Cách thoát nghèo ở Hway
- Dược liệu
- 19:02 - 08/11/2017
Quỹ bò sinh sản của làng bên những cánh đồng sắn cao sản
Để hiện thực hóa khát vọng đùm bọc, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống, làng Hway thành lập Quỹ bò sinh sản. Nhớ lại những ngày đầu đi vận động bà con tham gia quỹ, anh Đinh Mít cho biết, làng có trên 500 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Ba Na. Cả làng chia làm 6 tổ sản xuất. Nhà có nhiều đất, nhà có ít đất nhưng đều có tấm lòng vì cộng đồng nên ban đầu nhiều người bỡ ngỡ với mô hình này, nhưng sau đó đều đồng lòng ủng hộ. Các tổ sản xuất nhất trí mỗi nhà sẽ góp một diện tích đất nhất định vào quỹ chung của làng. Diện tích chung này sẽ được các tổ sản xuất cùng thâm canh sắn, đậu xanh, mía. Tất cả sản lượng thu được sẽ bán đi lấy tiền mua bò sinh sản hỗ trợ cho các gia đình nghèo trong làng.
Được hỗ trợ bò, giờ đây vươn lên làm ăn khá giả, anh Đinh Lớp bộc bạch, mấy năm trước được làng cho bò sinh sản. Bò khỏe mạnh, đẻ liên tục. Lứa đầu tiên mình giữ bê lại nuôi và giao bò mẹ cho hộ khó khăn khác. Bây giờ đã có 3 con bò sinh sản, mỗi năm thu trên 50 triệu đồng từ bán bò cộng với thâm canh sắn cao sản, không còn sợ cái nghèo nữa.
Anh Đinh Chế, Tổ trưởng tổ 5 khoe, tổ mình có quỹ đất chung tới 2,5 ha. Sản lượng trồng trọt mỗi năm thu gần 30 triệu đồng góp vào “Quỹ bò sinh sản của làng”. Gần 10 năm trước mình cũng được quỹ hỗ trợ bò, từ một con bê nhỏ, giờ đã có 4 chú bò sinh sản rồi. Riêng tổ 5 đến đã hỗ trợ bò cho 30 hộ nghèo, các tổ khác cũng hỗ trợ cho hàng chục hộ có điều kiện khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Nhiều gia đình vươn lên nhờ được hỗ trợ bò
Rút kinh nghiệm từ trường hợp của ông Đinh Bray khi nhận bò hỗ trợ từ quỹ cứ vô tư để vậy nuôi, khi bò có hiện tượng lạ, bò bệnh cũng không biết nên dẫn đến bò sinh sản bị chết. Từ đó, những người khác đều học kỹ thuật nuôi bò. Anh Đinh Kha cho biết, năm 2014 mình được quỹ hỗ trợ bò. Ngay khi nhận bò mình lên huyện gặp các cán bộ học hỏi cách chăm sóc khoa học nhất. Khi bò có dấu hiệu bệnh là gọi bác sĩ thú y ngay. Không chỉ biết cách chăm sóc bình thường mà mình và nhiều khác cũng đã biết cách chăm sóc và đỡ đẻ cho bò sinh sản. Biết vệ sinh sạch sẽ cho bò và bê, bóc móng để bê con đỡ bị trơn trượt khi mới bắt đầu tập đi, vệ sinh bầu vú của bò mẹ để bê con khỏi bệnh, bổ sung thêm nước uống có pha thêm ít muối cho bò, cho ăn thêm cám và nước ấm...Các kiến thức này xưa kia dân làng ít cập nhật, thành ra bê đẻ ra hay bị ốm, sức chịu đựng với sự thay đổi của thời tiết kém. Theo cách nhẩm tính của Đinh Kha và nhiều người Ba Na khác ở làng Hway thì vừa nuôi bê từ bò sinh sản do làng hỗ trợ đẻ ra kết hợp với trồng đậu xanh, xen canh ngô….thì 5 sào đất cũng đủ no ấm cho cả gia đình 3-5 người. Ông Đinh Hậu đã biến 4 sào đất của gia đình thành màu xanh no ấm. Ông Hậu vỡ lẽ, cái bụng cứ nghĩ khó học kiến thức trong sách vở nhưng rồi nhẩm mãi cũng thành quen. Mà cán bộ còn đến tận ruộng chỉ cách trồng đậu, cách bón phân, cách phòng chống bệnh. Bà con mình ở làng này hay các làng khác mà cứ nỗ lực giúp nhau cùng với sự hướng dẫn của Nhà nước thì không sợ đói nữa rồi.
Nhà nhà đua nhau chăm chỉ làm ăn thoát nghèo
Không chỉ xắn tay hỗ trợ nhau làm ăn, làng Hway còn nhắc nhở nhau giữ gìn thói quen dệt thổ cẩm, thói quen đánh chiêng. Ông Đinh Tường chia sẻ, tiếng chiêng như hơi thở của cuộc sống nên phải giữ gìn, mất đi thì những lần hội làng, những cuộc vui mất ý nghĩa. Làm lụng trên rẫy nhiều thì thôi chứ về nhà hay lúc nông nhà cùng tìm đến nhau học hỏi điệu chiêng của nhau. Đặc biệt, sở thích dệt thổ cẩm in đậm trong tâm thức mỗi người.
Ông Đinh Khen, Trưởng thôn làng Hway khẳng định: Có những bộ chiêng quý mà trả giá bao nhiêu chúng tôi cũng nhất quyết không bán. Các sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm không bán được thì cũng phải ôn nghề để nhớ, lỡ như một ngày khách du lịch tìm đến làng, bạn bè, cộng đồng các dân tộc khác tìm đến với làng còn có sản phẩm đặc trưng mà khoe. Kể cả việc bảo vệ những cánh rừng, những hàng cây cổ thụ cũng được người làng Hway hăng hái thực hiện.