Bà Rịa – Vũng Tàu: Dạy nghề gắn với việc làm để giảm nghèo
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 22:59 - 04/08/2016
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng công tác dạy nghề, đổi mới công tác dạy nghề theo hướng đào tạo theo nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm sau đào tạo cho lao động. Trong năm phải tiến hành rà soát lại thực trạng hộ nghèo làm cơ sở xây dựng chương trình, giải pháp giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách và giải pháp khuyến khích cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững; tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ưu đãi người có công, hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người nghèo, bảo vệ và chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới và phòng chống tệ nạn xã hội.
Phát huy những thành tích đã đạt được thời gian qua, năm 2016, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị; xây dựng chương trình - kế hoạch, và triển khai thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong đó, một số chỉ tiêu đạt cao như: Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, công tác giải quyết chế độ chính sách cho người có công… nhờ vậy, góp phần giữ vững trật tự an toàn và an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo đang giảm nhanh và bền vững.
Năm 2016, Sở LĐ-TB&XH phấn đấu giải quyết việc làm cho cho 30.000 lượt lao động, trong đó việc làm tăng thêm 8.000 lao động; lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 50 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 59%.
Công tác đào tạo nghề nhất là cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động sang phi nông nghiệp; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, ổn định nâng cao đời sống người dân.
Bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh tập trung vào việc nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng giúp nông dân tự tạo việc làm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập. Trong đó, chú trọng tổ chức đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất như nuôi dê, nuôi vịt siêu trứng, trồng lúa chất lượng cao... Các cấp, ngành chức năng cũng chú trọng hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất. Sau khi được học nghề, người lao động đã chủ động áp dụng các biện pháp cải tiến tổ chức sản xuất, thay đổi dần phương pháp chăm sóc cây trồng, vật nuôi và hình thức kinh doanh; từ đó đã nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình. Với mục tiêu "Dạy nghề gắn với việc làm cho nông dân", việc tuyên tuyền, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương đã được chú trọng; đồng thời đa dạng các hình thức dạy nghề, linh hoạt gắn với tạo việc làm cho nông dân, nhất là nông dân nghèo, dân tộc thiểu số tại địa bàn nông thôn.
Về giảm nghèo, hiện nay tỉnh đề ra mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, khống chế tỷ lệ dưới 1%; điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt, trước hết là về y tế, giáo dục, văn hoá, nước sinh hoạt, nhà ở; người nghèo ngày càng được tiếp cận thuận lợi hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác giảm nghèo. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo. Sở LĐ-TB&XH cũng đã thực hiện chương trình đưa thông tin, văn hóa về cơ sở, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông như: Giúp người nghèo tiếp cận các chính sách giảm nghèo; vận động các hộ nghèo nỗ lực vượt khó khăn để vươn lên, chấp hành đúng pháp luật Nhà nước về dân số kế hoạch hóa gia đình, an toàn giao thông, nâng cao học vấn, bài trừ tệ nạn xã hội. Đồng thời, phổ biến các mô hình giảm nghèo có hiệu quả; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, làm ăn giỏi, những hộ vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng để người nghèo noi theo; khen thưởng kịp thời động viên các hộ thoát nghèo...
Trong năm 2016, tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng 3 mô hình giảm nghèo gồm: Nuôi gà ta thả vườn, trồng thâm canh cây bắp và trồng rau ăn lá theo hướng VietGap. Một số hộ nghèo chuẩn quốc gia, hộ nghèo chuẩn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 và hộ gia đình thoát nghèo chưa quá 3 năm sẽ được tham gia chương trình. Ở huyện Long Điền, mô hình nuôi ếch trong bể xây cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Trần Văn Bảy (ấp Hải Lâm, xã Phước Hưng), một trong những hộ thực hiện thành công mô hình này cho biết, ếch là loài tương đối dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp và có thể tận dụng diện tích đất. Từ khi chuyển sang nuôi ếch, kinh tế gia đình ông Bảy được nâng lên. Với sản lượng cung cấp cho thị trường gần 5 tấn/năm, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Bảy lãi khoảng 100 triệu đồng. “So với trồng xoài, mãng cầu trước đây, nuôi ếch cho thu nhập cao hơn rất nhiều. Hiện trên địa bàn xã đã có nhiều hộ chuyển đổi từ trồng rau, trồng xoài sang nuôi ếch thương phẩm, cung cấp cho thị trường trong huyện và TP. Vũng Tàu” - ông Bảy cho biết.