THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:59

Cách nào để cứu chữa khi trả lời phỏng vấn sai?

Tuy nhiên, sai lầm này sẽ không tước đi cơ hội trúng tuyển nếu bạn biết cách xử lý. Bạn có thể tham khảo 5 cách “cứu chữa” dưới đây để được nhà tuyển dụng thông cảm và ghi điểm lại với họ khi tìm việc làm ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng…

Thừa nhận sai lầm

Trên thực tế, nhà tuyển dụng không quá bất ngờ với câu trả lời sai của ứng viên. Rất nhiều ứng viên trong buổi phỏng vấn sẽ có thời điểm đưa ra câu trả lời không liên quan, cung cấp số liệu, dẫn chứng không đúng hoặc nhỡ tiết lộ sự thật không nên nói.

Empty

Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ thực sự tệ khi bạn không biết làm gì với sai lầm đó. Hoặc cố tình chèo chống để lấp liếm, bào chữa, giải thích cho lỗi sai. Tệ hơn, bạn đổ lỗi ngược lại nhà tuyển dụng vì đặt câu hỏi không rõ ràng… Điều này chắc chắn sẽ càng khiến nhà tuyển dụng khó chịu.

Điều đầu tiên, nếu thấy đã trả lời sai là bạn hãy xin lỗi. Nhưng đừng nhận lỗi không, bạn cần thể hiện thái độ cầu thị bằng cách đưa ra câu trả lời, đính chính khác ngay lập tức hoặc sau đó, tùy vào tình huống của buổi phỏng vấn.

Bắt đầu lại với câu trả lời khác

Nhiều bạn sợ khi trả lời lại sẽ không được nhà tuyển dụng đánh giá cao, sẽ bị mất điểm nên bỏ qua giải pháp này. Tuy nhiên, đây là cơ hội bạn nên tận dụng. Nếu khéo léo, bạn hoàn toàn có thể ghi thêm điểm. Nếu không thì việc mất một ít điểm vẫn còn hơn là mất tất cả. Do đó, đừng vì nỗi sợ mà không dám sửa sai.

Việc xin trả lời lại còn có thể áp dụng với tình huống, bạn đang có câu trả lời dài dòng. Thay vì tiếp tục thử thách sự kiên nhẫn của nhà tuyển dụng thì bạn hãy “trả lời lại”.

Tất nhiên, bạn cần xin phép họ. Phần lớn nhà tuyển dụng luôn đồng ý với điều này. Bởi chính họ cũng muốn bạn nên dừng lại sự lan man và nên đi trực tiếp vào vấn đề. Do đó, bạn hãy mạnh dạn bắt đầu lại với câu trả lời phỏng vấn ngắn gọn, chính xác và đủ ý.

Làm rõ câu trả lời

Bạn cần đánh giá mức độ “sai” của mình. Nếu chỉ là do chưa hiểu rõ câu hỏi, hay trả lời thiếu ý… dẫn đến nhà tuyển dụng hiểu lầm thì bạn nên bình tĩnh. Hãy xác định lại ý của nhà tuyển dụng, bổ sung thêm nội dung cho câu trả lời, đưa thêm dẫn chứng để làm rõ và làm đúng nội dung bạn muốn truyền tải.

Hơn nữa khó có câu trả lời nào là chính xác tuyệt đối, cũng ít có câu trả lời chỉ đơn giản là “có” hay “không”. Do đó, điều quan trọng qua mỗi câu hỏi, bạn thể hiện được năng lực, cá tính và phẩm chất của mình. Đây mới là điều bạn cần nhất quán chứ không phải là sự cứng nhắc trong nội dung câu trả lời. Do đó, việc thay đổi nội dung, hay bổ sung, làm rõ ý tưởng của bạn sẽ được nhà tuyển dụng ghi nhận, thậm chí đánh giá cao.

Chuyển chủ đề mới

Để kiểm tra năng lực ứng viên, nhà tuyển dụng sử dụng nhóm các câu hỏi lắt léo. Nếu trả lời, bạn dễ phạm sai lầm, dễ bộc lộ điểm yếu, điểm còn non nớt.

Với câu hỏi rủi ro như vậy, bạn nên cân nhắc chỉ nên trả lời một khía cạnh mà bạn tự tin nhất. Hoặc tốt hơn, hãy tìm mối liên quan của câu hỏi với một chủ đề khác dễ trả lời hơn để chuyển hướng cuộc trò chuyện.

Bằng cách này, bạn sẽ ngăn chặn được sai lầm có thể xảy đến. Bản thân nhà tuyển dụng cũng không mong chờ có tất cả câu trả lời cho những câu hỏi khó. Điều họ cần là muốn thấy khả năng ứng biến, xoay sở linh hoạt, khéo léo của bạn. Do đó, hãy khéo léo thực hiện điều này và đừng quá lo lắng về việc sẽ bị đánh giá trả lời lạc đề với chủ đề mới.

Đính chính trong email sau phỏng vấn

Trong buổi phỏng vấn, bạn “lỡ” đưa ra những thông tin, số liệu, dẫn chứng chưa chính xác nhưng chưa thể đính chính ngay thì hãy sửa sai trong email sau phỏng vấn.  

Trong email này, ngoài lời cảm ơn, bạn hãy cung cấp lại các số liệu, dẫn chứng chính xác để sửa chữa sai lầm trước đó. Việc làm này cũng phản ánh bạn là ứng viên có trách nhiệm và rất coi trọng cơ hội việc làm.

Empty

Kể cả khi rời khỏi buổi phỏng vấn, bạn mới phát hiện ra sai lầm thì cũng không nên quá thất vọng. Hãy tập trung sửa sai sớm nhất có thể trong email cảm ơn chỉ sau vài tiếng rời khỏi phòng phỏng vấn.

Bạn đừng hoảng hốt khi không may trả lời phỏng vấn sai. Hãy bình tĩnh và xử lý sai lầm một cách khéo léo. Chắc chắn bạn sẽ nhận được sự thông cảm thậm chí ghi thêm điểm với nhà tuyển dụng nếu áp dụng những cách “sửa sai” trên.                                                      

Nam Khánh

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh