THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:20

Các vua triều Nguyễn ăn Tết Đoan Ngọ

 

Đội ngũ người hầu chuẩn bị cho buổi đãi yến.

Về truyền thuyết của Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam ngoài sự tích Khuất Nguyên trầm mình ở sông Mịch La, còn có truyền thuyết được truyền lại rằng: Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân đang ăn mừng vì trúng mùa, nhưng sâu bọ năm ấy kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây sau đó ra trước nhà mình mà vận động thể dục. Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượt. ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi mất.  Để tưởng nhớ việc này, nhân dân đã đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”.Dưới triều Nguyễn, Tết Đoan Ngọ cùng với Tết Nguyên đán và Tết Vạn Thọ (mừng sinh nhật vua) được xem là 3 Tết lớn nhất trong năm. Chính vì vậy mà các vua triều Nguyễn rất coi trọng ngày Tết này.

Cũng giống như ngày Tết Nguyên đán, để chuẩn bị cho ngày Tết Đoan Ngọ, các vua triều Nguyễn với vị thế của mình đã cho định thời gian nghỉ Tết. Tùy theo tính chất công việc mà thời gian nghỉ Tết Đoan Ngọ đối với các nha, sở cũng sẽ khác nhau. Trước ngày Tết Đoan Dương, vua Minh Mạng ra sắc lệnh cho thổ mộc ở Kinh nghỉ việc trong 2 ngày mồng 4 và mồng 5; còn những công sở Nội tạo, Nội vụ, Vũ khố thì chỉ được nghỉ một ngày mồng 5. Đối với vua Tự Đức thì vào ngày Tết Đoan Dương tất cả các sở thợ ở Kinh chỉ được nghỉ 1 duy nhất một ngày mồng 5.

Một buổi thiết triều giữa vua và các quan tại điện Cần Chánh.

  Dưới triều vua Gia Long, một ngày trước Tết Đoan Ngọ, Thế tổ Cao hoàng ngự ở điện Cần Chính, bách quan đưa bản kê các đồ lễ kính dâng vào ngày Tết. Đến ngày mồng 5, vua tới Thái miếu và miếu Hoàng khảo làm lễ, sau đó tiến hành ban yến cho thân phiên, hoàng tộc, ủy viên các tỉnh ở điện Cần Chính và 2 bên giải vũ tả, hữu.

Còn với vị vua thứ 2 của triều Nguyễn, ngày Tết Đoan Dương được vua Minh Mạng cho chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Trước đó, Thế tổ Nhân hoàng đế hạ lệnh cho treo cờ lớn bằng trừu lông sắc vàng ở kỳ đài trong kinh thành. Các thành dinh trấn đạo phủ huyện, các đài Trấn Hải, Ðiện Hải và Ðịnh Hải thì đều treo cờ lớn bằng trừu nam sắc vàng. Đến ngày Tết, vua đội mũ cửu long, mặc áo hoàng bào, đeo đai ngọc đến cúng ở Thái miếu. Sau đó, thay thường phục đến chầu ở cung Từ Thọ. Miễn lễ triều hạ cho các quan. Cũng trong ngày chính Tết, vua Minh Mạng sẽ ban yến ở điện Cần Chính cho các quan văn từ Thiêm sự, võ từ Phó vệ úy các quân, phó quản cơ thủy. Ngoài ra, dưới triều vua Minh Mạng, các quan quân, tướng võ lớn nhỏ phải giãi nắng dầm sương vác giáo ở bên ngoài, vì nước khó nhọc mà ngày Tết không được dự yến, Thế tổ Nhân hoàng đế cũng sai thị vệ mang quạt, khăn tay, hào bao gấm, trà, quả, chia đi thưởng cấp cho.

Mộc bản triều Nguyễn khắc về việc vua Minh Mạng cho định thời gian nghỉ Tết Đoan Ngọ đối với triều đình. 

