CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 05:57

Cách làm hay của Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana

 

Mô hình trồng nấm linh chi.

 

Dù đã bước sang tuổi ngũ tuần, ông Y Dhua Ênuôl, ở buôn Chăm, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) vẫn theo học nghề xây dựng dân dụng. Ông tâm sự: Thấy nhiều đàn ông trong buôn theo học nghề thợ xây. Họ tụ hợp thành  9 nhóm, mỗi nhóm từ  3- 10 kéo nhau đi làm quanh năm khắp trong ngoài tỉnh. Ông ở nhà làm rẫy không đủ nuôi 8 miệng ăn, cái nghèo bủa vây, nên quyết định học nghề. Mỗi tuần học 2 ngày (thứ 3, 4) sau 3 tháng vừa học vừa thực hành ông đã tự xây được móng dựng nhà lồng trồng nấm cho gia đình. Ông dự định học đủ 6 tháng lấy chứng chỉ sẽ xin đi theo thợ xây trong buôn hành nghề.

Vợ ông Y Dhua Ê nuôi, bà H’ Juăn Êban (48 tuổi) cũng đang theo học nghề nấm sò, linh chi. Nghề nấm dễ học, áp dụng vào thực tế cho ra sản phẩm ngay. Hỏi quy trình trồng bà đọc răm rắp: Trộn đều muồng cưa, cám gạo, bột vôi trắng đã qua khử trùng theo tỉ lệ thích hợp, rồi đóng bịch, đưa vào lò hấp ở nhiệt độ 100oc.. Một tháng sau bịch nấm lên men, kéo tơ treo lên giá cao, rạch túi phun nước đợi ngày… thu hoạch. Học xong, bà về nhà bắt tay xây dựng trại trồng nấm rộng 28 m2. Chi phí xây nhà lồng, mua giống được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ, khâu kỹ thuật có giáo viên trung tâm đến nhà tận tình hướng dẫn gia đình H’ Juăn thu được thành quả bước đầu, với 500 bịch nấm linh chi, 700 bịch nấm sò. Trung bình mỗi ngày bà thu 3 – 4 kg nấm sò, bán giá 25 nghìn đồng/kg. Thu liên tục đến khi hết, tái chế trồng lại nấm khác.

Tiếng lành vang xa, nhiều học viên ngoại tỉnh tìm đến, anh Hà Văn Tùng (27 tuổi) ở thôn 7, xã Cư Mgar, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk, mới học nghề trồng nấm gần 2 tháng, nhưng đã biết làm nấm, tạo thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Quốc Cường (29 tuổi), ở thôn 8, xã Ea Tờ Mốt, huyện Ea Súp, Đắk Lắk cũng thành công với mô hình trồng nấm rơm sau khi tham gia khóa học tại trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana. Trước đó, anh Cường từng tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế ở cả trong và ngoài tỉnh, nhưng không áp dụng được cho đến khi tiếp xúc mô hình trồng nấm rơm. Nhờ cách dạy “cầm tay chỉ việc”, lấy sản phẩm đánh giá năng lực giúp học viên “làm được việc”. Sau 1 tháng 25 ngày học ở Trung tâm, anh làm ra hơn 1 tạ nấm.  Được Trung tâm tặng 200 nghìn tiền giống, anh về quê gom rơm làm 180 kg nấm. Anh tiếp tục hướng dẫn nông dân Ea Súp nhân rộng mô hình.

 

Xếp nấm vào trại.

 

Bà Đinh Thị Danh, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana , người rất tâm huyết dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho người dân nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số cho biết: Trung tâm đào tạo theo kế hoạch của huyện giao và nhu cầu học nghề của người dân. Tập trung những nghề nông dân cần, có thể nhân rộng, nhanh tạo ra thu nhập như nghề trồng nấm, nghề trồng, ủ cỏ cho bò hoặc các nghề xã hội đang cần như nghề xây dựng. Học viên trong huyện được hưởng đầy đủ chính sách theo Quyết định 1956 về dạy nghề cho lao động nông thôn. Riêng học viên ngoài huyện, tỉnh, được  tạo điều kiện bằng cách cho mượn nguyên liệu thực hành tạo ra sản phẩm kiếm tiền trang trải chi phí. Trung tâm sẵn sàng giúp đỡ, tạo điều kiện cho bất kỳ ai muốn học hỏi mô hình trồng nấm. Hiện nông dân ở huyện Krông Ana đã làm chủ công nghệ, cho nấm ra đúng ngày rằm, dễ tiêu thụ, bán được giá cao. Từ 2015 – 2016, mỗi năm toàn huyện xử lý khoảng 600 tấn rơm, thu lợi 2-3 tỉ.   

 

Trong 5 năm (2010-2014), thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana đã tổ chức 47 lớp dạy nghề miễn phí cho 1.550 lao động nông thôn. Các nghề đào tạo gồm: trồng và khai thác nấm, may, chăn nuôi, sửa chữa xe máy, xây dựng, nấu ăn, đan mây tre, tin học. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt 71-80%. Bên cạnh đó, trung tâm còn xây dựng 50 mô hình trồng nấm các loại, 6 mô hình sửa chữa xe máy, 30 tổ hợp xây dựng dân dụng, trên 50 mô hình chăn nuôi. Trước những thành tích trong đào tạo nghề lao động nông thôn, đầu năm 2016 Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. 

PHƯƠNG KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh