn, nhưng chúng tôi cũng xác định cố gắng rất nhiều mới có thể phục vụ được, góp phần đạt được mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh khẳng định.