Đến triều vua Thiệu Trị, với quan điểm “tết lành giữa năm, ban thưởng đón phúc thịnh, tỏ tiết lành dục lan ( ) vua tôi cùng vui mừng”. Hiến tổ Chương hoàng đế cũng xuống dụ: “Tết Đoan Ngọ năm nay, những hoàng tử, hoàng thân công ở Kinh, quan văn từ Khoa đạo, Viên ngoại lang, Thị độc Hàn lâm viện, quan Võ từ vệ úy trở lên, cùng ủy viên các địa phương đến hội niên ban, đều chuẩn cho ban cấp quạt, khăn tay, chè quả có từng bậc hạng, điều này ghi lấy làm lệ. Các hoàng tử công, hoàng thân công, mỗi người quạt gỗ đàn hương 1 cái, khăn bằng sa tây nhiễu 1 cái, chè 5 gói (mỗi gói 8 lạng), quả phẩm 8 gói, quốc công chè 4 gói, quả phẩm 6 gói”.Năm 1844, vua Thiệu Trị đã cho mở rộng để thêm nhiều người được dự thưởng, thấm nhuần ân trạch của vua: “Nay kính gặp ngày Tết Đoan Dương, cứ  hai bộ là bộ Lại và bộ Binh khai tâu nhân viên đáng được dự yến, thưởng đã từng xuống chỉ cho thi hành. Nhưng nghĩ bọn đình hầu phải theo phẩm bậc tuy không được dự yến, song họ hàng thân thuộc dòng dõi phiên công, nên đều được tưới nhuần ân trạch. Vậy gia ơn cho: Phúc trạch đình hầu là lương viên, bái trạch đình hầu là Tĩnh cơ, mộ trạch đình hầu là Diên vực, lại trạch đình hầu là Tôn Thất thiện, bình trạch đình hầu là Hồng thục, đến ngày ấy đều cho được dự yến”.

đối với vua Tự Đức, nối tiếp truyền thống của cha ông, chữ “hiếu” cũng được nhà vua hết sức coi trọng. Trong ngày Tết Đoan Dương, vua Tự Đức cho đặt nghi lễ đại triều ở điện Thái Hòa, thân dẫn trăm quan, mặc triều phục đến cung Gia Thọ lạy mừng và tiến dâng vàng tốt (vàng 8 tuổi rưỡi, đĩnh 10 lạng một đĩnh, thường năm tiết này lệ tiến chuẩn theo thế). Khi làm lễ xong, vua ngự điện Thái Hoà nhận chầu mừng trước 1 ngày, tuyên Chỉ triệu hoàng thân và các quan vào ban yến, thưởng cho, ghi làm lệ mãi.

Vào ngày Tết Đoan Ngọ, vua Thiệu Trị tổ chức ban yến cho hoàng thân, quốc thích.

Còn riêng với vua Hàm Nghi, vào ngày Tết Đoan Ngọ, nhà vua mặc áo đẹp (khăn đen áo lam) kính đến cung Gia Thọ, viện Hoàng thái phi, làm lễ người trong nhà. Hoàng thái hậu ở Khiêm cung, sai thái giám kính đến nhà Ôn Khiêm tâu biết. Xong rồi mặc áo cát phục (khăn áo đen) ngự điện Văn Minh, hoàng thân trăm quan đều đủ đồ thịnh phục rảo lạy. Việc yến tiệc dưới triều vua thứ 8 bị bãi bỏ.

Có thể thấy, các vua triều Nguyễn ăn Tết Đoan Ngọ theo một cách rất riêng. Sau Tết Nguyên đán, có lẽ Tết Đoan Ngọ là cái Tết sum họp đầm ấm nhất và có nhiều nghi lễ nhất của triều đình phong kiến. Tết Đoan Ngọ là dịp để các vua triều Nguyễn tri ân tổ tiên, báo hiếu bậc sinh thành, xây dựng mối quan hệ với triều thần. Đây là phong tục đẹp của triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam.

THƠM QUANG/Lao động và xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh