THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:05

Các ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam khẳng định được năng lực vượt trội

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tiếp Hạ nghị sĩ Nhật Bản Tanihata Takashi

 

Đánh giá cao kỹ năng thực tập sinh Việt Nam

Tại buổi tiếp, ông Tanihata Takashi đánh giá cao quan hệ hợp tác hai nước Việt Nam - Nhật Bản có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó có lĩnh vực nguồn nhân lực. Nhiều người trẻ Việt Nam ưu tú đang học tập, làm việc và sinh sống tại Nhật Bản đã có đóng góp rất lớn cho đất nước này.

“Với vai trò hạ nghị sĩ - Quốc hội Nhật Bản, chúng tôi khẳng định luôn cố gắng tạo ra môi trường học tập thuận lợi cho các bạn nước ngoài trong đó có các bạn trẻ Việt Nam. Cố gắng đảm bảo các thể chế luật pháp cho các đối tượng này”, ông Tanihata Takashi nói.

Cùng với đó, vị hạ nghị sĩ Nhật Bản cho biết, đặc biệt kể từ 2017 theo Luật Kỹ năng sửa đổi, phía Nhật có tăng thêm mấy ngành nghề mới, trong đó có ngành hộ sinh hộ lý. Các tập đoàn có nguyện vọng tiếp nhận hộ sinh hộ lý Việt Nam vào tập đoàn thực tập. “Mong tới đây, tập đoàn Hosay Sousei có mặt tại buổi tiếp kiến Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hôm nay, sớm triển khai hợp tác được với phía cơ quan phái cử, tiếp nhận ứng viên hộ sinh hộ lý của Việt Nam”, vị hạ nghị sĩ nói.

Bày tỏ đồng thuận, bà Matsui Keie - Chủ tịch Tập đoàn Sosei cho biết, Tập đoàn có nguyện vọng được tiếp nhận thực tập sinh hộ lý Việt Nam tới làm việc, luôn tạo điều kiện thuận lợi, có chính sách đãi ngộ tốt nhất cho các ứng viên; đồng thời mong muốn Bộ LĐ-TB&XH tạo điều kiện để triển khai hợp tác với phía Việt Nam một cách tốt nhất.

Đại diện Tập đoàn cũng đánh giá cao kỹ năng và bày tỏ sự tin tưởng đối với thực tập sinh Việt Nam. Phía Nhật Bản mong muốn được thúc đẩy hợp tác trong hoạt động phái cử, tiếp nhận  thực tập sinh hộ lý Việt Nam vào làm việc tại các trung tâm dưỡng lão của Tập đoàn.

Trao đổi với phía Nhật Bản, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam ký cấp quốc gia về hợp tác nhân lực giữa hai nước.

“Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Y tế - Phúc lợi, Bộ Ngoại giao của Nhật Bản là cơ sở pháp lý quan trọng, để hợp tác nhân lực giữa hai nước có những bước phát triển mới. Từ chỗ Việt Nam chỉ có khoảng 20 ngàn lao động sang Nhật, năm 2017 đạt tới 59 ngàn lao động. Đến nay, Việt Nam sang Nhật lao động, học tập khoảng 200 ngàn, tu nghiệp sinh khoảng 120 ngàn người”, Bộ trưởng thông tin.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao chương trình hợp tác phái cử thực tập sinh hộ lý. Bộ trưởng cho biết theo Hiệp định đối tác chiến lược kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, từ năm 2012 đến nay, 6 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý với 1.200 ứng viên đã được tuyển chọn và đào tạo tiếng Nhật.

Tính đến nay, Việt Nam đã phái cử tổng cộng 892 ứng viên sang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận Nhật Bản, lần xuất cảnh gần đây nhất là 219 ứng viên vào ngày 30/5/2018.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Các ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội. Đến nay, đã có 48/69 ứng viên điều dưỡng thi đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản, đạt tỷ lệ gần 70%; 89/95 ứng viên hộ lý thi đạt chứng chỉ quốc gia, đạt tỷ lệ 94%. Trong khi với các nước khác, con số này là từ 10 - 30%".

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Hạ nghị sĩ Nhật Bản Tanihata Takashi trao quà lưu niệm

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, đây là lĩnh vực mới, liên quan đến chăm sóc con người nên phải tính toán kỹ và tập trung tháo gỡ những vướng mắc nếu có trong lĩnh vực này.

Cần có chính sách đặc thù, phù hợp hơn 

Với nguồn nhân lực dồi dào, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, điều dưỡng viên chỉ có thể chọn tốt nhất là Việt Nam và Philipines. “Philipines hướng vào giúp việc, không hướng vào điều dưỡng. Với nhu cầu phía Nhật Bản khoảng 400 ngàn điều dưỡng viên thì chỉ Việt Nam mới có thể đáp ứng được nhu cầu này”, Bộ trưởng khẳng định.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề xuất, để đảm bảo cho điều dưỡng viên Việt Nam phát huy tốt nhất năng lực và yên tâm làm việc, phía Nhật một số quy định cần tính toán lại.

Bộ trưởng đơn cử tiêu chí ngoại ngữ N4, sau một năm, các điều dưỡng viên phải thi lại để đáp ứng N3. Điều này dẫn đến việc người lao động sau 1 năm tập trung hết cho công việc, không dễ nâng lên N3. Với tiêu chí này, không đáp ứng yêu cầu, người lao động buộc phải trốn ra ngoài làm việc và cư trú bất hợp pháp.

Bộ trưởng đặt vấn đề, nên chăng, có quy định mang tính đãi ngộ, khuyến khích người lao động vươn lên, cống hiến, như: Nếu chỉ dừng lại ngoại ngữ ở N4 thì chỉ làm các công việc thế này, còn đạt N3 thì đáp ứng các công việc cao hơn, không bắt buộc trở về nước. Hoặc có cơ chế khuyến khích về tiền lương, sau một năm đạt N3, thì nâng lương…

Như thế vừa sử dụng được nguồn nhân lực hiệu quả, có chính sách khuyến khích người lao động yêu nghề và nỗ lực vươn lên, hạn chế được tình trạng không có việc làm nữa thì trốn ở lại.

“Tuyển được một điều dưỡng viên đã khó, công việc lại nặng nhọc, phức tạp, chăm sóc người già khó lắm. Vì vậy cần có chính sách đặc thù, phù hợp hơn và cần bàn thấu đáo vấn đề này”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chốt lại, đây là lĩnh vực mới, liên quan đến chăm sóc sức khỏe con người nên cần được triển khai một cách thận trọng, có tiêu chí cụ thể; tuy nhiên, hai bên cần tháo gỡ những vướng mắc để hợp tác được thành công. Bộ trưởng ủng hộ về mặt chủ trương và giao Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp cùng Tập đoàn Sosei thực hiện.

Trước các ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Hạ nghị sĩ Nhật Bản Tanihata Takashi cùng phái đoàn của ông đặc biệt quan tâm, và bày tỏ đồng thuận cao, khẳng định sẽ triển khai thận trọng, đảm bảo hiệu quả ở mức tối đa.

“Là người đại biểu nhân dân ở nước Nhật Bản, với vai trò cơ quan xây dựng chính sách, tôi tiếp thu ý kiến của các nước đối tác nói chung và ý kiến rất xác đáng của ngài để cải thiện chương trình thực tập kỹ năng, để các bạn điều dưỡng viên phát huy tối đa vai trò của mình. Để các bạn thấy rằng, đến Nhật Bản là lựa chọn tốt”, ông Tanihata Takashi nhấn mạnh.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh